Một nước châu Á đồng loạt loại bỏ máy bay chiến đấu MiG-21, MiG-29: Chuyện gì đang xảy ra?
Máy bay chiến đấu MiG-21 đã được Không quân Ấn Độ sử dụng từ năm 1963, tức cách đây gần 60 năm, nhưng chúng lại nổi tiếng với biệt danh 'quan tài bay'!
Ấn Độ loại biên toàn bộ phi đội MiG-21 và MiG-29
Truyền thông Ấn Độ cuối tuần qua đồng loạt đưa tin quân đội nước này đang triển khai kế hoạch cho “nghỉ hưu” toàn bộ phi đội máy bay chiến đấu MiG-21 và MiG-29 do Liên Xô chế tạo.
Theo lộ trình dự kiến, đến năm 2025, Không quân Ấn Độ sẽ loại biên toàn bộ 4 phi đội MiG-21, còn đến năm 2027 sẽ tiếp tục cho hạ cánh nốt 3 phi đội MiG-29.
Các phương tiện truyền thông Ấn Độ cho biết lãnh đạo cấp cao của Lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF) đã xây dựng một kế hoạch 3 năm và 5 năm tương ứng để thực hiện lộ trình thanh loại nêu trên.
Ngay trong tháng 9 này, phi đội MiG-21 đầu tiên sẽ phải hạ cánh và “nghỉ hưu sớm”. Một quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết: “Chúng tôi cũng đang có kế hoạch ngừng hoạt động phi đội MiG-29 và quá trình này sẽ bắt đầu trong 5 năm tới”.
Mỗi phi đội MiG-21 của Không quân Ấn Độ gồm có từ 17-20 chiếc. Tuy nhiên, hiệu suất của những chiếc máy bay này được đánh giá là rất kém cho dù chúng từng là trụ cột của IAF trong suốt một thời gian dài.
Vì đâu nên nỗi?
Các máy bay tiêm kích MiG-21 do Liên Xô chế tạo có trong biên chế của Không quân Ấn Độ hiện nay đang ở trong tình trạng không tốt. Chúng hầu hết đã lỗi thời và gần như không thể tiếp tục bảo trì.
Mặc khác, New Delhi được cho là đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào các máy bay chiến đấu từ thời Liên Xô hoặc của Nga. Giới chuyên gia Ấn Độ cho rằng quyết định cho MiG-21 nghỉ hưu không liên quan gì đến chiếc máy bay gặp nạn hôm thứ Năm tuần trước (28/7) ở Barmer, Rajasthan.
MiG-21 có một lịch sử quân sự phong phú trong tiến trình hoạt động tác chiến của IAF. Đây là máy bay chiến đấu đã từng được Ấn Độ huy động tham gia trong cuộc xung đột Kargil năm 1999 cũng như chiến dịch đẩy lùi đòn trả đũa của Pakistan ngày 27/2/2019. Là một phần của IAF, MiG-21 đã bắn hạ được một số máy bay chiến đấu của đối phương.
MiG-21 đã được Không quân Ấn Độ sử dụng từ năm 1963, tức cách đây gần 60 năm và chúng vẫn được gọi bằng biệt danh "quan tài bay" do từng xảy ra hàng loạt vụ tai nạn trong những thập kỷ vừa qua.
Máy bay chiến đấu MiG 21 của Không quân Ấn Độ nổi tiếng với những “trục trặc kỹ thuật” dẫn đến hàng trăm vụ tai nạn thảm khốc. Theo con số thống kê, hơn 200 người tử vong kể từ lần đầu tiên MiG-21 được đưa vào biên chế cho lực lượng vũ trang của nước này.
Dữ liệu chính thức cho thấy, hơn 400 máy bay MiG 21 đã bị rơi kể từ năm 1963, dẫn đến cái chết của hơn 200 phi công và 60 dân thường trong sáu thập kỷ qua.
Thảm kịch gần đây nhất liên quan đến việc chiếc MiG-21 đã cướp đi sinh mạng của hai phi công khi đang bay huấn luyện bị rơi ở Barmer, Rajasthan hôm thứ Năm tuần trước.
Ấn Độ đang trong quá trình cải tiến toàn diện khả năng tác chiến trên không cho các máy bay chiến đấu của mình. Ngoài việc sản xuất mẫu HAL TEJAS MK-1 và MK-2 nội địa, hai năm qua New Delhi đã triển khai một số thương vụ mua sắm ấn tượng trong lĩnh vực này.
Tiêu biểu cho chương trình này phải kể đến sự hiện diện của 36 máy bay chiến đấu Dassault Rafale mới hiện đang canh gác bầu trời Ấn Độ. Các chuyên gia quân sự dự đoán F/A-18 Super Hornet cũng sẽ thay thế MiG-29 trên các tàu sân bay của Ấn Độ. Ngoài ra, Ấn Độ vẫn tiếp tục sản xuất theo giấy phép máy bay Sukhoi Su-30MKI.
Một yếu tố không kém phần quan trọng khác là New Delhi đang chuẩn bị trang bị cho các lực lượng vũ trang của mình dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 tiên tiến đang được phát triển.
Dự án trị giá 5 tỷ đô la Mỹ nhằm phát triển một loại máy bay chiến đấu từ hạng trung đến hạng nặng đang được Ấn Độ đầu tư, New Delhi đặt hy vọng dòng máy bay chiến đấu này sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh không quân cho quốc gia châu Á này.