Một người thắng kiện Agribank Tân Phú trong vụ hợp đồng bảo lãnh vay nợ
Tòa án Nhân dân quận Gò Vấp đã ra quyết định xét xử, tuyên Ngân hàng Agribank chi nhánh Tân Phú phải trả giấy tờ nhà đất cho bên bảo lãnh vì ngân hàng đã vi phạm các nguyên tắc cho vay.
Bảo lãnh 12 tháng thành… vô thời hạn
Ông Nguyễn Thành Khoa ngụ quận Gò Vấp, Tp.HCM đã gửi đơn nhờ các cơ quan báo chí lên tiếng về việc Ngân hàng Agribank chi nhánh Tân Phú tiếp tục ký hợp đồng tín dụng cho công ty may mặc Thiên Phúc vay mà không có sự đồng ý của gia đình ông. Ông Khoa cho biết, ông đã không ký bảo lãnh tiếp tục hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba, mỗi hợp đồng khế ước là 12 tháng để bảo lãnh cho công ty TNHH may mặc Thiên Phúc do ông Trương Thanh Vĩnh Phúc làm giám đốc.
Thế nhưng, sau khi hợp đồng đã đến hạn (22/12/2009) Ngân hàng Agribank chi nhánh Tân Phú không thanh lý hợp đồng bảo đảm mà tự ý tiếp tục cho công ty TNHH may mặc Thiên Phúc đáo hạn hợp đồng nhiều lần mà không thông qua ông Khoa, tới khi phía công ty mất khả năng chi trả thì phía ngân hàng đã khởi kiện Công ty Thiên Phúc ra tòa, ông Khoa là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện này.
Theo hồ sơ thể hiện, ngày 28/12/2007 ông Khoa đứng ra bảo lãnh cho Công ty TNHH may mặc Thiên Phúc ký hợp đồng vay 65.000 USD của Ngân hàng Agribank CN Tân Phú. Bằng một hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được phòng Công chứng số 04 xác lập. Cụ thể hợp đồng số H207H218/BĐTV ngày 28/12/2007 số tiền bảo lãnh là 65.000 USD bằng quyền sử dụng nhà đất số:820/2002 do UBND quận Gò Vấp cấp tại địa chỉ : 45/314 E Quang Trung, P.12, Q.Gò Vấp, Tp.HCM giá trị bảo đảm là 1,6 tỷ đồng. Sau khi hết thời gian bảo lãnh, bên vay đã thanh khoản, tiếp tục vay lại và lập hợp đồng thế chấp số 6460-LCP- 200802130/BĐTV ngày 17/12/2008 giá trị hợp đồng bảo đảm là 1,2 tỷ đồng, tiếp theo ngày 22/12/2008 vợ chồng ông Khoa bổ sung thêm một tài sản khác để Công ty Thiên Phúc bổ sung tăng vốn vay bằng căn nhà số: 5B Đường số 4, P.10, Q.Gò Vấp, Tp.HCM với số tiền bảo đảm là: 2,6 tỷ đồng bằng hợp đồng thế chấp số 6460-LCP-200802160/BĐTV.
Sau những lần đáo hạn thành công, công ty Thiên Phúc đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán và mất khả năng chi trả. Vì vậy, ngày 8/1/2014, Ngân hàng khởi kiện công ty. Vợ chồng ông Khoa và một số người bảo lãnh khác là người có quyền và nghĩa vụ liên quan ra TAND quận Gò Vấp, với yêu cầu công ty Thiên Phúc thanh toán khoản nợ còn lại trong hợp đồng 8 tỷ đồng đã vay và cộng lãi, trường hợp bị đơn không thanh toán, ngân hàng yêu cầu tòa cho phát mãi các tài sản thế chấp của những người bảo lãnh.
Những diễn biến trước đó về yếu tố chấp thuận cho mượn tài sản để công ty Thiên Phúc vay vì ông Phúc, bà Trinh là em vợ của ông Khoa, bà Liên, vì quan hệ gia đình nên vợ chồng ông Khoa mới cho mượn tài sản, với lời hứa sau 12 tháng sẽ giải chấp trả lại tài sản trên vì vậy ông Khoa mới đồng ý. Cụ thể một thời gian sau ông Khoa đã nhiều lần thúc giục vợ chồng ông Phúc trả lại tài sản vì đã đến hạn và ông Khoa đã không cho mượn tài sản trên để thế chấp tiếp tục, nhưng không hiểu sao ngày 15/01/2011 Ngân hàng Agribank CN Tân Phú lại tái ký hợp đồng tín dụng số 6460-LAV-201100266/HĐTD với công ty Thiên Phúc, mà không cần ông Khoa ký hợp đồng bảo lãnh.
Trong hợp đồng thể hiện tài sản đảm bảo khoản vay trên là các bất động sản của vợ chồng ông Khoa, mà chưa hề thông báo việc này với vợ chồng ông. Khi tới hạn định đóng lãi và trả nợ gốc phía công ty không thực hiện, ngân hàng gửi giấy mời vợ chồng ông Khoa lên ngân hàng giải quyết sự việc trên ông Khoa mới biết. Sau khi làm việc với Ngân hàng ông Khoa không đồng ý việc công ty “cấu kết” với Ngân hàng cho vay tiếp đem tài sản ông ra đảm bảo là trái pháp luật, ông không đồng ý lấy tài sản của ông trả nợ Ngân hàng.
Cũng như trong quá trình Tòa án giải quyết hòa giải, nhiều lần phía công ty Thiên Phúc vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Khoa và bà Liên thì không đồng ý phát mãi tài sản thế chấp. Theo họ, hợp đồng thế chấp đã chấm dứt một năm sau ngày ký hợp đồng vay vốn đầu tiên. Còn nợ hiện tại giữa bên nguyên, bị đơn không liên quan gì đến ông Khoa, bà Liên. Vì thế, ông bà đề nghị tòa tuyên chấm dứt hợp đồng thế chấp ngày 17/12/2008 và 22/12/2008, buộc phía ngân hàng trả lại toàn bộ giấy tờ nhà đất vì từ năm 2009 đến 2011, ông không dùng hai tài sản trên bảo lãnh cho công ty Thiên Phúc vay tiếp tại Agribank chi nhánh Tân Phú. Ngân hàng đã có hành vi trái với đạo đức và vi phạm pháp luật.
Suốt 14 năm nay gia đình ông Khoa chịu thiệt hại nặng nề về vật chất và tinh thần. Ông Khoa không thể thế chấp tài sản trên để vay ngân hàng lấy vốn làm ăn. Hơn nữa, khi căn nhà bị giải tỏa một phần ông Khoa cũng không nhận được khoản đền bù mà khoản này bị ngân hàng Agribank thu giữ với lý do thu hồi nợ. Dù thời điểm khi đó tòa chưa xử nhưng ngân hàng lại xem đó như tài sản của mình nên ông Khoa rất bức xúc.
Quyết định xét xử của Tòa án
Tòa án Nhân dân quận Gò Vấp đã ra Bản án số 111/2023/KDTM-ST ngày 29/09/2023, có phần nhận định và đã tuyên án về vụ việc như sau: Việc thế chấp, bảo lãnh thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải thực hiện đúng quy định điểm a khoản 1 Điều 130 luật đất đai 2003, điểm a mục 1 điều 12 Nghị định 163 ngày 19/12/2006, vì vợ chồng ông Khoa không ký hợp đồng thế chấp, không đồng ý thế chấp 2 tài sản trên để bảo đảm một phần nghĩa vụ bảo lãnh cho một hợp đồng tín dụng ngày 15/01/2011, vì theo quy định điều 4 của 2 hợp đồng thế chấp ngày 17/12/2008 và ngày 22/12/2008 thỏa thuận như sau: Ngân hàng được thu hồi tài sản thế chấp trong trường hợp khi đến hạn khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của hợp đồng thế chấp, bên vay không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ với Ngân hàng. Trong khi hợp đồng tín dụng ngày 15/12/2008 đã được tất toán xong không còn dư nợ. Hợp đồng thế chấp 17/12/2008 và 22/12/2008 vì thế cũng chấm dứt.
Do đó Toàn án nhân dân quận Gò Vấp đã tuyên: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu từ ông Khoa. Tuyên bố hợp đồng thế chấp số 6460- LCP – 200802130/BĐTV ngày 17/12/2008 và hợp đồng thế chấp số 6460 – LCP – 200802160/BĐTV ngày 22/12/2008 đã chấm dứt.
Buộc Ngân hàng Nông nghệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phải làm thủ tục xóa thế chấp và trả lại toàn bộ bản chính giấy tờ của hai căn nhà nói trên cho vợ chồng ông Khoa (Vợ chồng ông Khoa chưa tính toán về vấn đề thiệt hại).
Phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người cho mượn tài sản thế chấp
Trao đổi về tranh chấp bảo lãnh trong tín dụng ngân hàng, Luật sư Đổng Mây Hồng Trúng (GĐ Hãng luật Hồng Trúng, Đoàn luật sư Tp.HCM phân tích: Hợp đồng tín dụng là hợp đồng thỏa thuận giữa bên cho vay và bên vay. Còn hợp đồng thế chấp tài sản bảo lãnh khoản vay là hợp đồng thỏa thuận giữa bên cho vay, bên vay và bên có tài sản. Không thể đánh đồng hai loại hợp đồng này với nhau bởi hợp đồng thế chấp bảo lãnh có thể chỉ bảo lãnh cho một khoản vay nhất định, trong một thời hạn nhất định.
Trong thực tiễn xét xử, khi hợp đồng thế chấp bảo lãnh ký kết với ngân hàng, nếu các bên ký tranh chấp nhau về một nội dung nào đó trong hợp đồng, thì tòa sẽ xem xét bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế hơn, tức là bên không đứng ra soạn thảo hợp đồng.