Một ngày theo chân Thầy thuốc ở vùng cao

Đối với những ai đã chọn nghề thầy thuốc để theo đuổi giấc mơ được chữa bệnh cứu người ở địa bàn vùng cao tức là phải chấp nhận nhiều khó khăn, thử thách. Con đường đến với những bệnh nhân vùng biên giới luôn 'gập gềnh' theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Ghi nhận của phóng viên tại xã biên giới Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Con đường vào bản Đen, cách trung tâm xã biên giới Chiềng Khương khoảng 10 km, phải vượt đèo dốc và qua con suối Lẹ. Năm nào người dân cũng tự đóng góp để làm cây cầu tre, nhưng cứ sau 1 trận lũ cầu lại bị trôi mất, bản Đen gần như bị cô lập. Hôm nay, đến lịch tiêm chủng cho trẻ nhỏ trong bản Đen. Cũng may, mực nước suối Lẹ xuống thấp nên thầy thuốc Lường Trung Thu vẫn có thể lội bộ qua được suối.

Đối với cán bộ y tế cơ sở xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La thì đã rất nhiều năm và rất nhiều lần rồi họ phải vượt qua con suối Lẹ này để đến được với các đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao”

Bản Đen là bản biên giới khó khăn nhất của xã Chiềng Khương. Bản có 81 hộ dân với gần 500 nhân khẩu hoàn toàn là dân tộc Xinh Mun. Đời sống khó khăn, giao thông cách trở nên người dân rất ít khi đến trạm y tế xã để thăm khám, chữa bệnh. Khi xảy ra ốm đau, người dân nhờ đến cán bộ y tế thôn bản, nếu nặng hơn thì gọi điện cho cán bộ y tế xã. Vì vậy, vệc tiêm chủng được bố trí ngay tại nhà văn hóa của bản để cán bộ y tế xã sẽ trực tiếp xuống tận nơi thực hiện.

Anh LƯỜNG TRUNG THU, Trạm y tế xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La: “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về ngôn ngữ tiếp xúc. Chúng tôi cũng thường xuyên trau rồi kiến thức dân tộc như tiếng Mông, tiếng Thái để làm sao xuống cơ sở, tiếp xúc với dân cho dễ hiểu và thực hiện công việc tốt hơn”.

Chị LÒ THỊ MAI - Bản Đen, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La: “Bà con muốn qua suối nhưng rất là sợ. Chúng tôi rất vui khi được trạm y tế xã đã quan tâm để sang bên bản tiêm chủng”.

Tiêm chủng xong y sĩ Thu cùng đồng nghiệp lại tiếp tục đến tiêm vắc-xin phòng ngừa viêm gan B cho một hộ dân khác trong bản. Hơn 10 năm công tác và thường xuyên nắm bắt địa bàn nên y sĩ Thu tường tận từng con đường, ngõ xóm, từng vị trí của các hộ dân ở bản Đen.

Y sĩ LƯỜNG TRUNG THU: Trạm y tế xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La: “Chúng tôi nhận thấy bà con vùng cao gặp rất nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, đường xá xa xôi. Bà con cũng không đủ điều kiện để trực tiếp đến trạm thăm khám. Phần vì họ ngại nên chúng tôi xuống trực tiếp để thăm khám, phát thuốc miễn phí cho bà con”.

Hàng chục năm công tác, những thầy thuốc vùng cao này chưa từng nhận được một bó hoa tôn vinh nhân ngày 27/2. Cũng khó có thể đóng đếm nổi những khó khăn, thiệt thòi của họ. Sau những chuyến xuống cơ sở, công cán nhận được là lời cảm ơn. Song nhận thức về phòng chống bệnh tật thay thế cho những hủ tục cúng bái - Điều đó đủ làm thầy thuốc vùng cao ấm lòng.

Thực hiện : Hoàng Hà Sơn Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/mot-ngay-theo-chan-thay-thuoc-vung-cao