Một nhà thơ hạnh phúc

Tin Phan Vũ (trong ảnh) ra đi đột ngột đến với bạn bè và những người yêu mến ông dù không bất ngờ. Vì trong tiềm thức mọi người, ông như đã quá quen thuộc. Em ơi, Hà Nội phố đã là bài thơ, giai điệu gần như quen thuộc với mọi người, mọi thời. Tranh Phan Vũ cũng yên vị trên tường nhà của vài chục người biết và trọng ông. Dù rằng Phan Vũ đã sống một mình trong thế giới riêng từ rất lâu, rất lâu trước khi ông tạm biệt thế giới này.

Ảnh: NGUYỄN TRỌNG CHỨC

Ảnh: NGUYỄN TRỌNG CHỨC

Tin Phan Vũ (trong ảnh) ra đi đột ngột đến với bạn bè và những người yêu mến ông dù không bất ngờ. Vì trong tiềm thức mọi người, ông như đã quá quen thuộc. Em ơi, Hà Nội phố đã là bài thơ, giai điệu gần như quen thuộc với mọi người, mọi thời. Tranh Phan Vũ cũng yên vị trên tường nhà của vài chục người biết và trọng ông. Dù rằng Phan Vũ đã sống một mình trong thế giới riêng từ rất lâu, rất lâu trước khi ông tạm biệt thế giới này.

Lần đầu gặp nhà thơ Phan Vũ trong Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ sáu tại Hội trường Ba Đình, người viết bài này không khỏi ngỡ ngàng khi thấy một ông già cao lớn tóc bạc, mặc nguyên một cây “jeans” cực kỳ bụi bặm, nổi bần bật như một “tráng sĩ” giữa đám đông, âu yếm khoác vai một phụ nữ trung niên rất giản dị, khiêm nhường và giới thiệu nhỏ nhẹ: "Việt Nga, con gái chú, cũng là nhà báo".

Không có gì chung giữa hai cha con, về ngoại hình, phong cách, danh tiếng. Chỉ có ánh mắt âu yếm. Và chữ “Nga” trong tên gọi. Chị ấy mang tên mẹ, nữ tài tử điện ảnh nổi tiếng của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam: Phi Nga - mối tình lớn của cuộc đời Phan Vũ.

Chàng trai Hải Phòng gốc Đà Nẵng - Phan Vũ đã gia nhập quân đội, lên chiến khu, ngay từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến. Anh bắt đầu làm thơ, viết truyện, viết kịch bản phim...

Ở đó, năm 1952, anh gặp Phi Nga, cô phát thanh viên Đài Tiếng nói Nam Bộ và họ kết hôn khi cả hai tập kết ra bắc. Mối tình lớn của cuộc đời Phan Vũ kéo dài 32 năm, trong đó có 28 năm chăm vợ ốm. Diễn viên nữ chính đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam với vai diễn cùng tên trong bộ phim Chung một dòng sông bị bệnh tim bẩm sinh. Sau khi sinh hai người con, bà cũng rời màn bạc và sống trong vinh quang quá khứ cùng sự chăm sóc của người chồng tài hoa và đào hoa. Mười năm cuối đời của Phi Nga, Phan Vũ hầu như ở bên giường vợ vì bà bị tai biến. Hơn cả tình yêu, sự hy sinh tự do và phần nào cá tính của mình khiến bạn bè càng nể Phan Vũ. Cũng càng khiến chị Việt Nga thêm thương yêu cha mình những ngày tháng cuối đời quên quên nhớ nhớ.

Phan Vũ làm đạo diễn, viết truyện, viết kịch bản phim, vẽ tranh... nhưng điều khiến độc giả không bao giờ quên ông chính là thơ. Và bài thơ tuyệt vời nhất, chính xác là một trường ca nổi tiếng về Hà Nội là Em ơi, Hà Nội phố gồm 23 chương.

Dù có ba, bốn chương đã xuất hiện trong bài hát cùng tên của Phú Quang, nhưng theo người viết bài này vẫn còn khá nhiều những câu thơ rất hay đã không xuất hiện trong bài hát, và mỗi lần đọc lại khúc ca Hà Nội ấy, là thêm một lần cảm phục Phan Vũ, thêm một lần yêu thương Hà Nội.

Một Hà Nội tĩnh lặng sâu thăm thẳm: ta còn em đường lượn mái cong ngôi chùa cổ/năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương/ai còn ngồi bên gốc đại già?/chợt quên vườn hồng đã ra hoa/chợt quên ai kia bên đường đứng đợi.../cuộc đời có lẽ nào/là một thoáng bâng quơ!?.

Một Hà Nội của từng trái tim đang run rẩy, từng mối tình nương góc phố, nép tán cây, vương khuôn cửa gỗ: ta còn em chấm lửa/xập xòe kỷ niệm/khuôn mặt ai/dừng trong khung cửa.../những phong thư bỏ quên trong hộc tủ, không tên người, không tên phố, người gửi không tên...

Và không hề ngẫu nhiên, trong 23 chương của trường ca, có hẳn một chương “Riêng về một Tháng Chạp”: Tháng Chạp trắng khăn sô/khói hương dài theo phố/Một tháng Chạp/thâu đêm/mẹ/thức/hóa vàng...

Tháng Chạp con đường ngẩn ngơ/Dãy phố thành tọa độ/khu trắng không người ở/dòng chữ phấn ghi trên cánh cửa/lời thề của người bỏ phố:/còn một đống gạch, còn trở về nhà cũ!/sập gụ tủ chè, sách xưa và bình cổ/thí thân cho mất cho còn...

Những ngày đêm Tháng Chạp năm 1972 ấy, ông ở lại Hà Nội trong làn bom B52. Và Hà Nội phố của ông, nơi mà tiếng ca cất lên đẹp đẽ da diết: ta còn em/cây bàng mồ côi mùa đông/nóc phố mồ côi, mùa đông/mảnh trăng mồ côi, mùa đông... đã thiếu một câu cuối đau đớn, uất nghẹn: Tháng Chạp năm ấy in hình bao mộ phố.

Người viết bài đã có may mắn được nghe Phan Vũ đọc nguyên vẹn trường ca Em ơi, Hà Nội phố hai lần, cách nhau 19 năm: Năm 1995 và năm 2014. Ông rất chịu khó đọc cho những người hâm mộ chép lại để đính chính những dị bản do nhiều nguyên nhân. Ông yêu thơ mình như mọi thi nhân, nhưng cũng ít đọc thơ mình ở các đám đông, chỉ rất nhẹ nhàng đọc khi được đề nghị trong những cuộc gặp nho nhỏ. Đúng với bản tính của người - thơ suốt đời như ông.

Những năm cuối đời, Phan Vũ sống với nhà báo Diễm Chi trong ngôi nhà vườn nhỏ ở ngoại ô TP Hồ Chí Minh. Ông vẽ nhiều, vẽ đẹp và hồn nhiên. Sự quên lãng của tuổi tác khiến cho tranh ông mang một vẻ trong trẻo mà nhiều họa sĩ tài danh mong ước.

Ghi dấu ấn tác phẩm vào cuộc đời, ra đi trong tình thương yêu của người vợ kém ông tới 35 tuổi, trong sự thương nhớ của bạn bè, đồng nghiệp và người yêu thơ, yêu nhạc, yêu họa. Phan Vũ thật sự là một nhà thơ hạnh phúc.

THU HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/40917102-mot-nha-tho-hanh-phuc.html