Một ngôi làng tại Afghanistan trong trận hạn hán tồi tệ nhất nhiều thập kỷ
Cùng với giao tranh, hạn hán đã góp phần khiến hơn 700.000 người phải rời bỏ nhà cửa trong năm 2021 tại Afghanistan.
Những đợt hạn hán vô tận
Hạn hán ở Afghanistan đã diễn ra với mức độ tồi tệ nhất trong vòng nhiều thập kỷ và hiện đang bước sang năm thứ hai với mức độ còn trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng từ biến đổi khí hậu. Đợt khô hạn đã ảnh hưởng đến 25 trong số 34 tỉnh thành của quốc gia này.
Thu hoạch lúa mì năm nay tại Afghanistan ước tính giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với giao tranh, hạn hán đã góp phần khiến hơn 700.000 người dân phải rời bỏ nhà cửa trong năm nay và mùa đông bắt đầu sẽ chỉ làm gia tăng khả năng xảy ra thảm họa nhân đạo.
Văn phòng của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tại Afghanistan cho biết hôm 7/12: “Tác động tích lũy của hạn hán đối với các cộng đồng vốn đã suy yếu có thể một lần nữa dẫn đến thảm họa. Nếu không được giám sát cẩn thận, nền nông nghiệp tại quốc gia này có thể sụp đổ”.
Các chuyên gia của Liên hợp quốc đã đổ lỗi cho sự kiện La Nina vào cuối năm 2020 có thể đã làm thay đổi mô hình thời tiết trên toàn cầu, gây ra lượng mưa và tuyết rơi ít hơn vào đầu năm 2021 ở Afghanistan, đồng thời dự đoán rằng tình trạng này sẽ tiếp tục vào năm 2022.
Afghanistan từ lâu đã chứng kiến những đợt hạn hán thường xuyên. Nhưng trong một báo cáo năm 2019, FAO cảnh báo rằng biến đổi khí hậu có thể khiến chúng diễn ra thường xuyên hơn và khốc liệt hơn.
Khủng hoảng khí hậu sẽ kéo theo khủng hoảng nhân đạo
Trong bối cảnh hạn hán tiếp tục kéo dài, nền kinh tế Afghanistan sụp đổ sau cuộc tiếp quản hồi tháng 8 của lực lượng Taliban, đồng thời dẫn đến việc đóng cửa các quỹ quốc tế cho chính phủ và đóng băng hàng tỷ tài sản của quốc gia này ở nước ngoài.
Việc làm và kế sinh nhai của người dân đã biến mất, điều này khiến các gia đình phải tuyệt vọng tìm cách kiếm ăn. Theo báo cáo của FAO tháng trước, có tới 18,8 triệu người Afghanistan không thể tự kiếm ăn hàng ngày và đến cuối năm con số này sẽ là 23 triệu người, tương đương gần 60% dân số.
Bị ảnh hưởng nặng nề kể từ đợt hạn hán năm 2018, những ngôi làng nhỏ như Kamar Kalagh đang khô héo dần, không thể vắt đủ nước để tồn tại. Nằm trong một tổ hợp những ngôi nhà bằng gạch bùn ở vùng núi phía tây thành phố Herat, ngôi làng Kamar Kalagh là nơi sinh sống của khoảng 150 gia đình.
Họ chủ yếu sống nhờ chăn nuôi gia súc, đặc biệt là lạc đà và dê. Công việc đó giờ đây cũng không thể duy trì do thiếu nguồn nước. Hiện tại, thu nhập chính của người dân trong làng là từ bán cát.
Ajab Gul và hai cậu con trai nhỏ của mình đã đào cát từ lòng sông và chất đầy vào các bao. Nếu làm việc chăm chỉ cả ngày, họ sẽ kiếm được số tiền tương đương khoảng 2 đô. “Cỏ từng mọc rất nhiều ở đây”, Gul thất vọng đưa tay lên mũi.
“Khi một con lạc đà đi khu vực này, bạn sẽ chỉ nhìn thấy đầu của nó. Đó chỉ còn là viễn cảnh tươi đẹp của 20 năm trước”. Giờ đây, các vùng đất rộng lớn đều không có cỏ và hầu như không còn có gia súc.
Hai năm trước, giếng chính của ngôi làng cạn kiệt nên người dân đã cùng gom góp tiền để đào xuống sâu hơn tìm nguồn nước. Trong một thời gian, nó đã hoạt động rất tốt, nhưng ngay sau đó nó lại trở nên yếu ớt.
Những người dân trong làng bắt đầu một hệ thống phân chia khẩu phần nước cho nhau. Tuy nhiên, ngay cả khẩu phần cũng không còn đủ. Dân làng cho biết nước từ giếng chỉ đủ cho khoảng 10 gia đình sử dụng mỗi ngày.
Người dân cũng còn một nguồn nước thay thế. Họ sẽ phải đi lên đồi, sau đó xuống phía bên kia đồi để tới một lòng sông khô cạn khác - tổng cộng khoảng 3 km. Con sông này giờ chỉ còn là một vũng nước đọng dưới đáy sông, bề mặt phủ đầy tảo xanh.
Người già và trẻ em gần như là nam giới duy nhất còn lại trong làng. Hầu hết những người đàn ông trong độ tuổi lao động đã rời đi để tìm việc làm tại những nơi khác ở Afghanistan, Iran, Pakistan hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Samar Gul, một người đàn ông 60 tuổi sống tại ngôi làng cho biết: “Bạn sẽ không thể tìm thấy bất cứ ai bên ngoài vào ban ngày nữa. Sẽ chỉ có phụ nữ và trẻ em ở trong nhà”.