Một năm xung đột Nga – Ukraine: Phương Tây nâng cấp vũ khí hỗ trợ Kiev như thế nào?
Từ các vũ khí phòng thủ cho tới các vũ khí thiên về tấn công và cuối cùng là các vũ khí tấn công, phương Tây đã từng bước vượt qua những lằn ranh mà họ đặt ra trong hỗ trợ vũ khí cho Ukraine suốt gần 1 năm qua.
Dịch chuyển dần sang các vũ khí tấn công
Hàng tỷ USD vũ khí từ Mỹ và châu Âu đã được cung cấp cho Ukraine từ súng trường, đạn, tên lửa cho tới các hệ thống pháo. Phương Tây ban đầu khẳng định, các vũ khí trên là những vũ khí "phòng thủ" được thiết kế để hỗ trợ Ukraine chiến đấu với quân đội Nga.
1 năm kể từ khi xung đột nổ ra, các loại vũ khí phương Tây cung cấp cho Kiev đã thay đổi đáng kể. Hiện nay, vũ khí đến từ phương Tây chủ yếu là xe bọc thép, tên lửa và xe tăng hiện đại. Ông Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine cho biết Kiev "đang chờ sự hỗ trợ trang thiết bị từ phương Tây để bắt đầu phản công".
Sau khi tuyên bố phản công thành công ở các khu vực phía Nam và phía Đông Bắc vào mùa thu năm ngoái, các lực lượng của Ukraine được cho là đang lên kế hoạch phản công vào năm nay. Các nước phương Tây đã phá vỡ những lằn ranh đỏ mà chính họ đặt ra trước đó để cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí tiên tiến nhằm đảm bảo cuộc phản công sẽ đạt được kết quả tốt nhất có thể. Đây thực sự là một bước phát triển lớn của phương Tây.
Trở lại tháng 2/2022, khi Nga tiến vào phía Bắc Ukraine và tấn công sâu hơn vào khu vực Donbass ở phía Đông, Mỹ và đồng minh ưu tiên cung cấp đạn dược, tên lửa phòng không vác vai, các hệ thống phòng không và quan trọng nhất là các hệ thống pháo.
Trong gần 12 tháng qua, Ukraine đã nhận được từ các nước phương Tây không dưới 500 hệ thống pháo kéo và pháo tự hành cùng với các hệ thống phóng tên lửa. Hàng trăm khẩu pháo nữa cũng đang trên đường vận chuyển tới Ukraine.
Tuy nhiên, khi các cuộc tấn công của Nga có dấu hiệu chững lại, phương Tây bắt đầu vận chuyển cho Kiev các vũ khí thiên về tấn công hơn là phòng thủ. Ba Lan đã hỗ trợ hơn 200 xe tăng cũ cho Ukraine với một số xe tăng trong đó là T-72 thời Liên Xô.
Những chiếc xe tăng này là minh chứng đầu tiên cho thấy sự dịch chuyển trong việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine từ phòng thủ sang tấn công. Sự dịch chuyển đó ngày càng được tăng cường trong mùa hè năm 2022 khi Washington và đồng minh bắt đầu vận chuyển cho Kiev xe bọc thép chở quân để hỗ trợ xe tăng trong các cuộc tấn công. Mỹ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Litva, Đức, Australia và một số quốc gia khác đã hỗ trợ cho Ukraine hơn 1.400 xe bọc thép, với nhiều phương tiện trong đó là M-113 do Mỹ thiết kế.
Các xe bọc thép được vận chuyển vào đúng lúc Ukraine tiến hành phản công ở Kharkiv và Kherson thuộc phía Đông Bắc và phía Nam nước này vào mùa hè năm ngoái. Với những vũ khí được phương Tây cung cấp, Kiev cho biết đã tấn công sâu vào các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát, làm gián đoạn các tuyến hậu cần của Moscow và giành lại một số vùng lãnh thổ. Ukraine cũng bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị cho cuộc phản công mới trong năm 2023. Đầu tháng trước, ông Kyrylo Budanov - người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quân sự Ukraine nhận định với ABC News rằng quân đội Ukraine đang lên kế hoạch đánh lớn vào mùa xuân nhằm giành lại các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát "từ Crimea tới Donbass".
Trong khi đó, các lực lượng của Nga cho biết họ có thể sẽ tiến hành các cuộc tấn công để củng cố thành quả và làm thất bại kế hoạch tấn công của Ukraine.
Trước tình hình đó, Mỹ và một số đồng minh đã bắt đầu cung cấp xe chiến đấu bộ binh như M-2 và Marder cho Kiev. Những phương tiện này giống như xe bọc thép chở quân nhân nhưng được trang bị nhiều vũ khí tấn công hơn, trong đó có pháo tự động và tên lửa chống tăng.
Với vũ khí hạng nặng và tốc độ cao, các xe chiến đấu bộ binh đặc biệt hữu ích với các chiến dịch tấn công. Theo Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, những phương tiện này đóng vai trò "cần thiết để Ukraine tiếp tục tiến công và giành lại các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát".
Bước ngoặt của phương Tây
Xe chiến đấu M-2 và những phương tiện trên chỉ là khởi đầu. Khi cuộc xung đột ở Ukraine bước vào năm thứ hai, sự hỗ trợ của Mỹ và NATO cho Ukraine ngày càng gia tăng. 2 tháng đầu năm 2023 đã chứng kiến các quyết định quan trọng của phương Tây khi các nước này cung cấp cho Kiev những vũ khí mà trước đó họ do dự.
Anh đã cam kết hỗ trợ 14 xe tăng hạng nặng Challenger 2 tốt nhất của nước này cho Ukraine. Mỹ cũng đề nghị cung cấp 31 xe tăng hiện đại M-1A2. Berlin sau đó cũng nhất trí để Ba Lan hỗ trợ cho Ukraine một số xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất, đồng thời nói rằng các quốc gia châu Âu khác cũng có thể làm vậy. Bản thân Đức cũng khẳng định sẽ hỗ trợ Ukraine một số xe tăng này.
Di chuyển nhanh và tấn công mạnh mẽ, bản thân các xe tăng là những phương tiện tấn công hiệu quả. Tổng thống Zelensky đã khẳng định việc Mỹ và NATO hỗ trợ xe tăng hiện đại là "một bước quan trọng" để đưa nước này tới chiến thắng.
Tuy nhiên, sự thận trọng của một số nước phương Tây đã ngăn cản Ukraine nhận được số lượng vũ khí mà nước này yêu cầu, đồng thời trì hoãn cuộc phản công của Kiev giữa bối cảnh cuộc tấn công mùa xuân của Nga được đánh giá là đã bắt đầu.
Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết, phương Tây thiếu xe tăng có thể vận hành được để cung cấp ngay cho Ukraine. Kiev dự kiến phương Tây sẽ cung cấp cho nước này khoảng 320 xe tăng nhưng theo tờ The Times của Anh, chỉ 50 xe tăng có thể đến tay Ukraine vào đầu tháng 4.
Cao ủy EU về Chính sách an ninh và Đối ngoại Josep Borrell cũng nhấn mạnh về vấn đề trên tại Hội nghị An ninh Munich ngày 19/2. Ông cho rằng châu Âu “đang trong chế độ chiến tranh khẩn cấp”.
"Việc thiếu đạn dược phải nhanh chóng được giải quyết", ông hối thúc, đồng thời cảnh báo, nếu các nước châu Âu không nhanh chóng cung cấp đạn dược "trong một vài tuần nữa", cuộc xung đột này sẽ kết thúc./.