Một năm sau giãn cách vì COVID-19: TP.HCM thực sự hồi sinh

Một năm sau giãn cách vì COVID-19 ở TP.HCM, màu xanh hy vọng dần dần phủ kín, thành phố đã thực sự hồi sinh.

Một năm trước, bóng mây u ám của dịch bệnh COVID-19 bao trùm các căn nhà, ngõ hẻm, con phố ở TP.HCM. Gần 100 ngày TP.HCM phải thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch. Đến ngày 30/9/2021, những rào chắn, barie chính thức được gỡ bỏ hoàn toàn, Thành phố bắt đầu bước vào giai đoạn “bình thường mới”.

Kiểm tra giấy thông hành trong thời gian giãn cách xã hội tại TP.HCM

Kiểm tra giấy thông hành trong thời gian giãn cách xã hội tại TP.HCM

3 tháng dài tựa nhiều năm

Những ngày vừa qua, lịch chở khách của anh Nguyễn Tuấn Anh, 40 tuổi, nhân viên lái xe của một công ty du lịch tại TP.HCM khá dày đặc với nhiều hợp đồng tham quan danh lam thắng cảnh trong và ngoài thành phố. Mỗi ngày, trên hành trình mọi dặm đường, nhìn thấy xe cộ đông đúc, ký ức một năm trước về những chuyến xe chở F0 đi cách ly, đi cấp cứu lại ùa về.

Trước đó, khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty du lịch gặp nhiều khó khăn, anh Tuấn Anh thất nghiệp. Ngày 9/7/2021, TP.HCM chính thức giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, người dân chỉ được ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết. Khi ấy, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng đã chuyển sang cấp độ 3, số ca mắc mới mỗi ngày vượt con số 3.000 ca. Lúc bấy giờ, người dân “ai ở đâu ở yên tại chỗ”, đồ ăn thức uống được cung ứng tận nơi, đi siêu thị bằng tem phiếu ngày chẵn-lẻ, ra đường phải có “giấy thông hành” được cơ quan chức năng cấp.

Những tưởng Chỉ thị 16 chỉ áp dụng trong 15 ngày như tuyên bố ban đầu, đâu ngờ sau đó dịch càng lúc càng căng thẳng, TP.HCM rơi vào đợt giãn cách nghiêm ngặt kéo dài suốt gần 3 tháng và chỉ thực sự được nới lỏng từ từ theo diễn biến của dịch bệnh. Lúc này, anh Tuấn Anh đăng ký làm tình nguyện viên tại khu cách ly phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức.

TP.HCM giãn cách xã hội khi số ca COVID-19 lên đến 3.000 ca mỗi ngày.

TP.HCM giãn cách xã hội khi số ca COVID-19 lên đến 3.000 ca mỗi ngày.

Anh Nguyễn Tuấn Anh cho biết, ngày này năm ngoái cũng chính là ngày mà sau hơn 2 tháng làm tình nguyện viên chở F0, anh về tự cách ly để thực hiện chuyến xe thiện nguyện đáng nhớ, đưa người dân Quảng Ngãi hồi hương. Đó cũng là lần đầu tiên sau hơn 3 tháng, anh được chở số người đông và vui đến thế, ngay trước ngày TP.HCM gỡ bỏ các rào chắn.

“Cả trăm ngày bị nhốt trên này nên khi mà người ta được về quê thì vui lắm. Mình chở họ mà cũng vui lây. Sài Gòn lúc đó chưa hết giãn cách, 2 ngày sau mới bỏ hết giãn cách. Đi từ sáng sớm đến khi tối vô tới nơi thì đúng giờ giới nghiêm nên không được vô, phải để xe ngoài cầu Mai ngủ tới sáng”, anh Tuấn Anh kể lại.

Tình người trong hoạn nạn

Còn Thạc sĩ Lê Minh Hiển - Trưởng Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn không thể quên những khó khăn trong thời gian bùng dịch năm ngoái. Lúc đó, Bệnh viện Chợ Rẫy chịu trách nhiệm tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 1.000 giường (Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2), Phòng Công tác xã hội được coi là hậu phương để cho các y bác sĩ cũng như các bệnh nhân dựa vào trong thời gian khó khăn này.

Trong thời gian đầu bệnh viện thiếu thốn rất nhiều, từ thực phẩm, các dụng cụ cho tới vật tư y tế. Phòng Công tác xã hội liên tục nhận được các tin nhắn “cầu cứu” từ các anh em bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 và các bệnh viện dã chiến.

Từng mớ rau được hỗ trợ đến nhà người dân trong thời gian giãn cách xã hội.

Từng mớ rau được hỗ trợ đến nhà người dân trong thời gian giãn cách xã hội.

“Tôi gặp anh Linh (Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 - PV) trong một ca trực, tôi hỏi anh bây giờ anh cần gì, anh nói rằng giờ chỉ cần một ổ bánh mì của bệnh viện. Mỗi khi nhắc đến những điều này tôi vẫn xúc động, một ổ bánh mì đơn giản như vậy mà cũng khó. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng tiếp sức cho anh được những thứ tối thiểu như vậy”, anh Hiển nói.

Cũng tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, bệnh nhân được xuất viện đều phải có người nhà đến đón về. Thế nhưng lúc đó, hầu hết các thân nhân đang ở trong khu vực bị phong tỏa, có gia đình đang điều trị COVID-19 ở một bệnh viện dã chiến khác. Khi toàn TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, người nhà các bệnh nhân dù có phương tiện cũng không thể ra đường. Thế là những “Chuyến xe 0 đồng” của các nhà hảo tâm đã chờ sẵn trước cổng bệnh viện để chở các bệnh nhân COVID-19.

Đào Huy Anh –sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết, lúc đó dịch chớm bùng phát nhưng vẫn chủ quan, chần chừ không về Bắc. Sau đó Huy Anh mắc COVID-19, phải đi cách ly, điều trị. Tới khi được ra viện thì Thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16, Huy Anh bị "mắc kẹt" tại TP.HCM trong thời gian dài. Cuộc sống xoay quanh 4 bức tường khiến Huy Anh chán nản, lo lắng. Sau một thời gian, Huy Anh tham gia nấu cháo cùng xóm trọ thiện nguyện, dậy từ 2-3h sáng để nấu, đến sáng thì đem đến tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, phát cho công nhân gặp khó khăn ở những xóm nhỏ.

Giờ đây, sau một năm, cái “bình thường” này là vốn có trước đó, nhưng Huy Anh lại thấy hạnh phúc hơn, trân trọng hơn rất nhiều.

“Mình cứ nhớ mãi những hình ảnh khi đó, không ngờ rằng mới đó mà đã một năm trôi qua. Mình hay lên Facebook, xem lại kỷ niệm “ngày này năm xưa”, nhìn lại những tấm ảnh, những dòng trạng thái, chuyện như mới hôm qua. Mình nhớ mãi những hình ảnh mình và những người bạn của mình đi vào bệnh viện dã chiến, hình ảnh các chiến sĩ bộ đội, công an đi phát những phần quà cho mọi người”, anh Huy Anh bày tỏ.

Hiện nay, TP.HCM đã trở lại là chính mình, từng bước hồi phục kinh tế. Giờ đây, từng góc phố, nhà hàng, quán ăn, trung tâm thương mại đã náo nhiệt, sôi động như xưa… Song, quãng thời gian khó khăn nhất trong cao điểm COVID-19 mà hàng triệu người dân thành phố đã phải trải qua sẽ còn đi theo suốt phần đời còn lại của mỗi người./.

Kim Dung/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/mot-nam-sau-gian-cach-vi-covid-19-tphcm-thuc-su-hoi-sinh-post956337.vov