Một năm sau thượng đỉnh lịch sử Trump-Kim: Đàm phán hạt nhân Triều Tiên vẫn giậm chân tại chỗ
1 năm sau cuộc gặp lịch sử Trump-Kim ở Singapore, tiến trình đàm phán Mỹ-Triều vẫn đang giậm chân tại chỗ dù từng được kỳ vọng sẽ có nhiều đột phá bất ngờ.
Ngày 12/6/2018, cả thế giới hướng mắt về Singapore ngóng chờ cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử giữa một Tổng thống Mỹ đương nhiệm và người đứng đầu Triều Tiên.
Sau chưa đầy một ngày thảo luận chóng vánh, Washington và Bình Nhưỡng đưa ra tuyên bố chung với 4 điểm chính. Theo tuyên bố này, nhà lãnh đạo Triều Tiên tái xác nhận cam kết "phi hạt nhân hóa toàn diện bán đảo Triều Tiên" như tuyên bố chung mà Seoul và Bình Nhưỡng ký cách đó 2 tháng.
Văn kiện được lãnh đạo Mỹ-Triều ký kết cũng khẳng định 2 bên sẽ "cùng nỗ lực xây dựng một chế độ ổn định và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên".
Mặc dù được nhận định là một cam kết khá mơ hồ với nhiều mục mang tính biểu tượng, giới quan sát vẫn tin rằng cuộc gặp ở khách sạn Capella trên đảo Sentosa đã đặt nền móng cho một tiến trình đàm phán Mỹ-Triều trong tương lai.
Tổng thống Trump ngay sau cuộc gặp với ông Kim tuyên bố, đình chỉ các cuộc tập trận với Hàn Quốc vốn từng bị Triều Tiên lên án là khiêu khích và kích động chiến tranh. Thực tế thì một số sau đó vẫn được triển khai nhưng hầu hết là ở quy mô nhỏ.
Triều Tiên trong khi đó đồng ý trao trả 55 bộ hài cốt được cho là của lính Mỹ bị thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Quan trọng hơn, vào tháng 7/2018, một số hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên bắt đầu dỡ bỏ các cơ sở hạ tầng ở bãi thử tên lửa Sohae.
Triều Tiên và Hàn Quốc cũng tiến tới các hội nghị thượng đỉnh mới, thống nhất về các bước đi làm giảm căng thẳng trong khu vực như gỡ bỏ mìn dọc biên giới, tháo dỡ các trạm lính gác và thiết lập một vùng cấm bay.
Năm 2018 cũng là năm ghi nhận nhiều cuộc gặp giữa các phái đoàn Mỹ-Triều nhưng cũng không thiếu các cuộc họp bị hủy bỏ không lý do.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không ít lần công du tới Bình Nhưỡng và hội kiến với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tổng thống Trump trong khi đó tiếp đón các quan chức cấp cao Triều Tiên tại Nhà Trắng và tuyên bố ông và Chủ tịch Kim đều "quý mến nhau".
Trong thông điệp đầu năm 2019, ông Kim nói ông rất sẵn lòng gặp lại Tổng thống Trump, cùng với đó đưa ra cam kết phi hạt nhân hóa nhưng cũng cảnh báo sẽ thay đổi ý định nếu không hài lòng với các cuộc đàm phán.
Một loạt các cuộc đàm phán vào đầu tháng 1/2019 diễn ra, sau đó là thông báo tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội của Tổng thống Trump.
Bài liên quan
Hàn Quốc kêu gọi đưa Thượng đỉnh Mỹ - Triều 'trở lại đường ray'
Những diễn biến này rõ ràng là hết sức lạc quan nếu nhìn vào lịch sử đối đầu của 2 nước trong quá khứ. Tuy nhiên, trên thực tế, đằng sau các cuộc đàm phán, cả 2 bên đều không đưa ra được bất cứ bước tiến mới nào về tiến trình phi hạt nhân hóa, nới lỏng các lệnh trừng phạt hay đưa ra một tuyên bố hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
Truyền thông Triều Tiên liên tục phàn nàn việc Mỹ khăng khăng rằng sẽ chỉ nới lỏng các lệnh trừng phạt áp đặt lên Bình Nhưỡng hay tiến tới tuyên bố hòa bình nếu quốc gia Đông Bắc Á có những bước đi mới về phi hạt nhân hóa.
Về phần mình, tình báo và giới chức quốc phòng Mỹ chỉ trích Triều Tiên vẫn tiếp tục nuôi tham vọng phát triển hạt nhân và rằng Bình Nhưỡng sẽ khó có thể từ bỏ tham vọng này.
Những bất đồng trong quan điểm giữa 2 bên được kỳ vọng có thể hóa giải tại cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim tại Hà Nội. Cả Washington và Bình Nhưỡng đều phát đi nhiều tín hiệu lạc quan trước cuộc hội ngộ tại Metropole.
Tuy nhiên, bong bóng kỳ vọng vỡ tan khi 2 bên không thể tiến tới một tuyên bố chung và nhiều lịch trình theo dự kiến cũng bị hủy bỏ một cách bất ngờ và chóng vánh.
Sau hội nghị thượng đỉnh không đi theo kịch bản như thế giới kỳ vọng, 2 bên đưa ra những tuyên bố khác biệt. Tổng thống Trump khẳng định cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều tiên không đạt được kết quả như mong muốn là do những bất đồng của Mỹ và Triều Tiên về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng. Nhưng Ngoại trưởng Triều Tiên nhấn mạnh nước này đã đưa ra đề xuất thực tế khi yêu cầu Mỹ dỡ bỏ 5 trong số 11 lệnh trừng phạt thay vì toàn bộ như Tổng thống Trump tuyên bố. Theo ông Ri, Mỹ đã khước từ đề xuất này.
Liên tiếp sau đó, 2 bên đổ lỗi lẫn nhau, cho rằng bên còn lại không chịu nhún nhường để cùng đi tới một thỏa thuận. Thậm chí Triều tiên còn kêu gọi Mỹ thay thế Ngoại trưởng Mike Pompeo bằng một nhà đàm phán "cẩn thận" và "trưởng thành" hơn trong các cuộc đàm phán sắp tới.
Cuối tháng 3/2019, 1 tháng sau thượng đỉnh tại Hà Nội, Cơ quan tình báo Hàn Quốc loan tin, Triều Tiên gần như đã hoàn thành khôi phục bãi phóng tên lửa tầm xa quan trọng ở Dongchang-ri, nằm trên bờ biển phía Tây nước này. Động thái này làm dấy lên suy đoán về việc Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa vệ tinh, thể hiện sự thất vọng vì tình trạng đàm phán bế tắc với Mỹ và gây sức ép để Washington phải có động thái rõ ràng.
Chưa đầy 20 ngày sau đó, Triều Tiên hiện thực hóa lo ngại này khi tuyên bố thử nghiệm một loại vũ khí tầm ngắn có chế độ bay đặc biệt và đầu đạn uy lực.
Tới 4/5, Bình Nhưỡng bắn thử một tên lửa tầm ngắn không xác định từ bờ biển phía Đông, đánh dấu vụ phóng tên lửa đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ tháng 11/2017. 5 ngày sau, Triều Tiên tiếp tục phóng 2 vật thể được cho là tên lửa tầm ngắn từ khu vực Kusong. Các chuyên gia cho rằng liên tiếp các vụ phóng này là tín hiệu mà quốc gia Đông Bắc Á gửi tới Mỹ rằng họ đang mất dần kiên nhẫn.
"Vụ phóng vũ khí của Triều Tiên là cảnh báo gửi tới Mỹ rằng nếu Washington tiếp tục gây sức ép và áp dụng các biện pháp trừng phạt, Triều Tiên sẽ phóng thêm nhiều tên lửa. Giới chức Triều Tiên cũng muốn chứng tỏ với người dân nước này rằng họ sẽ không khuất phục sức ép của Mỹ trong các cuộc đàm phán", Yang Moo-jin, Giáo sư của trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên nhận định.
Mỹ không đưa tuyên bố gì quá mức gay gắt nhưng lại có động thái khiến Triều Tiên "sôi máu" là bắt giữ tàu chở hàng của nước này chỉ 1 ngày sau vụ phóng tên lửa hôm 9/5.
Bất chấp những bất đồng đó, Tổng thống Trump cuối tháng 5 vẫn khẳng định Mỹ và Triều Tiên "rất tôn trọng" nhau, đồng thời dự đoán "nhiều điều tốt đẹp" sẽ đến với Bình Nhưỡng.
Những tuyên bố xoa dịu này không làm vừa lòng Triều Tiên. Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao khi mới đây Bình Nhưỡng công khai ra thông báo rằng sự kiên nhẫn của họ có hạn và nếu Washington không loại bỏ yêu cầu Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân một cách đơn phương, tuyên bố tại Singapore có thể sẽ trở thành một "đống giấy lộn".
“Mỹ nên hiểu rằng cần phải có sự thay đổi trong cách thức tính toán hiện nay và phản hồi với yêu cầu của chúng tôi sớm nhất có thể. Sự kiên nhẫn là có giới hạn”, KCNA dẫn thông cáo từ Bộ Ngoại giao Triều Tiên đưa ra hôm 4/6 cho hay.
Các nhà phân tích chính trị nhận định, tuyên bố mới nhất dường như đã đưa tiến trình đàm phán Mỹ-Triều quay trở lại vạch xuất phát. Và dù nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 4 từng nói rằng ông sẽ chờ tới cuối năm để xem Mỹ có thay đổi thái độ hay không, nhiều người lo ngại Bình Nhưỡng sẽ khó có thể ngồi yên trong nửa năm tới nếu nhìn vào sự mất kiên nhẫn của họ hiện nay.
Kịch bản xấu nhất sẽ là thông báo chung Mỹ-Triều tại Singapore có thể trở thành "đống giấy lộn" thực sự như Triều Tiên cảnh báo và tất cả các nỗ lực đàm phán từ trước tới nay giữa 2 nước sẽ là phí công vô ích. Thậm chí 2 bên có thể sẽ trở lại thời điểm căng thẳng với những đe dọa sử dụng vũ lực như cách đây gần 2 năm.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, cả hai đã đến quá gần một thỏa thuận tại Hà Nội và không thể từ bỏ cơ hội vào lúc này. Ông Trump đang chuẩn bị tái tranh cử, ông chắc chắn sẽ muốn có một thành tựu đối ngoại đủ lớn trong nhiệm kỳ của mình làm 'vốn liếng'. Còn nhà lãnh đạo Kim Jong-un cần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Bởi thế, một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba vào cuối năm nay là gần như chắc chắn. Bản thân nhà lãnh đạo Mỹ mới đây cũng gợi mở về hội nghị thượng đỉnh thứ 3 để giải quyết các bất đồng đang lên cao với Bình Nhưỡng và tiến gần thêm tới tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.