Một nửa số dân Liban có nguy cơ thiếu lương thực
Hơn 50% dân số Liban có nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực vào cuối năm nay do vụ nổ tại cảng Beirut làm trầm trọng thêm những bất ổn tại quốc gia này. Ủy ban Kinh tế và xã hội khu vực Tây Á của Liên hợp quốc (ESCWA) đưa ra cảnh báo này ngày 30/8.
Trong một tuyên bố, ESCWA cho rằng hơn 50% dân số Liban có nguy cơ không được tiếp cận nguồn lương thực căn bản vào cuối năm nay. Nguyên nhân của tình trạng thiếu lương thực là do Liban phụ thuộc 85% vào việc nhập khẩu lương thực và vụ nổ lớn hôm 4/8 làm rung chuyển cảng Beirut, kho chứa ngũ cốc lớn nhất nước này, càng làm trầm trọng hơn tình hình vốn đang ở mức báo động.
Trước khi vụ nổ kinh hoàng xảy ra tại Beirut khiến 188 người thiệt mạng, 6.500 người bị thương và hàng chục nghìn người mất nhà ở, kinh tế Liban đã chìm trong khủng hoảng khi chính phủ không thể trả nợ, đồng nội tệ giảm giá mạnh và tỷ lệ nghèo đói gia tăng cùng với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành. ESCWA lưu ý giá đồng bảng Liban đã mất 78% giá trị và dự kiến tỷ lệ lạm phát trung bình hằng năm sẽ là hơn 50% trong năm nay so với 2,9% năm ngoái. Đầu tháng 8 này, cơ quan của Liên hợp quốc trên cho biết hơn 55% dân số Liban rơi vào cảnh nghèo đói.
Trước tình hình trên, Thư ký điều hành ESCWA Rola Dashti cho rằng nhà chức trách Liban cần lập tức áp dụng những biện pháp cần thiết để ngăn một cuộc khủng hoảng lương thực, như tăng cường giám sát giá lương thực, đảm bảo giá trần và khuyến khích các nhà sản xuất trong nước mua bán trực tiếp với người tiêu dùng. Bà Dashti cũng kêu gọi Chính phủ Liban ưu tiên tái thiết các kho chứa ngũ cốc tại cảng Beirut như một tài sản quốc gia giúp đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời khôi phục kho dược phẩm chính và đảm bảo nguồn cung liên tục các dược phẩm và vaccine cho những người dễ bị tổn thương nhất.