Một nét Kiều mới trên sân khấu rối

'Dũng cảm' tái hiện cuộc đời nàng Kiều trên sân khấu rối, nghệ sĩ Nhà hát múa rối Việt Nam đem một tác phẩm hứa hẹn 'tạo sóng' đến Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ tư 2019 sắp diễn ra tại Hà Nội.

Kiều thuyết phục Từ Hải ra hàng.

Kiều thuyết phục Từ Hải ra hàng.

Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã quá nổi tiếng để người ta biết nội dung của nó, cùng các nhân vật đã ghim vào đời sống văn hóa, xã hội, trở thành những biểu tượng trong tâm thức người Việt. Vì thế, mỗi lần thưởng lãm một hoạt động tác phẩm nghệ thuật tái hiện, dựa theo hay lấy cảm hứng từ Truyện Kiều, là công chúng chú trọng xem cách thể hiện độc đáo thế nào, hấp dẫn đến đâu, làm sống lại hay gieo thêm cảm xúc, nhận thức gì mới mẻ, ấn tượng… Không đạt tới được khả năng lôi cuốn, sống tiếp cùng tác phẩm kinh điển, sự kiện đó sẽ chỉ bình bình, trôi qua, có khi bị chê cười…

Nhưng những gì “đi theo” Kiều, những tiếng nói đáp lời Nguyễn Du xưa - “Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” vẫn mọc lên, như một thí dụ kỳ diệu của sự truyền cảm hứng, kích thích sáng tạo. Bởi thế, có thể đã có áp lực đối với ê-kíp dàn dựng vở rối “Thân phận nàng Kiều” ngay từ khâu kịch bản cho đến những buổi tập cuối cùng, báo cáo và công diễn mấy ngày qua, tại Nhà hát múa rối Việt Nam. Nhưng đó là một áp lực hạnh phúc. Và dường như, áp lực đã phần nào được chuyển hóa trở thành cảm hứng thưởng thức của khán giả với sự ngạc nhiên, thích thú, hài lòng nhất định.

Tạo hình của họa sĩ Lê Đình Nguyên trở thành một dấu ấn của vở diễn với các chân dung nhân vật được lột tả sinh động. Trong vẻ thô tháp, mộc mạc, gần gũi với mỹ thuật truyền thống lại có nét tinh của ý tưởng để làm nên tính cách một số hạng, loại người trong cuộc thế trầm luân. Đó là vẻ phì nộn, thỗn thện đến trơ tráo của cái dáng vẻ “lờn lợt màu da” Tú Bà với khuôn mặt bạnh, bủng, biến dạng cùng đôi bầu rượu - mà không phải bầu rượu - lúc lỉu trước ngực. Đó là Sở Khanh - kẻ hai mặt, chỉ lật khuôn mặt thư sinh trắng trẻo là thấy ngay sự gian xảo qua một bộ mặt đê tiện khác chia đôi. Đó còn là Từ Hải khuôn mặt thô phác, dày dặn, nét to cương trực với đôi mắt phát sáng cùng bộ võ phục vuông vắn - biểu lộ thân hình, tính cách thẳng thắn, hay vãi Giác Duyên mang khuôn mặt cánh sen lành thiện. Và những nhân vật khác nữa…

Những hình thức ấy, được “sống” bằng nỗ lực điều khiển có thể nói là vất vả với nhiều chuyển động nhanh, mạnh, ăn khớp và giọng thoại rất “nhập” của các diễn viên, mà nhiều nhân vật phải do hai nghệ sĩ điều khiển. Ở đây, âm sắc lời thoại mang đầy chất cường điệu của nghệ thuật múa rối đã được phát huy hiệu quả.

Dĩ nhiên, nó phải truyền tải phần ngôn ngữ đã rất được hai tác giả, NSƯT Lê Chức và nhà văn Nguyễn Hiếu, dụng công trau chuốt trên cơ sở bám theo những câu thơ, ý thơ của kiệt tác. Có đoạn thoại thú vị, truyền tải màu sắc hiện đại như giữa Tú Bà - Sở Khanh. Hoặc khung cảnh ồn ào với lời lẽ đan xen lộn xộn nhưng vừa ghê vừa thích của bầy “chim lợn”. Có đoạn thoại đầy tình cảm, quyết liệt và xúc động giữa Từ Hải với tiếng đàn của Thúy Kiều…

Cũng ở đó, khớp với lời, còn thấy được cả sự tinh tế đầy chủ ý của đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng và các nghệ sĩ trong việc tổ chức hành động, điều phối các chuyển động, cử chỉ của nhân vật. Người lên xuống ngang dọc rõ ràng, thể hiện sự đường hoàng và bản lĩnh cứng cỏi. Kẻ ẩn nấp, thụt thò, thoắt ẩn thoắt hiện, bật ra thói gian manh. Đứa lại tung ta tung tẩy, nhảy nhót bỡn cợt, lèo lá. Ai đó lướt thướt tỏ thói phong tình nhưng khi bị lật tẩy lại dúm dó, bất động, khom lưng. Có kẻ khệnh khạng nhưng chừng mực đầy tính toán, ẩn giấu mưu đồ nham hiểm…

Tiết tấu của vở nhanh, linh hoạt, kết nối liên tiếp, từ những màn diễn đơn lẻ một nhân vật đến các đoạn thoại đôi, ba, nhiều hơn, cho đến tấp nập, tràn ngập sân khấu. Đạo diễn mang lại cho người xem cảm giác ai cũng có việc của mình, từ thằng bán tơ cho đến cả bọn… “chim lợn” chuyên “buôn dưa lê”, tính cuộc đời mình bằng việc dò la, bịa đặt hại người, mưu lợi bản thân.

Ngoài một vài điểm cần cân nhắc, bớt đi về lời thoại, lời bình, và việc sử dụng những tấm lụa trắng còn nhiều, có những lúc còn rườm rà, hoặc hình ảnh chiếc bút lông chưa được… đẹp. Vở “Thân phận nàng Kiều” chứng minh một hiệu quả không dễ làm được lâu nay là dựng rối cho người lớn xem sao cho thuyết phục, sao cho truyền tải được tinh thần, trải nghiệm sống trong “thế giới người lớn”.

Mong rằng, vở sẽ được diễn nhiều không chỉ tại nhà hát, mà có thể đi các nơi, cho công chúng và bạn nghề thưởng thức, tham khảo. Từ đây, kỳ vọng những dấu ấn mới ở góc độ nghề nghiệp của đạo diễn NSND Tiến Dũng và ê-kíp cho sự đổi khác của Nhà hát múa rối Việt Nam.

Bài và ảnh: NGUYỄN QUANG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/41333602-mot-net-kieu-moi-tren-san-khau-roi.html