Một người bị điện giật nghiêm trọng, cách nào để cứu người mà không hại mình?

Nam bệnh nhân bị điện giật, bỏng toàn bộ chân phải, chân trái, vùng ngực và hai bàn tay, cánh tay rất nghiêm trọng. Bệnh nhân được cấp cứu chống sốc, giảm đau, sơ cứu bỏng...

Lúc 17h ngày 10/4, Phòng cấp cứu của bệnh viện ở Phú Thọ nhận được điện thoại từ người dân cần cấp cứu nạn nhân bị điện giật tại xã Hùng Long, Đoan Hùng, Phú Thọ. Ngay lập tức, Trung tâm cấp cứu 115 Hùng Vương lên đường đến hiện trường cùng vật tư y tế cần thiết.

Hiện trường nơi nạn nhân bị điện giật gần ngay một đường điện cao thế. Bệnh nhân được đưa về bệnh viện trong tình trạng sốc, lơ mơ, kích thích, đau đớn, vật vã, mạch 112 lần/phút.

Các bác sĩ xác định: Bệnh nhân bị bỏng toàn bộ chân phải, chân trái, vùng ngực và hai bàn tay, cánh tay. Bệnh nhân được cấp cứu chống sốc, giảm đau, sơ cứu bỏng.

Các bác sĩ hiện đang nỗ lực cấp cứu cho bệnh nhân.

Các bác sĩ tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân.

Các bác sĩ tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân.

Những việc cần làm khi gặp người bị điện giật

Các bác sĩ cảnh báo đến người dân cần hết sức lưu ý khi làm việc, di chuyển tại các khu vực có điện lưới trong mùa mưa bão, đặc biệt những nơi có trạm điện, đường điện cao thế. Những việc cần làm khi gặp người bị điện giật:

- Nạn nhân bị điện giật sẽ mang dòng điện trong người, nên chúng ta không nên chạm trực tiếp vào người nạn nhân, tìm cách ngắt kết nối nguồn điện càng sớm càng tốt. Nếu đường dây điện có thể là điện áp cao, không cố giải phóng bệnh nhân ra khỏi đường dây điện mà chờ cho đến khi điện được tắt.

- Ngoài ra, sử dụng vật dụng bằng gỗ như gậy hay cành cây bằng gỗ để đẩy hay gỡ nạn nhân ra xa khỏi vật dụng mang điện, nếu bạn chắc chắn là dòng điện nạn nhân tiếp xúc là điện hạ thế, còn nếu không chắc chắn về dòng điện hạ thế hay trung thế, cao thế, thì ngay lập tức hãy gọi cấp cứu 115 và chờ để được giúp đỡ.

- Có một tình huống khá nguy hiểm là trong bán kính dẫn điện từ nơi đang có điện trung thế chạm mặt đất cỡ 8m, và nếu trong điều kiện ẩm ướt như trời mưa hoặc cỏ bị ướt, thì khu vực mang điện này sẽ lớn và nguy hiểm hơn vì mức độ dẫn điện sẽ lan tỏa ra rộng đến tầm 20 m

- Nếu xảy ra tai nạn bị điện giật ở nhà, thì bạn có thể sử dụng gậy bằng gỗ thật khô, ví dụ như cán chổi, (tuyệt đối không sử dụng gỗ đang ẩm ướt vì tính dẫn điện của nó cao hơn dẫn đến nguy hiểm tính mạng người ứng cứu), hoặc là một chân ghế có bọc nhựa cách điện.

- Gọi ngay cấp cứu và gọi người hỗ trợ gần nhất.

Bác sĩ Ân Hoàng Yến - Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh tư vấn thêm cách sơ cứu khi có người bị điện giật như sau:
- Cắt nguồn điện ngay lập tức bằng cách tắc công tắc, ngắt cầu dao điện hoặc rút phích cắm điện.
- Nếu không với tới được dây điện, công tắc thì đứng trên vật khô cách điện như hộp gỗ, tấm cao su hay nhựa, dùng cây cán chổi hay chiếc ghế đẩu đẩy mạnh tay chân người bị nạn ra khỏi nguồn điện.
- Tuyệt đối không được sờ vào người bị nạn nếu người đó chưa được tách ra khỏi nguồn điện.
Sau khi đã ngắt điện, nếu người bị nạn bất tỉnh thì kiểm tra nhịp thở, mạch đập và cấp cứu hà hơi thổi ngạt, ấn tim khi cần thiết.
Nếu người bị nạn gần như bình thường, không bị thương tích thì khuyên người bị nạn nghỉ ngơi và theo dõi, nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ bệnh trở nặng thì đưa ngay người bị nạn tới cơ sở y tế gần nhất

D.Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mot-nguoi-bi-dien-giat-nghiem-trong-cach-nao-de-cuu-nguoi-ma-khong-hai-minh-n189759.html