Một nhịp đèn hơn 300 xe máy đi ngược chiều: Đừng để nhanh 1 phút, chậm nhiều cuộc đời!

Một nhịp đèn hơn 300 xe máy đi ngược chiều là thông tin đáng chú ý mới đây, tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình mất an toàn giao thông.

Theo phản ánh trên một số báo, tình trạng đi ngược chiều, vượt đèn đỏ đang rất phổ biến, khiến một số nút giao thông lớn tại Hà Nội lộn xộn, dị dạng và ùn tắc kéo dài. Nút giao thông Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) là nút giao lớn nhất Hà Nội (7 tuyến đường đổ vào - còn được gọi là ngã Bảy), có mật độ xe qua lại đông nhất và cũng đang được xem là nút giao có lượng xe máy vượt đèn đỏ, đi ngược chiều nhiều nhất.

Đánh giá lượng xe máy vi phạm (vượt đèn đỏ, đi ngược chiều) tại đây, đại diện Đội Cảnh sát giao thông số 4 - Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, có trên 300 xe máy vi phạm trên một nhịp đèn. Tình trạng này diễn ra hằng ngày, hằng giờ từ nhiều năm qua và không hề có dấu hiệu suy giảm. Vi phạm diễn ra tại Hà Nội – “trái tim” của cả nước, vùng đất của sự thanh lịch, văn minh thực sự là tình trạng khó có thể chấp nhận được.

Các vụ việc mất an toàn giao thông thời gian qua vẫn chủ yếu do ý thức người tham gia giao thông (Ảnh: An ninh thế giới)

Các vụ việc mất an toàn giao thông thời gian qua vẫn chủ yếu do ý thức người tham gia giao thông (Ảnh: An ninh thế giới)

Vượt đèn đỏ là hành vi mà người tham gia giao thông cố tình không dừng lại khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ, tiếp tục điều khiển phương tiện đi qua ngã tư hoặc giao lộ. Đây là một hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Giao thông đường bộ, làm nặng nề thêm tình trạng ùn tắc, xung đột giao thông, đặc biệt là tại những nút giao trọng điểm. Đặc biệt, vi phạm này có thể dẫn đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng. Nói cách khác, vượt đèn đỏ, nếu thành công người tham gia giao thông có thể nhanh được hơn vài chục giây tín hiệu đường giao thông. Còn nếu thất bại, là sẽ chậm cả đời…

Đây chỉ là một trong số rất nhiều vi phạm về an toàn giao thông - tình trạng vẫn luôn nhức nhối thời gian qua. Trong 9 tháng đầu năm 2024, theo số liệu của Văn phòng Bộ Công an, toàn quốc xảy ra 17.836 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.114 người, bị thương 13.385 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.506 vụ, giảm 829 người chết, tăng 2.413 người bị thương.

Cũng theo thống kê của cơ quan chức năng, có đến 95% số vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Trong đó, đi không đúng phần đường, làn đường, vi phạm quy tắc tránh vượt, chuyển hướng chiếm tỷ lệ hơn 30%; lấn trái đường gần 24%; thiếu chú ý quan sát, không đảm bảo khoảng cách an toàn chiếm hơn 29%; vi phạm tốc độ 3,8%...

Có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng "mạnh ai nấy đi" trên nhiều tuyến đường, đặc biệt ở các khu đô thị, các khu tập trung dân cư, nhất là vào những giờ cao điểm khiến tình trạng ùn tắc giao thông càng thêm trầm trọng. Nguyên nhân căn cốt nhất của tình trạng này vẫn là ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp chưa cao…

Tai nạn giao thông là nỗi lo thường trực mỗi khi bước chân ra đường, là nỗi ám ảnh với mỗi người, mỗi nhà. Có những người sáng ra khỏi nhà và buổi tối mãi mãi không trở về. Tai nạn giao thông khiến nhiều người tử vong khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội. Những nạn nhân của tai nạn giao thông, người mất, người mang thương tật, còn gia đình họ mãi mãi mang những nỗi đau không gì bù đắp được.

Để chung tay giảm thiểu những nỗi đau này, thiết nghĩ, trước hết, người tham gia giao thông cần coi mình là một công dân có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật giao thông với sự hiểu biết, tự nguyện và nghiêm túc. Người tham gia giao thông phải tìm hiểu những quy định của pháp luật giao thông, coi việc tôn trọng các luật như là một biểu hiện của nhân cách, của lối sống và là một thói quen trong sinh hoạt cộng đồng. Không chỉ tự mình thực hiện, mà phải nhắc nhở, giúp đỡ mọi người cùng thực hiện. Cần phải thấy các vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông là hành vi không đẹp, không nên tồn tại trong thời đại hiện nay.

Để tạo dựng văn hóa giao thông không thể trong ngày một, ngày hai mà cần sự kiên trì từ cả hai phía là cơ quan quản lý và người dân. Đặc biệt, ý thức của người dân là yếu tố quan trọng nhất. Bởi nếu như người dân vẫn có tư duy “lách luật” thì dù pháp luật có chặt chẽ đến đâu cũng vẫn sẽ có những “kẽ hở” cho hành vi vi phạm.

"Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” là chủ đề Năm An toàn giao thông 2024 đã đặt ra. Điều này một lần nữa đề cao ý thức của người tham gia giao thông. Vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, vi phạm nồng độ cồn… đều là những hành động hoàn toàn không nên có đối với những người tham gia giao thông. Để không còn tình trạng “nhanh một phút, chậm cả đời” khiến những nỗi đau về tai nạn giao thông mãi dai dẳng trong một xã hội văn minh như hiện nay.

Lan Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mot-nhip-den-hon-300-xe-may-di-nguoc-chieu-dung-de-nhanh-1-phut-cham-nhieu-cuoc-doi-364882.html