Một năm vượt khó của ngành giao thông vận tải
Trong năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng ngành giao thông vận tải đã nỗ lực khắc phục những khó khăn bảo đảm hoạt động vận tải được thông suốt, giải ngân vốn đầu tư công, khởi công và hoàn thành nhiều dự án giao thông trọng điểm...
Sáng 25/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022.
Quang cảnh hội nghị
Bảo đảm hoạt động vận tải thông suốt
Thông tin về những kết quả đã đạt được trong năm 2021, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư tại nước ta đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều thành phần kinh tế, trong đó có lĩnh vực vận tải.
“Khắc phục những khó khăn, Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp vận tải nhằm bảo đảm không để bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân và nguyên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh như thành lập Tổ công tác đặc biệt, các Đoàn kiểm tra tại 22 địa phương về bảo đảm hoạt động vận tải gắn với phòng chống dịch.
Đặc biệt ban hành 5 Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải trên cả 5 lĩnh vực và đề nghị các địa phương rà soát, thu hồi các quy định đã ban hành không phù hợp, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động vận tải gắn với phòng chống dịch COVID-19”, Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin.
Sản lượng vận tải hành khách lũy kế 11 tháng ước đạt 2.268 triệu lượt khách, giảm 30,1% so với cùng kỳ. Luân chuyển hành khách ước đạt 90,843 triệu HK.km giảm 38,4% so với cùng kỳ.
Về sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2021, ước tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 12 tháng năm 2021 đạt 703 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhất là doanh nghiệp vận tải. Thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng làm Tổ trưởng đễ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đồng thời đề xuất các cấp thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách giảm phí để hỗ trợ các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm thông tin về những kết quả đạt đạt được của Bộ GTVT trong năm 2021
Chỉ đạo tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí đóng trên địa bàn các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg. Miễn phí cho các phương tiện tham gia vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa qua trạm thu phí...
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng hồ sơ và tiến độ, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao với các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án nhóm A phải trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, đặt chất lượng lên hàng đầu
“Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của Bộ GTVT khoảng 43.401 tỷ đồng gồm 42.996 tỷ đồng kế hoạch năm và 405 tỷ đồng kế hoạch kéo dài. Bộ đã phân bổ chi tiết toàn bộ 42.996 tỷ đồng kế hoạch năm được Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định.
Dự kiến đến hết tháng 1/2022 (thời hạn giải ngân kế hoạch năm), Bộ GTVT phấn đấu giải ngân kế hoạch cả năm đạt tối thiểu 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2021, Bộ GTVT đã tập trung, chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân các dự án, nhất là với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm của ngành như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cải tạo đường hạ cất cánh, đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách...”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức được đưa vào vận hành khai thác
Lãnh đạo Bộ thường xuyên chủ trì họp, kiểm tra hiện trường, làm việc với các bộ, ngành, địa phương và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
Đối với những khó khăn kéo dài như công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu cho các dự án, Bộ đã nhiều lần chỉ đạo và đã kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tháo gỡ.
Đến nay, Bộ đã hoàn thành thủ tục và khởi công 18 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 14 dự án. Các công trình dự án cơ bản hoàn thành đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư, trong đó có các dự án quan trọng, cấp bách như khởi công 5 dự án thành phần còn lại của cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên và tuyến kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.
Dự kiến hoàn thành Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất,...Hoàn thành, bàn giao Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông cho TP.Hà Nội đưa vào vận hành, khai thác.
Tính đến ngày 19/11/2021, các Chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án đã trình báo cáo quyết toán 34 dự án với tổng giá trị là 26.487 tỷ đồng. Các cơ quan đã thẩm tra, phê duyệt quyết toán 45 dự án (bao gồm cả các dự án đã trình trong năm 2020) với tổng giá trị là 16.043 tỷ đồng.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mot-nam-vuot-kho-cua-nganh-giao-thong-van-tai-post174070.html