9h sáng 7/4, tuyển đấu kiếm Việt Nam bước vào buổi tập như thường lệ tại Trung tâm Huấn luyện TDTT Hà Nội. Trong giai đoạn cuối của quá trình chuẩn bị trước SEA Games 32, các VĐV của đội "cấm trại", tức sinh hoạt khép kín tại đây để tập trung hoàn toàn cho việc tập luyện.
Sáng nay, Vũ Thành An vắng mặt vì chấn thương lật cổ chân. Kiếm thủ đáng chú ý khác nội dung kiếm chém của đội tuyển là Nguyễn Văn Quyết.
Khi được hỏi về đàn anh Thành An, Văn Quyết khá kiệm lời. Cuối năm ngoái, 2 kiếm thủ hàng đầu của đội tuyển đấu kiếm có xảy ra mâu thuẫn và xô xát với nhau.
Tuy nhiên Thành An và Văn Quyết đã hòa giải công khai. Mối quan hệ giữa hai kiếm thủ giờ đã trở lại bình thường. BHL cho biết toàn đội phải đoàn kết để hướng đến mục tiêu chung.
Sau phần khởi động, các thành viên tuyển đấu kiếm Việt Nam chia cặp để thi đấu tập.
Văn Quyết luôn chiếm ưu thế so với các đồng đội. Nếu như Thành An là kiếm thủ số một ở nội dung kiếm chém thì Văn Quyết được coi là số hai khi cũng đã giành nhiều huy chương cho đoàn TTVN tại các kỳ SEA Games gần đây.
Văn Quyết nằm xuống giải lao sau một hiệp đấu cam go.
Quá trình thi đấu tập của đội tuyển diễn ra từng ngày để các VĐV có điểm rơi phong độ chính xác cho SEA Games 32.
Giám sát buổi thi đấu tập của các VĐV nam là chuyên gia Ayrst Abdulmanov (áo sẫm ngồi giữa).
Ở nội dung kiếm chém nữ, Phùng Khánh Linh (áo đỏ) gây chú ý nhờ tài năng và ngoại hình.
Khánh Linh sinh năm 2001, là nữ kiếm thủ triển vọng, từng dự 2 kỳ SEA Games. Cô từng giành HCV đồng đội nữ tại SEA Games 31 trên sân nhà năm ngoái.
Quá trình mặc đồ bảo hộ cho các VĐV diễn ra khá lâu và khó khăn, thường cần đến sự hỗ trợ của đồng đội.
Khánh Linh thi đấu quyết liệt với các đồng đội. Cô thường chém nhầm vào tay đồng đội và bị nhắc nhở.
Một VĐV nữ bị trượt chân trong lúc thi đấu. Không ai muốn chấn thương trong thời điểm nhạy cảm.
Khánh Linh ăn mừng khi giành điểm trước đồng đội.
HLV Nguyễn Lê Bá Quang (giữa), trưởng nội dung kiếm chém, đang hỗ trợ kỹ thuật cho học trò.
Sau buổi tập, ông Quang dành hẳn 30 phút để họp đội, rút kinh nghiệm cho các VĐV. Mục tiêu của tuyển đấu kiếm Việt Nam tại SEA Games năm nay là giành ít nhất 3 HCV. Ở Đông Nam Á, đấu kiếm Việt Nam đang là số một. Đội vừa giành 8 HCV trong 12 nội dung ở giải vô địch Đông Nam Á đầu năm nay.
Trước SEA Games 32, tuyển đấu kiếm Việt Nam sẽ sang Hàn Quốc dự giải quốc tế.
Dụng cụ tập luyện được các VĐV xếp ngay ngắn sau buổi tập. Chi phí đầu tư thiết bị cho môn đấu kiếm tương đối đắt. Một cây kiếm liễu để tập luyện có giá rẻ nhất từ 3,5 triệu đồng. Nếu hỏng cảm biến, đội tuyển gần như phải mua mới vì rất khó sửa chữa.
Bảo Ngọc