Một người Mỹ vượt biên vào Triều Tiên khi đang thăm làng Bàn Môn Điếm
Một công dân Mỹ đã vượt qua biên giới liên Triều và xâm nhập trái phép Triều Tiên trong khi đang đi du lịch, cơ quan giám sát khu vực phi quân sự cho biết ngày 18/7.
Theo Reuters, du khách nói trên đang tham gia chuyến tham quan Khu vực An ninh chung (JSA) ở khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền bán đảo Triều Tiên.
Báo giới địa phương cho biết người đàn ông này đang cùng một nhóm du khách, bao gồm cả dân thường, đến làng đình chiến Bàn Môn Điếm thì bất ngờ lao qua vạch ngăn cách trên biên giới.
Nhật báo Dong-a Ilbo trích dẫn quân đội Hàn Quốc tiết lộ người này là Travis King, một binh sĩ Mỹ. Tờ báo sau đó đã xóa tên.
“Một công dân Mỹ trong chuyến tham quan JSA đã vượt qua ranh giới quân sự mà không được phép để vào Triều Tiên”, Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC) cho biết trên Twitter.
"Chúng tôi tin rằng anh ấy hiện đang bị Triều Tiên giam giữ và đang làm việc với các phía Triều Tiên để giải quyết vụ việc này", trích tuyên bố.
Isaac Taylor, người phát ngôn của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) và Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc, từ chối xác nhận liệu người vượt biên là quân nhân Mỹ hay thành viên của USFK.
Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết họ chưa có bất kỳ thông tin nào về vụ việc ở biên giới.
Sự cố diễn ra vào thời điểm nhạy cảm trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Một tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Mỹ đã đến Hàn Quốc trong chuyến thăm hiếm hoi nhằm cảnh báo Triều Tiên về các hoạt động quân sự của nước này.
Triều Tiên đã thử nghiệm các tên lửa ngày càng mạnh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, bao gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nhiên liệu rắn mới được phóng vào tuần trước.
Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo công dân nước này không nên đến Triều Tiên. Khuyến cáo được đưa ra sau khi sinh viên Mỹ Otto Warmbier bị chính quyền Triều Tiên giam giữ hồi năm 2015 khi đang đi du lịch ở nước này và cố gắng đánh cắp một khẩu hiệu tuyên truyền, hành vi bị Triều Tiên cho là vi phạm pháp luật. Warmbier được trả tự do vào năm 2017 nhưng qua đời không lâu sau đó.