Một nông dân vượt khó vươn lên

Trên vùng kinh tế mới, sau gần 20 năm miệt mài nỗ lực, ông Hà Thông (người dân tộc T’rin, ở xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh) đã gây dựng được cơ ngơi khang trang, thu nhập ổn định; là một tấm gương vượt khó vươn lên.

Ông Hà Thông với đàn bò của gia đình.

Ông Hà Thông với đàn bò của gia đình.

Gần 20 năm trước, chàng thanh niên Hà Thông ở xã Cầu Bà đã chọn vùng đất Khánh Phú còn thưa thớt dân cư làm nơi lập nghiệp. Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, không quản ngại vất vả, ông vỡ đất, phát nương làm rẫy. Ban đầu ông Hà Thông trồng chuối, mì, rồi chuyển dần sang bưởi da xanh. Ngoài ra, ông còn kết hợp nuôi bò sinh sản. Để nuôi được bò sinh sản, ông tìm đến những hộ nuôi bò giỏi, cán bộ thú y học hỏi kỹ thuật chăn nuôi rồi về áp dụng. Nhờ thế, đàn bò phát triển từ vài con lên dăm bảy con, có lúc lên đến hàng chục con. Tuy nhiên, giai đoạn 2010 - 2015, giá bán bò giảm mạnh, người nuôi gần như không có lãi nên ông tạm dừng chăn nuôi bò để tập trung chăm sóc cây trồng. Trên khu vườn rẫy, ông chọn cây trồng chủ lực là bưởi da xanh. Vườn bưởi tươi tốt, cho trái đều đặn. Nhưng cũng như nhiều hộ dân trong vùng, cơn bão số 12 năm 2017 đã gây thiệt hại nặng nề vườn cây của gia đình. Lúc ấy vườn cây xơ xác, chăn nuôi không mấy hiệu quả nhưng ông vẫn nỗ lực gây dựng lại từ đầu.

Qua câu chuyện với ông, chúng tôi được biết, khi cơn bão số 12 đi qua, ông gây dựng lại từ đầu bằng cách trồng chuối, bắp, bưởi, ổi, mít, nhãn, bơ… và trồng keo ở những khu rẫy chưa chủ động được nước tưới với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Khi trồng trọt đã ổn định, cách đây 3 năm, ông đã gây dựng lại đàn bò sinh sản với cách làm bài bản hơn. Từ số tiền tích cóp nhiều năm và vay được 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Khánh Vĩnh, ông dồn hết vào việc mua bê cái giống Brahman và mua 1 con bò đực giống Angus để tạo đàn. Đến nay, gia đình ông có 9 con bò cái đang ở độ tuổi sinh sản. Những con bê nuôi khoảng 4 tháng đạt 100kg là xuất bán. Nhờ giống bò chất lượng, bê nhà ông bán được 15 triệu đồng/con, khá cao so với mặt bằng chung. Ông cũng dành hơn 7 sào rẫy để trồng cỏ voi và thử nghiệm một số diện tích trồng bắp sinh khối để đảm bảo chủ động nguồn thức ăn chất lượng cao cho đàn bò của mình. Trước đó, hệ thống chuồng trại đã được xây dựng và mở rộng với mục tiêu trong những năm tới, sẽ hình thành một trang trại nuôi bò với quy mô khoảng 20 con bò mẹ.

Giờ đây, giữa màu xanh cây cối, mái ngói đỏ tươi khang trang của ngôi nhà ông Hà Thông như nổi bật hơn minh chứng cho cuộc sống đủ đầy. Thu nhập từ nuôi bò sinh sản đạt cả trăm triệu đồng mỗi năm, chưa kể vườn bưởi 6 năm tuổi nay đã có trái đều đặn, ông cũng đã kịp trồng 2ha sầu riêng nay bước sang năm thứ 3 với kỳ vọng sẽ mang lại thêm thu nhập cho gia đình. Ông còn đi khắp các vùng nương rẫy ở Khánh Vĩnh để thu mua keo rồi thuê người chặt, bóc vỏ để nhập bán cho nhà máy. Tuy không nói ra con số cụ thể, nhưng thu nhập từ mô hình sinh kế đa dạng của gia đình ông Hà Thông nay đã đạt không dưới 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, vợ ông còn mở quán tạp hóa, quán bán đồ ăn sáng để có thêm thu nhập. “Mình phải cố gắng để con cái được học hành đàng hoàng, ăn uống đầy đủ. Nay cháu lớn học lớp 6, còn cháu nhỏ học lớp 4. Các cháu siêng học, thi thoảng còn giúp việc gia đình” - bà Cao Thị Kim Quy, vợ ông Hà Thông chia sẻ.

Bà CAO THỊ HUỲNH NHƯ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Phú: Gia đình ông Hà Thông là một điển hình trong nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, tham gia tích cực vào các phong trào nông dân trên địa bàn xã. Kinh tế ổn định, các con được chăm sóc, học hành đầy đủ, nhà cửa khang trang, ông cũng sẵn lòng giúp đỡ, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt với các hộ lân cận.

HỒNG ĐĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202409/mot-nong-dan-vuot-kho-vuon-len-5314aee/