Một ngân hàng tư nhân tăng vốn lớn bằng 9 nhà băng khác cộng lại
Đại gia ngân hàng tư nhân VPBank có quy mô vốn điều lệ lớn nhất hệ thống với hơn 67.000 tỷ đồng. Khi tăng vốn điều lệ lên mức mới hơn 79.000 tỷ đồng, VPBank vẫn lớn bằng 9 ngân hàng TMCP khác cộng lại.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vốn nhà nước cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước gồm BIDV, Vietcombank và VietinBank.
Đối với BIDV, nguồn vốn để tăng vốn điều lệ sẽ được lấy từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021. Trong khi Vietcombank và VietinBank sẽ hoàn thiện lại phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021.
Trước đó, NHNN đã trình và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV về một số nội dung tăng vốn điều lệ của Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước số tiền 17.100 tỷ đồng (trong đó năm 2023 là 6.753 tỷ đồng; năm 2024 là 10.347 tỷ đồng).
Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, NHNN cũng đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 ngân hàng, chủ yếu từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng gồm lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ.
Các ngân hàng được chấp thuận bao gồm: HDBank, MB, ACB, VIB, TPBank, LPBank, Bac A Bank, Viet A Bank, VietBank, Techcombank, Eximbank, OCB, ABBank, SHB, VietCapital Bank, MSB, KienLong Bank, Nam A Bank, NCB, và VPBank.
Đối với các công ty tài chính, NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 6 công ty. Các đơn vị được chấp thuận bao gồm Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF), Công ty Tài chính Lotte (Lotte Finance), Công ty Tài chính cổ phần Điện Lực (EVNFinance), Công ty Tài chính TNHH HD SAISON (HD Saison), Công ty Cho thuê tài chính TNHH MTV Quốc tế Chailease, và Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei.
Theo số liệu thống kê của NHNN tính đến tháng 7/2023, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 915.330 tỷ đồng, tăng 4,37% so với cuối năm 2022.
Vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (bao gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, CBBank, GPBank, và OceanBank) là 190.479 tỷ đồng (tăng 0,02%).
Tổng vốn điều lệ của các ngân hàng TMCP là 496.304 tỷ đồng (tăng 5,73%)
Tổng vốn điều lệ của các ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam là 154.508 tỷ đồng (tăng 5,53%).
Vốn điều lệ của Ngân hàng CSXH là 23.960 tỷ đồng (tăng 8%).
Tổng vốn điều lệ của các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính là 40.165 tỷ đồng (tăng 2,55%).
Vốn điều lệ của Ngân hàng Hợp tác xã là 3.030 tỷ đồng (không thay đổi so với cuối năm 2022).
Vốn điều lệ của các Quỹ tín dụng nhân dân là 6.884 tỷ đồng (tăng 8,28%).
Cũng theo số liệu của NHNN tính đến tháng 7/2023, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam là 18.442.412 tỷ đồng (tăng 0,91%). Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 26,14%, và tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 76,89%.
Báo cáo cập nhật tháng 7/2023, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, 25 ngân hàng thương mại có đủ điều kiện tăng vốn trong thời gian tới. Nếu kế hoạch tăng vốn thực hiện thành công, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Hiện, VPBank là ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn nhất hệ thống (hơn 67.000 tỷ đồng). Ngay cả khi các ngân hàng cùng tăng vốn điều lệ, VPBank cũng sẽ dẫn đầu với vốn điều lệ mới là hơn 79.000 tỷ đồng, bằng tổng vốn điều lệ của 9 ngân hàng cộng lại gồm Eximbank, NCB, NamA Bank, ABBank, BacA Bank, VietBank, VietA Bank, VietCapital Bank và KienLong Bank.
Tuy nhiên, tính đến 30/6, mới chỉ có một số ít ngân hàng hoàn tất việc tăng vốn điều lệ. MSB tăng từ 19.000 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng. TPBank tăng từ 15.800 tỷ đồng lên 22.016 tỷ đồng. SHB cũng hoàn tất việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 36.194 tỷ đồng.