Một nghề cao quý trong các nghề cao quý

'Thời gian và nhân chứng - Hồi ký của các nhà báo' là bộ sách do GS.NGND Hà Minh Đức (chủ biên) cùng các cộng sự thực hiện trong hơn 10 năm. Tập sách không chỉ cung cấp cho độc giả những tư liệu quan trọng, đầy sinh động, hấp dẫn về lịch sử báo chí Việt Nam, là di sản báo chí quý giá, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Hơn hết, tập sách kết tinh trí lực, tâm huyết, sự tôn vinh cùng tấm lòng tri ân trước những cống hiến của các nhà báo lão thành, có nhiều đóng góp quan trọng với nền báo chí cách mạng Việt Nam, quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bộ 3 cuốn sách “Thời gian và nhân chứng - Hồi ký của các nhà báo” (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội và NXB Chính trị Quốc gia Sự thật đã biên tập và tái bản) lôi cuốn, hấp dẫn bạn đọc ngay từ những chi tiết, câu chuyện kể chân thực, giản dị nhất xoay quanh cuộc sống đời thường và hoạt động báo chí của 43 gương mặt nhà báo lão thành - những người mà với thế hệ “hậu bối” như chúng tôi đã là “tượng đài”.

Lật dở từng trang sách với tất cả sự hào hứng, trân trọng, ngưỡng mộ, tôi bùi ngùi thương nhớ, tâm trí nảy lên suy nghĩ: gần nửa số nhà báo tài danh trong 43 gương mặt ấy đã về cõi vĩnh hằng, nhưng có lẽ, “ở nơi ấy”, các anh, các chị sẽ rất vui khi biết hôm nay, các thế hệ độc giả nói chung, thế hệ người làm báo nói riêng vẫn luôn dành sự yêu mến, trân trọng trước những cống hiến to lớn của họ trong hành trình xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cũng trong dòng cảm xúc miên man ấy, tôi thấy trân trọng việc làm thiết thực, ý nghĩa của Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội và NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, đặc biệt kính trọng tâm huyết, sức lao động sáng tạo bền bỉ của GS.NGND Hà Minh Đức. Được biết, ngay từ những năm trong thập niên 90 của thế kỷ XX, ông đã cùng với nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên năm cuối của Khoa Báo chí, Trường Đại học KHXH&NV bền bỉ thu thập tư liệu, gặp gỡ từng nhà báo để ghi lại câu chuyện nghề đầy sôi động và thú vị của 43 nhà báo lão thành ấy. Bộ sách là “quả ngọt” sau quá trình 10 năm làm việc, là kết tinh trí lực, tâm huyết, tấm lòng của GS.NGND Hà Minh Đức và các cộng sự.

“Tập sách như tên gọi của nó đã có được một phần thời gian và nhân chứng. Thời gian là nửa thế kỷ qua với biết bao sự kiện lớn trong đời sống dân tộc và nhân chứng là những nhà báo, những nhà hoạt động chính trị, xã hội luôn có mặt trong dòng thời cuộc. Với nhiệm vụ và chức năng của nhà báo, các anh chị đã có mặt trên tất cả các trận tuyến cách mạng của cuộc sống và đã hoàn thành trách nhiệm của mình... Bằng ngòi bút sắc sảo, các anh chị đã tham gia cuộc chiến đấu của dân tộc trong những năm kháng chiến oanh liệt và trong công cuộc xây dựng xã hội mới dân chủ, giàu mạnh, công bằng và văn minh” - GS.NGND Hà Minh Đức tâm sự cùng bạn đọc trong “Lời nói đầu” của tập sách.

3 tập sách với những câu chuyện đời, chuyện nghề nhưng mạch nguồn xuyên suốt, chảy mãi là lòng tự hào về nghề báo- một nghề đáng quý. Con đường đến với nghề báo của 43 nhà báo trong 3 tập sách này hoàn toàn không giống nhau, có người khi làm cách mạng được tổ chức phân công làm báo; có người đến với báo một cách ngẫu nhiên vì một vài bài viết ngẫu hứng được một tờ báo đăng, rồi từ đó say mê viết báo cả đời; có người do ý thức được nuôi dưỡng ngay từ khi vào học đại học đã ấp ủ ước muốn sau khi ra trường được làm báo, viết văn... Nhưng khi đã là nhà báo thực thụ, thì việc viết báo đã trở thành đòi hỏi tự thân giống như cơm ăn, nước uống và khí trời để thở hằng ngày. Tình yêu nghề báo, yêu từng con chữ, từng tít bài, từng sản phẩm báo chí đã trở thành máu thịt đời mình.

Đọc tập sách để hiểu vì sao trước khi về với “thế giới người hiền”, các nhà báo Hoàng Tùng, Quang Đạm đều có chung lời dặn dò con cháu và gia đình rằng, khi viết tin buồn thì đừng kể lể những chức vụ dài dòng, mà chỉ nên nói hai chữ ngắn gọn là NHÀ BÁO. Đọc để đồng cảm với những chia sẻ của nhà báo tài danh Trần Bạch Đằng về tình yêu với nghề: “Tôi chưa bao giờ tự cho mình là nhà báo chuyên nghiệp, tôi vẫn xem báo chí là trận địa mà tôi yêu thích, viết báo với tất cả hứng thú, sẽ cùng đi với tôi đến khi không còn viết được nữa”. Hay như tâm sự của nhà báo Xích Điểu, cây đại thụ của thể loại châm biếm, đã viết lời kết thúc hồi ký của mình: “Điều lớn lao hết thảy là hơn 60 năm làm báo, đã đem lại cho tôi cuộc sống, những định hướng cuộc đời, những buồn vui, những vất vả cực nhọc của đời làm báo, những hạnh phúc, tình yêu...”.

Những trang hồi ký đã cho thấy một điều rằng: Thực tiễn hào hùng của 4 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta cũng như thực tiễn đổi mới toàn diện đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã là trường học lớn, rèn luyện và nuôi dưỡng tài năng, tạo điều kiện giúp các nhà báo sáng tạo những tác phẩm báo chí chạm trái tim người đọc, mà có bài sẽ sống mãi với thời gian, như các bài xã luận: “Thắng lợi của xu thế cách mạng”; “Cả nước ra trận, toàn dân là lính”... của cây chính luận xuất sắc Hoàng Tùng; “Cây tre Việt Nam”; “Hà Nội thủ đô của phẩm giá con người”; “Đường Hồ Chí Minh sáng đỉnh Trường Sơn”... của nhà báo, nhà văn Thép Mới; tác phẩm “Sống như anh” của nhà báo Thái Duy...

Những gương mặt ấy thật sự là những chiến sĩ xung kích, tận tâm tận lực với nhiều sáng tạo trong phát hiện những nhân tố mới của cuộc sống, kịp thời cổ vũ, biểu dương những tấm gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến, nhân rộng ra toàn xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực về nhiều mặt, được xã hội ghi nhận và tôn vinh.

Và trên hành trình sống, cống hiến với nghề, nhiều nhà báo trong các tập sách này cũng đồng thời là những chiến sĩ tiên phong, dũng cảm trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội khác, như các nhà báo Trần Đức Chính, Dương Kỳ Anh, Trường Phước, Đinh Phong... Với bản lĩnh không sợ khó, sợ khổ, kể cả sự đe dọa tính mạng, đã kiên nhẫn bám đến cùng sự việc, phản ánh trung thực, khách quan, làm cơ sở tin cậy giúp các cơ quan chức năng xử lý. Thông qua các trang viết sắc sảo, lập luận chặt chẽ, minh chứng thuyết phục ấy giúp các ban, bộ, ngành và Nhà nước kịp thời bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu tối đa những kẽ hở của một số chủ trương, văn bản mang tính pháp lý. Chính từ đó, nhiều người đọc thừa nhận rằng, nếu không có sự vào cuộc của báo chí để phanh phui các vụ tham nhũng, tiêu cực, các tệ nạn xã hội, thì chế độ của chúng ta sẽ đi tới đâu?

Qua lời kể của các nhà báo, bạn đọc, đặc biệt là các thế hệ người làm báo sẽ thu nhận được nhiều bài học quý báu về sự cần thiết phải rèn luyện phẩm chất chính trị, về kinh nghiệm nghiệp vụ viết báo. Nhà báo Hoàng Tùng nhấn mạnh rằng, tư tưởng chính trị là nền tảng của tư tưởng báo chí. Nhà báo Trần Công Mân coi thực tiễn cuộc sống là trường học lớn của cuộc đời người viết báo, nếu một bài báo thiếu hơi thở cuộc sống là bài báo không hồn. Nhà báo Đỗ Phượng cho rằng: Sự cẩn trọng và độ nhạy bén nghề nghiệp cùng với tính trung thực trong thông tin và trách nhiệm công dân là một trong những phẩm chất quý không thể thiếu. Các nhà báo Phan Quang, Thanh Hương đúc kết rằng, muốn có một tác phẩm báo chí hay, mỗi người làm báo nên thực hiện công thức: đọc, đi, nghĩ, viết...

“Đừng bao giờ bỏ cái nghề đáng yêu, đáng quý này nhé” - đó là lời khuyên chân thành mà nhà báo người Pháp Gát-tông Mông-mút-xô khuyên nhà báo Quang Đạm khi ông đi dự một hội nghị quốc tế. Còn với riêng tôi, khép lại những cảm xúc, suy tư bên bộ 3 tập sách “Thời gian và nhân chứng - Hồi ký của các nhà báo”, tôi chỉ muốn nhắn gửi đôi điều: Hãy đọc và cảm nhận bằng tất cả tấm lòng, trí tuệ. Để “dòng kiến thức và kinh nghiệm phong phú của các anh, các chị sẽ từ quá khứ xuôi chảy về tương lai và chắc chắn sẽ tiếp thêm sinh lực mới cho thế hệ trẻ hôm nay”. Bộ sách “không chỉ đáp ứng nhu cầu tham cứu, học tập của các bạn sinh viên, những người nghiên cứu chuyên ngành báo chí, các nhà báo trẻ...”, mà còn giúp công chúng hiểu về “nghề báo, nghề làm việc với con chữ; nghề tất bật vất vả ngày đêm, cũng là nghề phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, đôi khi cả máu để đánh đổi sự thật”.

Nhà báo Hồng Vinh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/mot-nghe-cao-quy-trong-cac-nghe-cao-quy/28852.htm