Một năm xung đột Nga-Ukraine: Thế giới cần chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài
Nổ ra cách đây đúng tròn 1 năm, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu, với những tác động tiêu cực không chỉ tới Nga, Ukraine, mà toàn thế giới.
Chiến dịch đặc biệt của Nga diễn ra sau khi mọi nỗ lực đàm phán giữa Nga và Ukraine, cũng như giữa Nga và phương Tây thất bại nhằm xây dựng cấu trúc an ninh toàn diện, công bằng, ổn định lâu dài ở châu Âu. Trong phát biểu trực tiếp ngày 24/2/2022, Tổng thống Vladimia Putin tuyên bố, chiến dịch quân sự của Nga là hành động tự vệ và nhằm “phi quân sự hóa" quốc gia láng giềng Đông Âu.
Một năm trôi qua, không bên nào đạt được những bước đột phá lớn có thể làm thay đổi cục diện xung đột, hoặc bày tỏ thiện chí sẵn sàng đàm phán. Ukraine từng nhiều lần tuyên bố không chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ trong một thỏa thuận hòa bình tương lai với Nga.
Còn với Tổng thống Putin, thỏa hiệp dường như không phải là một lựa chọn vào thời điểm hiện nay: “Chúng ta kiên quyết bảo vệ không chỉ lợi ích của riêng mình. Chúng ta tin rằng, trong thế giới hiện đại không nên có sự phân chia thành các quốc gia văn minh hay không văn minh. Châu Âu và toàn thế giới cần một hệ thống an ninh bình đẳng và không thể chia cắt”.
Cuộc xung đột tại Ukraine đã trở thành cuộc chiến tàn khốc nhất ở châu Âu kể từ sau chiến tranh Lạnh, với gần 19.000 dân thường đã thiệt mạng và bị thương. Gần 13 triệu người, tức hơn 1/3 dân số Ukraine phải rời bỏ nhà cửa. Ukraine cũng đã mất quyền kiểm soát một dải bờ biển, trong khi nền kinh tế bị tê liệt. Ngân hàng thế giới ước tính chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã tàn phá nền kinh tế Ukraine, khiến quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bị thu hẹp 1/3, với thiệt hại lên tới 350 tỷ USD.
Điều phối viên Chương trình Lương thực thế giới tại Ukraine Jakob Kern nhấn mạnh: “Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm trên thế giới và nằm trong top ba về ngô, lúa mạch và hạt hướng dương. Trước cuộc xung đột, Ukraine từng nuôi sống cả thế giới, giờ đây họ cần sự giúp đỡ để nuôi sống chính mình.”
Còn đối với Nga, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm giảm doanh thu từ năng lượng và các mặt hàng xuất khẩu khác. Chỉ trong vòng vài ngày, 300 tỷ USD dự trữ ngoài tệ ở nước ngoài của Nga đã bị đóng băng. Các chính phủ phương Tây sau đó chuyển sang chặn tất cả đầu tư nước ngoài; ngắt kết nối 3/4 lĩnh vực tài chính của Nga và cấm vận năng lượng của nước này. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga sẽ chứng kiến mức giảm GDP trong năm nay khoảng 3,4%.
Không dừng lại ở biên giới Ukraine và Nga, tác động kinh tế của cuộc xung đột đột được cảm nhận rõ từ những ngôi nhà lạnh giá ở châu Âu đến các thị trường thực phẩm ở châu Phi. Chiến tranh đã làm gián đoạn hoạt động thương mại toàn cầu vẫn đang phục hồi sau đại dịch. Giá lương thực tăng vọt do Nga và Ukraine là những nhà cung cấp chính lúa mì, dầu hướng dương và phân bón hàng đầu thế giới.
Theo chuyên gia Tracey German, giáo sư về xung đột và an ninh tại Đại học Hoàng gia Anh, chiến tranh “đã thực sự làm nổi bật sự mong manh” của một thế giới kết nối với nhau giống như đại dịch đã làm và tác động kinh tế đầy đủ vẫn chưa được cảm nhận hết.
Nguy hiểm hơn, cuộc xung đột đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới khiến một số nhà phân tích nhớ lại giai đoạn những năm 1930 dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ 2. Nga đã huy động hàng trăm nghìn lính nghĩa vụ và đặt mục tiêu mở rộng quân số từ 1 triệu lên 1,5 triệu quân. Pháp có kế hoạch tăng chi tiêu quân sự lên 1/3 vào năm 2030, trong khi Đức đã từ bỏ lệnh cấm gửi vũ khí đến các khu vực xung đột lâu nay và vận chuyển tên lửa và xe tăng tới Ukraine. Mỹ đã đẩy mạnh sản xuất vũ khí để thay thế kho dự trữ chuyển đến Ukraine.
Không dừng ở đó, đúng dịp đánh dấu 1 năm cuộc xung đột, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bất ngờ tới thăm Ukraine và sau đó là Ba Lan, một quốc gia sát biên giới khác của Nga để gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới Nga rằng Mỹ và các đồng minh sẽ không “từ bỏ Ukraine”:
“Chúng ta phải có an ninh ở châu Âu và vì vậy, NATO là liên minh duy nhất hoạt động có hiệu quả và có thể là hiệu quả nhất trong lịch sử. Như đã nói với Tổng thống Zelensky khi chúng tôi nói chuyện ở Kiev, tôi có thể tự hào khẳng định rằng sự ủng hộ của chúng tôi dành cho Ukraine vẫn không thay đổi”.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 đã tổ chức phiên họp đặc biệt trong ngày hôm nay nhằm thông qua một dự thảo nghị quyết mới hướng tới mục tiêu chấm dứt xung đột và lập lại hòa bình trong khu vực.
Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, một nền hòa bình thực sự và lâu dài phải dựa trên Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế: “Người Ukraine, người Nga và bất kỳ ai trên thế giới cùng cần hòa bình. Trong bối cảnh triển vọng ảm đạm như hiện nay ngày nay, tất cả chúng ta phải cùng nhau làm việc vì một nền hòa bình thực sự, lâu dài dựa trên về Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Cuộc chiến càng kéo dài, công việc này sẽ càng khó khăn. Chúng ta không được phép để mất bất kỳ giây phút nào”.
Cuộc xung đột giờ đây không còn giới hạn là cuộc đối đầu giữa hai quốc gia láng giềng, mà đã làm gia tăng thế đối đầu trên bàn cờ địa chính trị thế giới, thúc đẩy các quốc gia hướng đến những khối liên kết mới. Việc thông qua bất kỳ nghị quyết nào tại các cơ quan của Liên Hợp Quốc đều trở nên khó khăn hơn./.