Một ngày ở bản Rào Tre
Dưới chân núi Ka Đay, nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, sau 30 năm được Bộ đội Biên phòng phát hiện và được chính quyền vận động, giúp đỡ từ bỏ cuộc sống du canh du cư trong rừng sâu, hiện nay cuộc sống của bà con dân tộc Chứt ở bản Rào Tre đã khởi sắc đáng kể.
Những ngôi nhà ngói mới kiên cố giúp bà con người Chứt phần nào vượt qua khó khăn
Sau hàng giờ đồng hồ loanh quanh với bao dãy núi cao, suối sâu trong trùng điệp thâm u của đại ngàn, đoàn chúng tôi mới dừng chân. Bản Rào Tre nằm lặng lẽ ở góc rừng, dưới chân núi Ka Đay, nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, thuộc địa phận xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Giữa trưa, nắng ấm xiên qua đỉnh núi, chiếu xuống vùng đất này khiến cho cảnh vật trở nên thật tươi mới, đong đầy hy vọng của bà con nơi đây. Đón tiếp chúng tôi là chị Hồ Thị Kiên - Trưởng bản. Nụ cười đôn hậu, sự chờ đón ấm áp nghĩa tình của chị đã xua tan hết những mỏi mệt của anh em chúng tôi.
Chị vui vẻ đưa chúng tôi tới gặp Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ cắm bản Rào Tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng). Những ngày vật lộn với nắng gió đã khiến cho làn da của anh Tịnh trở nên sạm đen, vầng trán in hằn những vết nhăn mang dấu vết của thời gian. Sự chân chất, mộc mạc cùng với tình yêu ánh lên từ đáy mắt anh dành cho vùng đất thân thuộc, có lúc sẽ khiến người ta nhầm tưởng rằng Rào Tre mới chính là quê hương của người đàn ông đến từ thành phố hiện đại này. Qua lời kể của anh, chúng tôi phần nào hình dung được những khó khăn mà các anh đã trải qua để Rào Tre có được như ngày hôm nay.
Rào Tre ngày ấy
Một góc bản Rào Tre
Anh kể, năm 1991, trong khi đang tuần tra biên giới, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã phát hiện ra một nhóm chừng 20 người Chứt sống trong hang động trên dãy Trường Sơn ở biên giới Việt Nam - Lào. Rồi từng bước, nhóm dân tộc ít người này được bộ đội thuyết phục đưa về cư ngụ tại bản Rào Tre. Nhưng thói quen, tập tục sống “săn, bắt, hái lượm” đâu dễ thay đổi trong ngày một ngày hai. Nhóm người này cứ được bộ đội đưa về là lại trốn đi. Nhưng những anh lính biên phòng vẫn kiên trì, quyết không nản chí, dần dà đã thuyết phục họ thành công. Bộ đội phải trăn trở lên phương án để bà con dân tộc Chứt có thể gắn bó lâu dài với nơi ở mới.
Rào Tre thời điểm ấy như một vùng đất bị bỏ hoang, chưa ai biết đến “cái chữ”, thậm chí ngay cả việc canh tác trồng lúa, ngô, khoai…cũng vẫn còn xa lạ với dân bản. Đất đai trơ trọi, cằn cỗi vì bà con chẳng biết làm để mà ăn. Thiếu đói, bệnh tật đe dọa hàng ngày nhưng người dân vẫn dửng dưng. Họ sống phó mặc cho Giàng (ông trời), Giàng cho nhiều thì ăn nhiều, Giàng cho ít thì ăn ít. Trong những ngôi nhà ọp ẹp, chẳng có gì đáng giá ngoài con dao, cái gùi đi rẫy… Cuộc sống của dân bản trông chờ hoàn toàn vào sự trợ giúp của Nhà nước và bộ đội biên phòng. Bên cạnh đó, tình trạng hôn nhân cận huyết thống xảy ra khá phổ biến, khi sinh con phải vào trong rừng sâu, không được sinh trong nhà… Người Chứt bởi vì thế đứng trước nguy cơ diệt vong.
Rào Tre trong nắng mới
Đoàn tới thăm một hộ nghèo của bản
Trung tá Tịnh dẫn chúng tôi đi tham quan bản làng. Một người trong đoàn thốt lên rằng nơi đây chẳng khác gì thôn xóm mình. Thật vậy, bản Rào Tre của năm 2021 trông xinh xắn như một làng quê miền xuôi. Đó là công sức của Đảng, Nhà nước và bộ đội. Bộ đội biên phòng đã thực hiện ba cùng “Cùng ăn, cùng ở, cùng lao động” với dân bản. Ban ngày, bộ đội hướng dẫn rành rẽ từ cách đào mương, rào ruộng, cầm cày, cấy lúa nước, gieo trỉa ngô, lạc cho bà con. Đêm đến, các anh lại dạy chữ, dạy hát, dạy cho dân bản cách giữ gìn vệ sinh để thân thể luôn khỏe mạnh, tránh được ốm đau, bệnh tật.
Vườn hoang ngập cỏ dại đã được thay thế bằng những nương ngô xanh mượt, những cây chuối mập ú, những giống cây ăn quả như cam, bưởi đã bén rễ. Chúng tôi theo bước chân Trung tá Tịnh tới được 18 ngôi nhà 2 tầng khang trang, sạch sẽ, xếp 2 dãy thẳng hàng. Trung Tá Dương Thanh Tịnh cho biết: Những ngôi nhà này được xây dựng nhờ nguồn vốn từ Đề án 2571 về bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt đến năm 2020 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Chúng được thiết kế vừa vững chắc vừa phù hợp lối sống, phong tục của địa phương. Mỗi ngôi nhà có tổng trị giá hơn 100 triệu đồng. Các quá trình từ thiết kế đến thi công, đều được bộ đội biên phòng cùng tham gia. Không chỉ có những căn nhà mới, khu tái định cư sẽ bao gồm cả trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng và nhiều điều kiện thiết yếu khác... Nước sạch, điện sáng cũng được đưa vào tận bản, giúp bà con dân bản yên tâm tạo lập cuộc sống. Từ đây, người dân đã tự bắt nhịp được với nếp sống văn minh, hòa nhập với xã hội. Cả bản có hơn 90% số hộ có ti vi, nhiều hộ có mô hình chăn nuôi bò, lợn, thậm chí đã có hộ được công nhận thoát nghèo. Số người dân biết chữ trong bản ngày càng tăng, nhiều con em thôn bản được đi học “cái chữ của Cụ Hồ”, nhiều em nhỏ đã được tốt nghiệp trung học phổ thông.
Chúng tôi đến thăm nhà của vợ chồng Hồ Sĩ và Nguyễn Thị Vinh, vợ là người Kinh còn chồng là người Chứt. Hành động góp phần giảm tình trạng hôn nhân cận huyết này đã được nhà nước hỗ trợ vợ chồng anh chị 30 triệu đồng vào ngày cưới. Anh Sĩ vui vẻ khoe chiếc ti vi và xe máy có được trong nhà nhờ số tiền hỗ trợ. Thỉnh thoảng, anh chị cũng sẽ được nhiều tổ chức xã hội đến động viên, thăm hỏi và trao quà khuyến khích cho việc làm này. Không chỉ có anh Sĩ chị Vinh mà nhiều cặp trai gái ở bản Rào Tre, qua mai mối của bộ đội biên phòng đã kết duyên trai gái với người Chứt ở Quảng Bình như vợ chồng Hồ Khăm, Hồ Nít, vợ chồng Hồ Thị Nhỏ, giảm bớt tình trạng hôn nhân cận huyết.
Lớp TCCT-HC K165B trao quà cho các hộ khó khăn của bản Rào Tre
Đặc biệt, tháng 8/2017, Đảng ủy xã Hương Liên đã quyết định thành lập Chi bộ Rào Tre nhằm ươm mầm “hạt giống đỏ”. Tính đến năm 2021, toàn chi bộ có 6 đảng viên là người dân tộc chứt gồm: Hồ Văn Tình, Hồ Thị Kiên, Hồ Thị Duyên, Hồ Thị Đình Xuân, Hồ Văn Hải, Hồ Thị Nam. Trò chuyện với chúng tôi, bà Hồ Thị Nam, đảng viên đầu tiên của bản Rào Tre vẫn còn rưng rưng cảm xúc như ngày đầu: “Tôi vui lắm, vì được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nhưng trách nhiệm của tôi cũng cao hơn, tôi biết mình phải làm thế nào để xứng đáng là đảng viên gương mẫu, là con cháu Cụ Hồ”. Hai đảng viên trẻ nhất bản là Hồ Thị Duyên và Hồ Thị Đình Xuân đều sinh năm 1995. Duyên là một trong những tấm gương sáng về làm vườn đẹp, chăn nuôi giỏi được bà con trong bản nể phục. Một đảng viên trẻ khác - chính là Trưởng bản Hồ Thị Kiên (1988) cũng đi tiên phong trong việc nhân thêm rừng để nâng cao thu nhập. Bà Hồ Lĩnh, một người dân bản phấn khởi: Đảng viên toàn người giỏi, biết chăn nuôi, làm kinh tế giỏi rồi còn bày cho bà con bản làng. Tôi cũng dặn các con phải phấn đấu chăm chỉ để được vào đảng”.
Tạm biệt bản Rào Tre, chúng tôi trở về miền xuôi, mang theo hình ảnh đẹp về sự đổi thay của vùng đất này. Trên hành trình trở về, thỉnh thoảng lại thấy vài cô, cậu bé đen nhẻm đang xách cặp trở về bản, hay những chiếc xe máy hiện đại dựng bên đường như minh chứng cho đời sống ngày càng được nâng lên của đồng bào dân tộc Chứt.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mot-ngay-o-ban-rao-tre-post124781.html