Một ngày của những người 'chữa bệnh' cho hầm sông Sài Gòn

Dù lễ, tết hay thường nhật, các công nhân, kỹ sư của đường hầm sông Sài Gòn vẫn miệt mài làm việc.

“Đã đến giờ cấm xe máy lưu thông qua hầm vượt sông Sài Gòn…”, đó là tiếng loa phát thanh được điểm vào đúng 23 giờ mỗi tại ngày đường hầm sông Sài Gòn. Tiếng loa vừa kết thúc, ngay lập tức các kỹ sư, tổ vận hành, cứu hộ, bảo vệ, bảo trì… bắt đầu “xung trận”.

Video: Một ngày theo chân những công nhân trong hầm sông Sài Gòn

Đảm bảo an toàn cho người dân

Đó là khi những người thợ chuyên nghiệp bắt đầu công việc của mình. Ai vào việc nấy, người chuẩn bị trang thiết bị, người mang theo dụng cụ, lái xe rồi phi thẳng vào đường hầm. Phía hai đầu đường hầm, tổ bảo vệ đã túc trực sẵn, kéo barie cùng bảng thông báo cấm xe máy lưu thông từ 23 giờ. Khi thanh chắn vừa đóng xuống, không gian trong hầm chững lại, lúc này chỉ còn tiếng quạt gió vù vù, tiếng ô tô lao đi vun vút giữa đêm. Dưới ánh đèn vàng, từng tốp thợ chuyên nghiệp bắt tay vào việc kiểm tra, bảo trì đường hầm.

Anh Phạm Thành Nhân, Đội An toàn đường hầm, vừa làm vừa tâm sự: “Tôi làm việc ở đây cũng được chín năm rồi nhưng thấy nhiều người vẫn chưa biết 23 giờ bắt đầu cấm xe máy. Nhiều người đi tới mới biết bị cấm xe nhưng giờ này hầm phải bảo trì nên họ đành phải đi đường khác. Dù vậy cũng không ít người bất chấp nguy hiểm lao vun vút vào làn ô tô”.

Theo anh Nhân, vì nhiều người chưa biết hoặc cố tình đi vào làn ô tô nên các công nhân phải túc trực trước cửa hầm 100% để phân làn và hướng dẫn. Đặc biệt vào những ngày lễ, tết hay đêm giao thừa, người dân đổ về trung tâm TP xem bắn pháo hoa nên hai đầu hầm rất đông. Nếu không phân luồng thì cả khu vực sẽ bị kẹt xe nghiêm trọng.

Ngoài việc phân luồng giao thông, tổ công tác bảo dưỡng đường hầm cũng bắt đầu công việc bảo dưỡng từ 23 giờ mỗi ngày. Một tổ chừng 10 người thoăn thoắt làm việc, người quét rác, lau bụi, người tưới nước lau cọc tiêu, vách hầm. Tất cả đều tất bật với công việc bởi tất cả các công việc này đều phải hoàn tất trước 4 giờ để mở cửa hầm. “Mọi người đã quen với công việc nên khoảng 4 giờ sáng là hoàn tất. Chỉ ngày nào xảy ra rơi vãi hoặc có sự cố trong hầm thì ngày đó cực. Hoặc là vào dịp tết, người dân vứt rác trên đường, nóc hầm thì mọi người phải làm cật lực hơn” - anh Cù Tấn Lực, quản lý tổ công tác bảo dưỡng, cho biết.

Cùng với tổ bảo dưỡng, tổ bảo trì cũng bắt đầu vận hành, máy móc, trang thiết bị được chất lên xe và bắt đầu xuất phát. Các nhân viên bảo trì đứng sẵn trên buồng vệ sinh và thực hiện công tác lau bóng đèn trong đường hầm. Khi lau xong một bóng đèn sẽ gõ mạnh vào buồng lái để báo hiệu cho tài xế di chuyển tới vị trí tiếp theo. Anh Nguyễn Xuân Thành, tổ bảo trì, cho biết việc lau bóng đèn, thay vách hầm là công việc thường ngày bởi nơi đây có khói bụi nhiều, nếu không lau thì bóng sẽ bị mờ gây mất an toàn cho các xe lưu thông trong đường hầm.

Các kỹ sư, tổ vận hành, cứu hộ, bảo vệ, bảo trì… của đường hầm sông Sài Gòn bắt đầu “xung trận”. Ảnh: ĐÀO TRANG

Các kỹ sư, tổ vận hành, cứu hộ, bảo vệ, bảo trì… của đường hầm sông Sài Gòn bắt đầu “xung trận”. Ảnh: ĐÀO TRANG

Sẵn sàng trong mọi tình huống

Đưa PV đến từng công đoạn bảo dưỡng hầm, ông Nguyễn Văn Trung, Đội trưởng Đội vận hành đường hầm, điều khiển giao thông cho biết trong tất cả khâu bảo trì, bảo dưỡng, công tác kiểm tra thấm, nứt là quan trọng nhất.

Theo đó, công tác bảo dưỡng được kiểm tra định kỳ, còn hằng ngày sẽ kiểm tra bằng mắt thường, nếu có dấu hiệu khả nghi sẽ lập tức dùng máy móc để kiểm tra thấm, nứt. Chính vì vậy, dù là ngày lễ hay ngày thường việc kiểm tra luôn sẵn sàng trong mọi tình huống. “Việc kiểm tra độ thấm, nứt của hầm cần rất nhiều công đoạn và khá phức tạp. Chỉ riêng việc điều khiển máy quét laser vô cùng khó, các kỹ sư và công nhân phải điều chỉnh bánh xe chuyên dụng lăn đúng tốc độ thì mới kiểm tra được” - ông Trung chia sẻ.

Theo ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, trong các công đoạn bảo trì đường hầm sông Sài Gòn thì việc bảo dưỡng nóc hầm hết sức quan trọng bởi luồng nước chảy dưới lòng sông làm bên lở, bên bồi. Do đó, mỗi năm đều phải tổ chức quan trắc bằng máy siêu âm để biết và có biện pháp xử lý. Nếu bên nào bị lở thì phải đổ cát lên nóc hầm cho đúng với thiết kế xây dựng, ngược lại thì sử dụng thiết bị chuyên dụng hút bùn đất phía trên nóc. Từ đó sẽ đảm bảo cho tàu lưu thông, không để xảy ra va chạm các đốt hầm và bảo đảm hầm an toàn.

Ông Tấn cũng cho biết lưu lượng xe qua hầm sông Sài Gòn từ năm 2012 đến 2019 tăng chóng mặt. Năm 2012 có khoảng 5 triệu lượt xe lưu thông, đến năm 2019 lượng xe tăng vọt lên gần 19 triệu lượt. Trong đó, ô tô tăng từ hơn 14.000 lượt lên hơn 52.000 lượt/ngày; xe máy tăng từ 70.000 lượt/ngày lên 300.000 lượt/ngày.

“Năm 2018, đường hầm sông Sài Gòn đã rơi vào tình trạng quá tải, các phương tiện thường xuyên phải xếp hàng, mất nhiều thời gian để di chuyển qua hầm. Sau đó, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn đã tiến hành phân luồng giao thông, tổ chức lại làn xe máy lưu thông qua hầm nên đến nay tình trạng này đã ổn định hơn” - ông Tấn cho hay.

Hầm sông Sài Gòn là hầm chui vượt sông lớn nhất Đông Nam Á, có tổng chiều dài 1.490 m, bao gồm ba đoạn chính là hầm dẫn phía TP.HCM có tổng chiều dài 585 m; hầm dẫn phía Thủ Thiêm có tổng chiều dài 535 m; hầm dìm bao gồm bốn đốt hầm có tổng chiều dài 370 m.

Đây là hầm giao thông hộp đôi rộng 33,3 m; bao gồm hai hướng lưu thông với ba làn xe/hướng và bề rộng mỗi bên đường hầm là 11,5 m.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/mot-ngay-cua-nhung-nguoi-chua-benh-cho-ham-song-sai-gon-885892.html