Một năm vượt khó xuất khẩu cà phê
Năm 2020 là một năm khó khăn của xuất khẩu hàng hóa tỉnh Lâm Đồng. Giá trị xuất khẩu cả năm ước đạt 708,5 triệu USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 88,56% kế hoạch năm. Riêng mặt hàng cà phê nhân, ghi nhận các doanh nghiệp xuất khẩu được 184,1 triệu USD, giảm 13,49% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu giảm cả về lượng lẫn giá trị
Trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nhiều nước duy trì các chính sách hạn chế đi lại, phong tỏa hải cảng, biên giới... đã khiến cho hoạt động xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy vậy, vượt qua bao khó khăn, các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn miệt mài nỗ lực, tìm đường xuất khẩu cà phê.
Theo Sở Công thương Lâm Đồng, dự ước sản lượng xuất khẩu cà phê nhân năm 2020 của tỉnh đạt 112.989 tấn, giá trị 184,1 triệu USD, giảm 7,94% về lượng và 13,49% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là: Tây Ban Nha, Ý, Hàn Quốc, Đức, Anh, Trung Quốc, Úc, Đan Mạch, Ấn Độ, Tunisia, Ukraina, Malaisia, Mỹ... Mặt hàng cà phê xuất khẩu tuy có giảm về sản lượng lẫn về giá trị nhưng vẫn dẫn đầu trong nhóm mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực của Lâm Đồng.
Theo ông Châu Văn Sĩ - Đại diện Công ty TNHH Olam Việt Nam tại tỉnh Lâm Đồng, tình hình chung về tiêu thụ và xuất khẩu cà phê của Lâm Đồng trong năm 2020 không bằng mọi năm. Các thị trường chủ lực của công ty như: Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là Ý và Mỹ bị tê liệt do dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh tại các quốc gia này. Mặt khác, mặt hàng cà phê không còn có giá tốt như những năm trước, do áp lực nguồn cung lớn hơn cầu ở cả thị trường trong nước lẫn thế giới. Nhưng riêng Công ty cà phê Olam, trong năm nay đã đẩy mạnh các hoạt động liên kết, sản xuất cà phê chất lượng cao với người dân để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ cà phê nội địa lẫn xuất khẩu đều có tăng.
Trong những ngày cuối năm 2020 và quý I/2021, thị trường xuất khẩu cà phê được kỳ vọng sẽ sôi động hơn do sắp vào vụ thu hoạch mới, các đơn vị xuất khẩu trong nước tập trung đẩy hàng để dọn kho chuẩn bị thu mua hàng mới - ông Sĩ cho hay.
Chung nhận định, ông Đoàn Mạnh Trình - Công ty TNHH Tám Trình chia sẻ, thị trường tiêu thụ cà phê trong nước bị chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cơ sở kỳ vọng mùa sản xuất cuối năm, thị trường tiêu thụ sẽ sôi động hơn, nhưng có thể giá cà phê sẽ có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào khi vào vụ thu hoạch mới.
Còn đối với thị trường xuất khẩu, tại nhiều quốc gia, nhất là các nước châu Âu đang đứng trước nguy cơ đối mặt với làn sóng thứ 3 bùng phát dịch COVID-19. Nhưng tình hình nhập khẩu cà phê tại một số nước châu Âu hay Mỹ trong 3 tháng cuối năm vẫn cho thấy những dấu hiệu khả quan do tăng cường nhập khẩu vào đầu năm 2021.
Theo ông Trình, cà phê cũng là một trong những mặt hàng có mức tiêu thụ cao tại các thị trường này, đặc biệt là cà phê rang xay, hòa tan đang được các nước trên thế giới ưa chuộng do nhu cầu thưởng thức tại nhà tăng cao. Đây cũng vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp Lâm Đồng trong việc tìm lối đi riêng để xuất khẩu cà phê.
Theo dự đoán của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, những tháng cuối năm, thị trường xuất khẩu mặt hàng này sẽ sôi động hơn. Tuy nhiên, giá mặt hàng cà phê khó tăng lên vì vào vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào.
Chuyển hướng thị trường cà phê nội địa
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, thời điểm cách đây 5 - 10 năm, tiêu thụ cà phê nội địa chỉ đạt 6 - 7% sản lượng và 0,5 kg/đầu người/năm. Đến nay, tiêu thụ nội địa của Việt Nam đã tăng mạnh. Với sự đầu tư của các doanh nghiệp, cũng như hệ thống thị trường tiêu thụ để tạo kích cầu tiêu thụ cà phê Việt Nam, tiêu thụ của nội địa tăng lên từ 7% lên đến trên dưới 13% sản lượng cà phê của cả nước, đạt khoảng 200.000 tấn/năm, bình quân đầu người đã đạt trên dưới 2 kg/người/năm so với trước đây.
Ông Nguyễn Song Vũ - Giám đốc mảng cà phê HTX Trường Sơn - Cầu Đất cho biết: Tại địa phương, nông dân bán cà phê tươi cho thương lái thì giá chỉ từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, nhưng nếu được đầu tư chế biến sâu, mỗi kg cà phê nhân của vùng Cầu Đất sẽ được các công ty thu mua với giá trên dưới 80.000 đồng/kg. Chính vì vậy, đầu tư phát triển chế biến sâu, giảm dần tỷ lệ xuất khẩu thô, tham gia dẫn dắt các chuỗi giá trị cà phê nội địa đang là xu hướng được doanh nghiệp cà phê hướng đến.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có 33 doanh nghiệp và hơn 250 hộ thu mua và chế biến cà phê nhân với công suất mỗi năm khoảng 300.000 - 320.000 tấn, chiếm gần 80% tổng sản lượng. Trong đó có 10 doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến ướt mỗi năm khoảng 40.000 - 50.000 tấn cà phê nhân.
Bên cạnh đó, Lâm Đồng hiện có 117 doanh nghiệp, cơ sở chế biến cà phê rang xay, cà phê bột đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với công suất hơn 5.676 tấn thành phẩm mỗi năm. Nhiều đơn vị đã tham gia đánh giá, phân hạng và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP Lâm Đồng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác ở Lâm Đồng đã và đang đầu tư thiết bị công nghệ sản xuất sản phẩm cà phê hòa tan giá trị cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như: Công ty TNHH cà phê Thái Châu (Đà Lạt), Công ty TNHH Tám Trình (Lâm Hà)... Điều này cho thấy, phát triển thị trường cà phê nội địa đang là hướng đi đúng đắn, giúp nâng cao giá trị hạt cà phê Lâm Đồng trên thị trường trong và ngoài nước.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202012/mot-nam-vuot-kho-xuat-khau-ca-phe-3037032/