Một Nhật Bản đậm 'tình'

Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (2008-2011) nhớ về những người bạn Nhật Bản ân tình với cá nhân ông, với Việt Nam, với quan hệ hai nước...

Đại sứ Nguyễn Phú Bình (giữa) và Phu nhân cùng các đại biểu dự Lễ kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam tại Nhật Bản, tháng 9/2011. (Ảnh: NVCC)

Đại sứ Nguyễn Phú Bình (giữa) và Phu nhân cùng các đại biểu dự Lễ kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam tại Nhật Bản, tháng 9/2011. (Ảnh: NVCC)

Vững vàng trong biến động

Trong nhiệm kỳ Đại sứ của ông Nguyễn Phú Bình tại xứ sở mặt trời mọc, chính trường Nhật Bản diễn biến phức tạp, chỉ trong bốn năm đã có năm Thủ tướng đảng Dân chủ tự do và Đảng Dân chủ thay nhau lên cầm quyền.

Dù vậy, Đại sứ Nguyễn Phú Bình chia sẻ, quan hệ tốt đẹp giữa Nhật Bản với Việt Nam không những vẫn duy trì rất ổn định mà còn có bước phát triển vượt bậc với Hiệp định Đối tác kinh tế Việt-Nhật (ký kết 25/12/2008, có hiệu lực từ 1/10/2009) và Thỏa thuận thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (4/2009).

Để có được điều đó, theo Đại sứ, vai trò của Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt bao gồm đại diện tất cả Đảng phái chính trị trong Quốc hội (các đảng Dân chủ tự do, Dân chủ, Cộng sản, Komei…) hết sức quan trọng. Trong hoàn cảnh đấu tranh chính trường quyết liệt như vậy, các thành viên trong Liên minh dù bất đồng về quan điểm đảng phái nhưng vẫn thống nhất trong lập trường phát triển quan hệ với Việt Nam.

Đại sứ nhớ lại, với vai trò Chủ tịch Liên minh, Nghị sĩ Takebe Tsutomu đã tập hợp và điều phối các hoạt động vận động trong Quốc hội tăng cường quan hệ với Việt Nam. Nghị sĩ lão thành Nikai Toshihiro, khi đó là Bộ trưởng Công thương cùng với Chủ tịch Takebe luôn cố gắng thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược với Việt Nam. Ông Nikai là người truyền bá phong trào “mỗi xã một sản phẩm” thành công ở Nhật Bản cho Việt Nam.

Hiện tại, ông Nikai là Chủ tịch, còn cựu nghị sĩ Takebe là Cố vấn đặc biệt của Liên minh. Ông Takebe đã thành lập một tổ chức xã hội có mạng lưới rộng khắp cả nước với mục đích hỗ trợ người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở Nhật Bản, trọng tâm là hỗ trợ cho cộng đồng người Việt. Mặc dù tuổi đã cao, hai ông vẫn thường xuyên thăm Việt Nam, nhiệt tình giúp đỡ Việt Nam, nhất là đối với trường Đại học Việt - Nhật, thúc đẩy quan hệ với Việt Nam đi vào chiều sâu trong mọi lĩnh vực.

“Đối với cá nhân tôi, hai ông là chỗ dựa tin cậy và nguồn động viên to lớn mỗi khi cần khai thông những khúc mắc. Khi tôi được trao tặng Huân chương Mặt trời mọc của Nhật Bản vào đầu năm 2018, Chủ tịch Takebe đã gửi lời chúc mừng nồng nhiệt và thắm thiết cho tôi”, Đại sứ chia sẻ.

Trong năm 2023 đặc biệt, kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt-Nhật, Đại sứ xúc động tưởng nhớ cố Nghị sĩ Matsuda Iwao, nguyên Bộ trưởng phụ trách chính sách Khoa học - Công nghệ, nguyên Phó chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt đã hết lòng dành ưu tiên cho hợp tác khoa học - công nghệ với Việt Nam. Với vai trò đồng trưởng ban tổ chức, ông dành mọi tâm huyết đồng hành cùng Đại sứ Nguyễn Phú Bình và các đại sứ nhiệm kỳ tiếp theo, sáng lập và tổ chức hằng năm Lễ hội Việt Nam tại Tokyo, từ lần đầu tiên (2008) cho đến khi ông qua đời đầu năm ngoái.

Những tấm lòng rộng mở

Ở Tokyo có một ngôi chùa Nhật Bản, do cố Đại lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi trụ trì. Đặc biệt, cố Đại lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi chính là bạn học từ thời còn trẻ với Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng (nay là Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam). Phụ tá cho cố Hòa thượng Yoshimizu Daichi là sư cô Thích Tâm Trí, Tiến sĩ Phật học tại Nhật.

Đại sứ nhớ lại, vào lúc khó khăn nhất do động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân đầu năm 2011, Đại sứ quán phải đưa một số công dân Việt Nam ở khu vực nguy hiểm về Tokyo. Hòa thượng Yoshimizu Daichi đón gần 100 công dân Việt Nam về ở trong chùa cho đến khi tình hình ổn định trở lại.

Từ đó, chùa Nissin Kutsu được người Việt gọi là “Chùa Việt Nam”, địa chỉ thân quen và đáng tin cậy của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, giúp đỡ những trường hợp khó khăn và đón tiếp nhiều khách từ Việt Nam sang thăm. Sư cô Tâm Trí được bầu làm Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản.

Khi đó, Hòa thượng Yoshimizu Daichi tuy đã cao tuổi, sức khỏe không còn được như hơn 10 năm trước, nhưng không quản đường xa, hằng năm vẫn thăm Việt Nam. “Mỗi lần gặp, nhận những lời cảm ơn của chúng tôi, cụ nở nụ cười mãn nguyện và chia sẻ: Chính tình cảm thân thương của Phật tử và nhân dân Việt Nam là nguồn động lực, mang lại sức khỏe và lẽ sống cho cụ!”, Đại sứ Phú Bình nhớ lại.

Trong những năm tháng công tác tại Nhật Bản, Đại sứ được nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa giới thiệu Tiến sĩ, Bác sĩ Natsume Nagato - nguyên Tổng thư ký và nay là Chủ tịch Hội phẫu thuật hở môi hàm ếch Nhật Bản.

Trong suốt hơn 30 năm qua, ông dẫn đầu đoàn bác sĩ tình nguyện Nhật Bản mỗi năm hai lần sang mổ miễn phí cho các ca bệnh tại Bến Tre và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (tới nay tổng số có thể lên tới hơn 3.000 ca), đồng thời hỗ trợ trang thiết bị cho các cơ sở y tế địa phương. Từ năm 2017, ông được Bộ Ngoại giao Việt Nam bổ nhiệm làm Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Nagoya với vai trò hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại khu vực này.

Đại sứ Nguyễn Phú Bình kể: “Chị Hirose Noriko, thành viên của nhóm bác sĩ, ngoài nhiệm vụ phẫu thuật, còn hoạt động tích cực trong việc hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo tỉnh Bến Tre, được báo chí địa phương gọi là ‘người phụ nữ nhỏ nhắn có trái tim nhân hậu’. Năm 2013, chị thành lập tổ chức phi lợi nhuận Japonica Agri vận động học bổng cho du học sinh Việt Nam sang học nông nghiệp công nghệ cao ở Nhật Bản. Có lẽ, chính tình yêu Việt Nam của chị đã lan tỏa, tạo nên tình cảm thắm thiết của cả gia đình chị đối với Việt Nam. Cách đây hai năm, chị được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm làm Đại sứ Du lịch tại Nhật Bản”.

Dấu ấn vượt thời gian

Trong nhiệm kỳ ở Nhật Bản, Đại sứ Nguyễn Phú Bình có dịp đi thăm Nagasaki, thành phố cực Tây, nơi xuất phát của những con thuyền đưa các thương nhân Nhật Bản sang buôn bán ở các thương cảng Hội An, Phố Hiến khoảng 400 năm trước. Nghị sĩ Tomioka, Phó Tổng thư ký Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt lúc đó đưa ông trèo lên nghĩa trang thành phố nằm trên triền núi cao, thăm ngôi mộ chung của thương nhân Araki Sotaro và công nữ Ngọc Hoa, con gái của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên.

Thiên tình sử của cặp đôi này vẫn được người dân nơi đây nhớ đến qua Lễ hội “Đón công chúa”, tái hiện lễ rước dâu hàng trăm năm trước từ thương thuyền đến dinh thự gia đình thương nhân và hiện nay, được các nghệ sĩ hai nước xây dựng hình tượng trong vở nhạc kịch “Công nữ Anyo” trình diễn hồi tháng Chín vừa qua.

Đại sứ Nguyễn Phú Bình đi nhiều nơi dự các hoạt động kỷ niệm mối quan hệ sâu sắc giữa nhà yêu nước Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba ở tỉnh Shizuoka, nơi còn lưu lại tấm bia do cụ Phan Bội Châu tri ân bác sĩ Asaba - người dành bao nhiêu tâm huyết và tiền của giúp thanh niên Việt Nam du học Nhật trong phong trào Đông Du đầu thế kỷ XX.

Theo Đại sứ Nguyễn Phú Bình, bên cạnh Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt, ở Nhật Bản còn có các tổ chức hữu nghị khác, như Hội đồng hòa bình và phát triển Nhật - Việt (JVPF) do nguyên Thủ tướng Murayama Tomiichi thành lập năm 1999, có chi hội ở nhiều địa phương. Các hoạt động trọng tâm của Hội là gây quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, các địa phương nghèo và hỗ trợ học sinh nghèo ở Việt Nam du học Nhật Bản. Tổng thư ký Kamata Atsunoji và vợ là chị Trần Thị Tuyết là những thành viên tiêu biểu của Hội khi dành toàn bộ sức lực và tâm huyết cho các hoạt động giúp đỡ Việt Nam.

Qua câu chuyện và những chia sẻ của Đại sứ Nguyễn Phú Bình, có thể thấy rõ một Nhật Bản đậm chất “tình” với Việt Nam. Suốt 50 năm qua, như lời nhà ngoại giao kỳ cựu, chính những chính khách đáng kính ấy cùng nhiều người bạn khác nữa của Việt Nam bền bỉ cùng Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam, tạo dựng nên mối quan hệ mẫu mực mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đúc kết: “Chân thành, tình cảm, tin cậy, thực chất, hiệu quả!”.

Phương Hằng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mot-nhat-ban-dam-tinh-247544.html