Một nửa thế giới không có nước uống an toàn

Một báo cáo mới cho thấy 4,4 tỷ người trên toàn thế giới không có nước uống an toàn, cao gấp đôi so với nhiều ước tính trước đây.

4,4 tỷ người phải dùng nước thiếu an toàn

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science cho thấy hơn một nửa dân số thế giới - khoảng 4,4 tỷ người - không thể tiếp cận nguồn nước uống được quản lý an toàn. Con số này cao gấp đôi ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2022.

 Khoảng 4,4 tỷ người trên hành tinh đang phải uống nước từ những nguồn kém an toàn hoặc ô nhiễm nặng. Ảnh: WHO

Khoảng 4,4 tỷ người trên hành tinh đang phải uống nước từ những nguồn kém an toàn hoặc ô nhiễm nặng. Ảnh: WHO

Tuy nhiên, báo cáo chỉ xem xét khả năng tiếp cận nước sạch ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nghĩa là con số này có thể sẽ lớn hơn nếu tính đến tình trạng tiếp cận nước sạch kém ở các nước có thu nhập cao hơn.

"Thông tin mà chúng tôi có chỉ ra tỷ lệ ô nhiễm rất cao", nhà nghiên cứu chính Esther Greenwood đến từ đại học ETH Zurich (Thụy Sĩ), cho biết.

Những con số mới này xuất phát từ những phương pháp tinh vi hơn để thu thập dữ liệu về ô nhiễm nước.

Nghiên cứu của Greenwood được tiến hành để lấp đầy những khoảng trống dữ liệu hiện có. Nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu vệ tinh và thông tin khảo sát hộ gia đình rồi phân tích bằng trí tuệ nhân tạo để xác định khu vực tiếp cận nguồn nước an toàn và không an toàn.

Nước uống không an toàn có nguy cơ gây ra nhiều bệnh truyền qua đường nước nghiêm trọng như bệnh tả, kiết lỵ, thương hàn và các bệnh ít nghiêm trọng hơn như norovirus. Để được coi là "quản lý an toàn", nước phải có sẵn khi cần, tại chỗ và không bị ô nhiễm, đồng thời được thiết kế để cung cấp một cách an toàn tới người dân.

Theo nghiên cứu, ngoài việc đại diện cho hơn một nửa dân số toàn cầu, 4,4 tỷ người không có nước uống an toàn còn chiếm tới hai phần ba số người sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Khả năng tiếp cận nước uống an toàn của người dân phụ thuộc vào tình hình địa lý, văn hóa xã hội và kinh tế tại địa phương cũng như quốc gia nơi họ sinh sống.

Người dân ở các vùng nông thôn nghèo thường gặp khó khăn lớn nhất trong việc tiếp cận nước sạch. Năm 2022, WHO ước tính rằng gần 500 triệu người trên toàn thế giới đang lấy nước từ các giếng, sông, ao và hồ không được bảo vệ.

Nam Á và châu Phi cận Sahara bị ảnh hưởng nhiều nhất

Nghiên cứu vừa công bố đã xem xét những tác động của con người và môi trường làm hạn chế khả năng tiếp cận nguồn nước an toàn trên 22 tiểu vùng địa lý của Liên Hợp quốc.

Ước tính 1,2 tỷ người sống trên khắp Ấn Độ, Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Iran, Maldives, Nepal, Pakistan và Sri Lanka - hơn một nửa dân số trong khu vực - không được sử dụng nước uống an toàn được quản lý.

 Hơn 80% người dân sống ở Châu Phi cận Sahara không thể tiếp cận nguồn nước được quản lý an toàn. Ảnh: WHO

Hơn 80% người dân sống ở Châu Phi cận Sahara không thể tiếp cận nguồn nước được quản lý an toàn. Ảnh: WHO

Nhưng Nam Á lại có kết quả tốt hơn những nơi khác nếu tính theo đầu người. Hơn 80% người dân sống ở châu Phi cận Sahara - khu vực có hơn 1,1 tỷ người - không thể tiếp cận nguồn nước sạch được quản lý.

Tương tự như vậy, các khu vực trên khắp Châu Đại Dương (trừ Úc và New Zealand) và Đông Nam Á, là những nơi có khoảng 75% dân số bị ảnh hưởng.

Theo nghiên cứu, khoảng một nửa dân số này có thể tiếp xúc với nước uống bị ô nhiễm, ít nhất là nhiễm vi khuẩn E.coli.

E.coli được nhóm nghiên cứu sử dụng như một chỉ số ô nhiễm chính, nó có liên quan đến các bệnh liên quan đến tiêu chảy và thường là kết quả của việc tiếp xúc với thực phẩm và nước bẩn. Trong khi người lớn khỏe mạnh thường chỉ gặp các triệu chứng nhẹ và hồi phục nhanh chóng, trẻ em và người già có nguy cơ bị suy thận và tử vong.

Nước bị nhiễm E.Coli đã gây ra đợt bùng phát norovirus ở Ý vào mùa hè này và khiến một số vận động viên bị ốm sau khi bơi ở sông Seine trong Thế vận hội Paris năm nay.

Chất gây ô nhiễm từ nước ngầm và công nghiệp

Vi khuẩn E. coli không phải là nguyên nhân duy nhất gây ô nhiễm nước. Nồng độ asen và florua cũng được sử dụng để theo dõi ô nhiễm hóa chất trong nước. Cả hai đều là những chất có trong tự nhiên và việc hấp thụ quá nhiều có thể gây độc.

 Con người đang đổ vào sông suối, ao hồ quá nhiều nước ô nhiễm. Ảnh: The Hill

Con người đang đổ vào sông suối, ao hồ quá nhiều nước ô nhiễm. Ảnh: The Hill

Một nghiên cứu năm 2023 ước tính khoảng 100 quốc gia bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm florua (vượt quá 1,5 mg/L) trong nước ngầm. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng 230 triệu người - chủ yếu ở châu Á - có nguy cơ ô nhiễm nước ngầm do nhiễm asen.

Trong khi hơn 80% ô nhiễm nước ngầm chứa florua và asen là do các quá trình địa chất, việc sử dụng hóa chất trong công nghiệp và đốt than cũng có thể góp phần gây nhiễm độc nguồn nước.

Nguyễn Khánh (theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mot-nua-the-gioi-khong-co-nuoc-uong-an-toan-post310080.html