Một nhà văn tiêu biểu về chiến tranh cách mạng
Nhà văn Lê Tri Kỷ (1924-1993) tên thật là Nguyễn Duy Hinh, sinh ngày 14/6/1924 tại thôn Lưỡng Kim, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, mất ngày 8/5/1993 tại Hà Nội.
Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia Thanh niên cứu quốc. Năm 1946 làm Bí thư Thanh niên cứu quốc huyện Gio Linh, sau được điều sang làm Chánh văn phòng Công an tỉnh Quảng Trị. Cuối năm 1949, ông ra Việt Bắc làm phái viên kiểm tra của Nha Công an Trung ương, cuối năm 1951 là Phó trưởng Ty Công an tỉnh Bắc Giang; từ năm 1952 về Bộ Công an làm cán bộ nghiên cứu, sau ra lại Bộ Công an làm Phó trưởng Phòng Nội gián, rồi hoạt động tuyên truyền, rồi giữ chức Phó giám đốc Nhà xuất bản Công an nhân dân (CAND) cho đến lúc nghỉ hưu, quân hàm đại tá công an.
Một số tác phẩm chính của ông như: Thủ phạm vụ án Ôn Như Hầu (kí sự, 1960), Phố vắng (tập truyện kí, 1961), Một người không nổi tiếng (Truyện kí, 1970), Biến động ngày hè (kịch bản sân khấu, 1976), Những tiếng nói thầm (truyện kí, 1978), Câu lạc bộ chính khách (tiểu thuyết, 2 tập, 1986), Không thiện không ác (tập truyện, 1988), Truyện ngắn Lê Tri Kỷ (tuyển tập, 1995).
Dẫu chưa hề gặp mặt một lần nhưng trong cuộc đời mình cho đến lúc này, nhà văn Lê Tri Kỷ, một người con của quê hương Quảng Trị vẫn để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc với nhiều kỉ niệm khó quên. Một nhà văn chuyên viết về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang với nhiều tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật dài lâu.
Tôi đọc Lê Tri Kỷ sau ngày nước nhà thống nhất không lâu, đó là kịch bản sân khấu “Biến động ngày hè” do NXB VHGP ấn hành năm 1976 viết về vụ án Ôn Như Hầu ở Hà Nội sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công một thời gian ngắn. Sau này tôi biết nguyên mẫu cho nhân vật công an trong vở kịch chính là nhà cách mạng Nguyễn Tạo. Về sau tôi còn biết ông từng ở nhiều nhà tù khét tiếng thời Pháp thuộc, trong đó có nhà tù Lao Bảo và là chuyên gia vượt ngục, một con người mà hành trạng như huyền thoại. Nguyên mẫu này còn xuất hiện đậm nét qua nhân vật chỉ huy điệp báo trung ương Trần Châu Phong (cũng giống với công tác ngoài đời của Nguyễn Tạo là Trưởng Ty điệp báo trung ương trong thời kì này) trong cuốn tiểu thuyết tình báo hai tập mang tên “Câu lạc bộ chính khách” (NXB CAND năm 1986). Theo tôi đây là đỉnh cao trong văn nghiệp Lê Tri Kỷ và cũng là một hình mẫu của thể loại trinh thám chính trị ở nước ta mà bạn đọc thường gọi nôm na là truyện tình báo, phản gián...dưới tên nhân vật Trưởng Ty điệp báo trung ương Trần Châu Phong, tác giả kịch bản và đạo diễn một điệp vụ táo bạo trong kháng chiến chống Pháp. Nếu ai quan tâm đến thể loại truyện trinh thám chính trị sẽ thấy điệp vụ này tương tự như một điệp vụ ở nước Nga Xô - Viết sau Cách mạng Tháng Mười khi giăng lưới dụ tướng Bạch vệ Xavin- cốp từ nước ngoài trở về và tóm gọn. Điệp vụ công phu này được tái hiện khá sinh động trong cuốn tiểu thuyết cũng hai tập nhan đề “Trừng phạt” của văn học Xô Viết. Một điều thú vị là nhân vật Nguyễn Tạo không hề hay biết điệp vụ nói trên của Liên Xô nhưng ông vẫn đủ mưu trí và táo bạo nghĩ ra diệu kế lừa đối phương một cách ngoạn mục. Phải chăng những tài năng dù cách xa vẫn có cách nghĩ tương đồng? Còn nhà văn Lê Tri Kỷ cho biết khi viết tác phẩm này ông đã mất nhiều năm thu thập tài liệu, gặp gỡ nguyên mẫu, nhân chứng nhiều lần và công phu trong lao động nhà văn. Kết quả thì như chúng ta đã thấy “Câu lạc bộ chính khách” đã được người đọc đón nhận và được các nhà văn, đạo diễn đánh giá cao. Một yếu tố có tính quyết định thành công của tiểu thuyết này cũng như nhiều tác phẩm khác của Lê Tri Kỷ được nhiều người đồng thuận, đó là sự am hiểu về ngành Công an, điệp báo, khả năng phân tích tâm lí tinh tế và thấu đáo, cách đặt ra những tình huống ngặt nghèo để nhân vật đứng trước những thử thách cũng như lựa chọn và trên hết là trái tim nhân hậu chứa chan tình yêu con người, sự lao động cẩn trọng đã làm nên “thương hiệu” Lê Tri Kỷ. Viết về đề tài hình sự, vụ án, tình báo nhưng tác giả không hề sa vào những chuyện li kì, những pha giật gân câu khách, những vẽ vời quá đà... mà trái lại rất chừng mực, lại đi sâu vào đời sống nội tâm nhân vật, khắc họa sinh động diễn biến tâm lí vốn dĩ phức tạp, quan tâm thật sự đến số phận con người với đủ cung bậc hỉ, nộ, ái, ố... kể cả đó là nhân vật công an vốn dễ hiện ra với chân dung đạo mạo, nghiêm khắc và dễ khô cứng, nhạt nhòa nếu dễ dãi hoặc non tay hay theo lối mòn sáng tác. Tiểu thuyết “Câu lạc bộ chính khách” thu hút sự quan tâm của dư luận còn bởi đoạn kết câu chuyện gắn liền với chiến công điệp báo diễn ra trong kháng chiến chống Pháp: Đánh chìm chiến hạm Amyot d’Inville, lớn nhất của quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Nửa thế kỉ sau sự kiện này, khi đọc truyện của Lê Tri Kỷ, vẫn có người còn quan tâm và nghi vấn chiến hạm này chỉ bị thương chứ không phải bị đánh chìm, nó về cảng Hải Phòng được sửa chữa rồi về lại nước Pháp. Ý kiến này được đưa lên mạng xã hội. Năm 2013, khi tôi viết kí sự 3 kì đăng báo Tuổi Trẻ về nhân vật Nguyễn Tạo mang tên: “Thành hoàng cộng sản” cũng đã tìm hiểu chi tiết này, tuy nó không trực tiếp liên quan đến nội dung bài viết. Một đại tá Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã nói rằng: Chính ông giám đốc một công ty trục vớt tàu biển khi chỉ huy người lặn xuống biển Sầm Sơn tìm lại tung tích con tàu đã sờ đúng cái chân vịt của chiến hạm này, nên quả quyết với ông, chiếc tàu không về cảng Hải Phòng, càng không thể về lại nước Pháp như có người đã nghi vấn mà vĩnh viễn nằm trong vùng biển Việt Nam.
Ngay trong mấy trang mở đầu sách trước khi vào truyện đã cho thấy một Lê Tri Kỷ rất nghiêm cẩn và am tường tâm lí con người cũng như sáng tác trong văn chương khi nói về các sự kiện được tái hiện trong cuốn tiểu thuyết “Câu lạc bộ chính khách”: “Thế nhưng vẫn chưa có ai nói đến vụ Amyot d’Inville một cách đầy đủ và đứng đắn. Những nhà viết tiểu thuyết trinh thám đã đành. Những cán bộ công an lâu năm cũng ít ai biết trọn vẹn vì ngành Công an chưa lần nào công bố chi tiết. Lạ lùng hơn là ngay đến những người trong cuộc cũng mỗi người kể lại một cách. Vì nhiều lẽ: Trình độ khá chênh lệch nhau, vị trí chiến đấu khác nhau, nguyên tắc hoạt động bí mật chỉ cho phép ai làm việc gì biết việc ấy. Chưa kể yếu tố thời gian, không gian và lòng người: Chuyện kể đầu phố đã không còn nguyên vẹn khi nghe kể lại ở cuối phố”.
Quay trở lại bàn tính nhân văn sâu sắc và tinh tế trong văn chương Lê Tri Kỷ, có thể nói đây là trọng tâm sáng nhất và chính nó cũng làm nên thành công nổi bật trong văn nghiệp của ông. Chẳng hạn truyện ngắn “Bí mật cho những cuộc đời” nói về một người từng làm công tác thuế vụ sau Cách mạng Tháng Tám. Anh ta nhanh nhẹn, tháo vát làm rất được việc, mỗi tội háo sắc, vì vậy đã phạm kỉ luật vốn rất khắt khe vào thời ấy. May mà gặp được cán bộ công an từng trải và nhân hậu không xử nặng còn tạo điều kiện cho anh chuyển sang công tác khác thích hợp hơn và cũng tránh xa cám dỗ khó vượt qua ở tuổi thanh niên. Và sau bao năm làm việc, anh cán bộ thuế vụ ngày xưa đã luôn rèn luyện, phấn đấu trở thành một con người có ích, một cán bộ gương mẫu. Dụng nhân như dụng mộc, nếu chỉ cần khắt khe, dù là làm đúng nguyên tắc có khi làm hỏng cả một cuộc đời. Câu chuyện xưa chỉ có mấy người trong cuộc biết với nhau, sống để dạ, chết mang theo dù thực ra không phải nghiêm trọng được đặt tên cho truyện ngắn này và cả tập truyện.
Cùng với cách nhìn như vậy, truyện ngắn “Mụ Quới” lấy bối cảnh vùng quê Quảng Trị cũng sau Cách mạng Tháng Tám. Nhân vật vốn khá phổ biến ở làng quê thời thực dân phong kiến với những thói xấu như lười nhác, cắp vặt, đanh đá, chua ngoa khiến nhiều người ghét. Nhưng khi nước nhà độc lập, bà thấy cuộc sống xung quanh nhiều người giác ngộ, ý thức mình bây giờ là người dân tự do, không nô lệ, hầu hạ ai cả, phải có lòng tự trọng, tự hào và cố sống tử tế. Và bà đã lột xác không ngờ trở nên một công dân mới, quá trình hoàn lương không đơn giản nhưng đầy hứa hẹn trong một bối cảnh rung trời chuyển đất. Mọi người không gọi bà là “Mụ Quái” như trước nhưng cũng không thể gọi “Mụ Quý” như tên khai sinh nghe chưa thuận tai nên gọi chệch đi là “Mụ Quới”. Một truyện ngắn hay và cảm động vì tác giả luôn nâng niu số phận con người, phát hiện ra những mầm thiện dù là nhỏ nhất để thắp sáng cuộc đời này.
Trong truyện kí “Những tiếng nói thầm” nhà văn Lê Tri Kỷ lại cũng cho thấy khả năng phân tích tâm lí tinh tường khi tác giả tự phân tích chính mình. Đoạn văn sau cho thấy rõ nội tâm của một con người xa quê 25 năm, từ 1948 đến 1973, sau Hiệp định Paris mới trở lại cố hương Quảng Trị, văn phong đẹp, tinh tế, giàu chất biểu cảm rất tiêu biểu cho Lê Tri Kỷ: “Hai mươi lăm năm- Một sáng đầu xuân năm 1973, tôi trở về Quảng Trị. 25 năm! Tại sao với một người chờ đợi quá lâu, thì lời nói đầu tiên khi hết chờ đợi thường là một lời về thời gian nhỉ? Lẽ nào những nỗi đau xé ruột, những thương nhớ thắt tim, những mừng vui kinh ngạc đến điên người, tóm lại, cái mớ cảm xúc bộn bề, sôi sục bị đè nén lâu ngày đến như thế, khi vùng dậy, lại chỉ chứa đựng trong một ý niệm máy móc về con số? Cũng như mọi người, điều đầu tiên trong đầu tôi khi xe qua cầu Hiền Lương, là một ý nghĩ về thời gian xa cách. Nhưng mãi đến khi viết những dòng này, tôi mới biết rằng lúc đó mình chưa hiểu thế nào là hai mươi lăm năm. “Thời gian không tính bằng năm, tháng”, ai đó nói ra câu ấy lần đầu tiên hẳn là người biết nếm từng giây phút đời mình...”.
Nhưng Lê Tri Kỷ không chỉ là nhà văn tài năng, đặc biệt trong lĩnh vực trinh thám, không chỉ là cây bút đặc sắc trong phân tích tâm lí thấm đẫm nhân văn, thấu đáo nhân tình mà còn là một “bà đỡ” mát tay cho nhiều nhà văn, nhất là khi ông lãnh đạo NXB Công an nhân dân. Các nhà văn trong lực lượng CAND như Ngôn Vĩnh, Văn Phan... đều trưởng thành trong nghề nhờ sự chăm chút nghiêm khắc và tận tình của một đàn anh giàu kinh nghiệm. Trong một cuộc trò chuyện mới đây, sau mấy tuần trà về văn chương kịch nghệ, nhà văn Xuân Đức đã kể khi xuất bản cuốn tiểu thuyết “Người không mang họ”, tác giả ra Hà Nội đã được nhà văn Lê Tri Kỷ hoan hỉ chúc mừng người viết đã có đóng góp một tác phẩm đáng kể cho NXB CAND và bạn đọc.
Lê Tri Kỷ được nhiều bạn văn và đông đảo độc giả quý trọng ở cả hai phương diện: Con người và nhà văn, một điều không phải nghệ sĩ nào cũng đạt được. Bởi vậy mặc dù nhà văn đã đi xa hơn một phần tư thế kỉ nhưng những ai yêu mến văn chương đích thực, dù chưa gặp tác giả một lần vẫn thấy mình như tri kỉ với nhà văn Lê Tri Kỷ.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=140307