Một người thầy lớn của mỹ thuật Việt Nam

Họa sĩ Trần Lưu Hậu (trong ảnh) là một trong những tên tuổi hàng đầu của thế hệ họa sĩ khóa kháng chiến ở Việt Bắc như Lưu Công Nhân, Nguyễn Trọng Kiệm..., có tầm ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam.

Họa sĩ Trần Lưu Hậu sinh ngày 3-10-1928, tại Ninh Bình, quê quán ở quận Ðống Ða, TP Hà Nội. Ngay từ năm 1945, ông đã tham gia Việt Minh ở khu Cầu Giấy và Tự vệ thành khu Ðống Ða. Năm 1946, toàn quốc kháng chiến, ông lên chiến khu Việt Bắc, là cán bộ trong Ban Tuyên truyền Ty Thông tin Vĩnh Phúc. Là một người trai Hà Nội hào hoa sớm dấn bước vào cuộc trường chinh giành độc lập dân tộc, họa sĩ Trần Lưu Hậu đến với hội họa từ núi thẳm rừng xa Việt Bắc, là một trong những đại diện xuất sắc nhất của khóa Mỹ thuật kháng chiến 1950-1953 mà người thầy đầu tiên là danh họa Tô Ngọc Vân. Thời gian này, ông tham gia vẽ tranh về Anh hùng, Chiến sĩ thi đua Hoàng Hanh và Nguyễn Thị Chiên, tranh vận động đồng bào tăng gia sản xuất, tiết kiệm đóng thuế nông nghiệp, giảm tô, giảm thuế tại Tuyên Quang và Thái Nguyên. Năm 1955, Trần Lưu Hậu được cử đi học tại Học viện Mỹ thuật Surikow Mát-xcơ-va (Liên Xô trước đây); tiếp thu những chuẩn mực hàn lâm của nghệ thuật Xô Viết; được ảnh hưởng từ các họa sĩ bậc thầy thế giới để từ đó tìm ra bản ngã thật sự của cá nhân mình trong hội họa. Từ năm 1962 đến 1989, ông là giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Gần 30 năm giảng dạy mỹ thuật, Trần Lưu Hậu là một nhà sư phạm mẫu mực, có tầm ảnh hưởng lớn về nghệ thuật đến nhiều thế hệ học trò. Ông kiên nhẫn và dứt khoát đẩy các học trò ra khỏi bóng mình, loại bỏ những thói quen lười biếng, ít nghĩ và thụ động khi học nghệ thuật và yêu cầu họ hãy luôn là một cá nhân biết sử dụng tự do một cách tốt nhất trong sáng tác.

Họa sĩ Trần Lưu Hậu từng là Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam, với vị thế của người nghệ sĩ sáng tạo, một nhà tư duy xuất sắc của ngôn ngữ biểu hiện trừu tượng trong hội họa, ông đã có những đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng sáng tác, khích lệ những không gian sáng tạo mới của các họa sĩ trẻ, kết nối nghệ thuật và xã hội trong những nỗ lực xóa bỏ mọi rào cản của sự trì trệ, bảo thủ và những thói quen, tư duy cũ trong đời sống nghệ thuật một thời. Bên cạnh những đóng góp lớn cho mỹ thuật, đào tạo, họa sĩ Trần Lưu Hậu cũng tạo được nhiều dấu ấn trong ngành thiết kế sân khấu. Cấu trúc không gian đa chiều của nghệ thuật hiện đại kết hợp với thủ pháp ước lệ của nghệ thuật tuồng, chèo truyền thống Việt Nam được ông thử nghiệm thành công cho sân khấu đương đại những năm 1980 qua các vở kịch nói: Ðại đội trưởng của tôi, Nguyễn Trãi ở Ðông Quan, Chợ đời, Kẻ hà tiện, Con cáo và chùm nho, Âm mưu và tình yêu…

Nhưng có lẽ trước cuộc thế và nghệ thuật, họa sĩ Trần Lưu Hậu lựa chọn sự tồn tại bởi hội họa và vì hội họa. Sau nhiều năm không vẽ, sống ẩn nhẫn, cực nhọc, thân khổ nhưng tâm nhàn, ông đã tự cuộn lên trong đau khổ ngấm ngầm và cũng tự ánh sắc lên từ nỗi buồn dài của số phận. Vẽ mà không cần tới một nội tâm thăng bằng, chỉ ham muốn cảm xúc thỏa thuê khi đẩy bút tràn, vỡ hình sắc; với những nét tinh lọc, khái quát, đẩy nhanh sự bay thoát trong nhạc cảm lạ của mầu sắc. Ông có tài dùng mầu đỏ già vẽ phố cũ, mầu nâu già tả ngõ quê, mầu vàng già ra chiều buồn lây lan sang bất cứ ai và mầu đen già ập xuống; xung động buồn vui, trầm, chói bằng bút lực sảng khoái trên những bảng mầu tươi, nguyên sắc. Cái hồn của sự sống, của đời thực phả khắp tác phẩm. Bởi cái thiên nhiên ấy, phong cảnh ấy dù là của năm nào và ở đâu, nó vẫn còn nguyên vẻ tươi tắn để ông chợt nhớ lại, yêu thêm để có thêm cảm xúc. Có được những nhát bút, vệt mầu xuất thần cũng là vì vậy. Trong tranh Trần Lưu Hậu, thiên nhiên có hay không có bóng dáng con người, vẫn âm thầm bày tỏ sự sắp đặt kỳ lạ của tạo hóa và sự góp thêm của con người trần thế khi tự xoay trong cái khối vuông ru bích của số phận mình; ám ảnh những ảo giác về hạnh phúc hay khổ đau, tuyệt vọng hay hy vọng. Trời cho ông đôi con mắt khó già, không bao giờ tự làm cạn đi nguồn sống...

Suốt một đời cống hiến thầm lặng, họa sĩ Trần Lưu Hậu được Ðảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng. Năm 2001, ông vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (đợt 1) cho các tác phẩm tiêu biểu: Bộ đội về bản - lụa, 1976; Sinh hoạt đồng bào Mèo - bột màu, 1982; Phong cảnh miền núi - bột mầu, 1983; Ngựa thồ Sapa - Sơn dầu, 1996; Rừng tre - sơn dầu, 1997; Ông cháu - Acrylic, 1998; Biển Vũng Tàu - Acrylic, 1998…

Sau những tháng ngắn ngủi lâm bệnh, họa sĩ Trần Lưu Hậu đã ra đi vào ngày 29-2 (tức ngày 7-2 năm Canh Tý); để lại niềm tiếc thương cho gia đình và giới nghệ sĩ tạo hình, những người yêu mỹ thuật.

Họa sĩ LƯƠNG XUÂN ÐOÀN

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/chan-dung/item/43501602-mot-nguoi-thay-lon-cua-my-thuat-viet-nam.html