'Một người lo bằng một kho người làm'

Ngày 6-10, tại TP. Hồ Chí Minh, hơn 1.200 sinh viên, doanh nhân tham dự talkshow cùng Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) với chủ đề 'Kinh tế tri thức - Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ'.

Tại buổi talkshow, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ: Việc xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức không chỉ là xu thế mà còn là yêu cầu cấp bách, gắn liền với quá trình trang bị cho người lao động kiến thức, kỹ năng cần thiết để nắm bắt cơ hội và đối mặt với thách thức của thời đại. Việc dịch chuyển từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tri thức đòi hỏi thực hiện đột phá 3 trụ cột chiến lược về kết cấu hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực.

Có thể thấy, trong mọi giai đoạn lịch sử và với mọi quốc gia, dân tộc, nguồn nhân lực, nói cách khác, con người luôn là trụ cột của sự phát triển. Đơn giản vì con người là mục tiêu, cũng là động lực của phát triển xã hội.

Và không phải bây giờ - thời kỳ bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0, không phải khi diễn đàn “Kinh tế tri thức - Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ” được tổ chức, vai trò của tri thức, kinh tế tri thức mới được nhìn nhận. Tương tự như ý nghĩa của nguồn nhân lực đối với sự phát triển, tri thức là cơ sở hình thành con người, khiến con người khác với phần còn lại của thế giới. Và tri thức cũng luôn là mục tiêu, là động lực phát triển của xã hội.

Cách gọi tên có thể khác nhau, nhưng tri thức luôn giữ vị trí quan trọng bậc nhất với tất cả lĩnh vực, thời kỳ xã hội. Câu tục ngữ “Một người lo bằng một kho người làm” người Việt Nam đúc kết cho thấy điều đó và càng ngày càng thấm thía hơn.

Dù chưa đạt được sự phát triển kinh tế rực rỡ, mang tầm thời đại với bạn bè quốc tế, nhưng trí tuệ Việt Nam luôn tỏa sáng, là tấm gương cho các thế hệ sau noi theo. Từ thời kỳ cổ đại và phong kiến, qua hàng ngàn năm đối đầu với kẻ thù xâm lược hùng mạnh, trí tuệ Việt Nam luôn chiến thắng trong các cuộc đấu tranh “lấy ít đánh nhiều”, “lấy yếu đánh mạnh”, cũng như rất nhiều tấm gương ưu tú về trí tuệ vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ quốc gia đã cho thấy điều đó. Trong thời đại Hồ Chí Minh, tiếp nối truyền thống ấy, dân tộc Việt Nam tiếp tục chiến thắng trong tư thế “lấy ít đánh nhiều”, “lấy yếu đánh mạnh”, tiếp tục có nhiều học sinh, sinh viên, nhà khoa học xuất sắc bậc nhất thế giới, làm rạng danh đất nước…

Trí tuệ Việt Nam ưu tú, đó là điều đã được bè bạn đánh giá, khẳng định. Làm thế nào phát huy tối đa sức mạnh của sự ưu tú ấy, là câu hỏi được nhiều thế hệ đặt ra và không ngừng đi tìm đáp án.

Phát huy sự ưu tú của trí tuệ Việt Nam, hay xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức là vấn đề thời sự với cả cộng đồng, từ cấp cao đến cấp thấp, ngay từ cơ sở, từ đơn vị, tập thể nhỏ nhất. Và sự ưu tú của trí tuệ Việt Nam có được phát huy hay không, năng lực của mỗi cá nhân, tập thể có phát huy được hay không, phụ thuộc rất lớn vào người đứng đầu tập thể ấy.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/163722/mot-nguoi-lo-bang-mot-kho-nguoi-lam