Một nước Đức mạnh và một châu Âu thống nhất

Là một trong những quốc gia giữ vị thế dẫn dắt châu Âu, chính sách quốc phòng và đối ngoại của Đức dưới thời Thủ tướng Friedrich Merz trở thành tâm điểm đáng chú ý, giữa lúc môi trường an ninh khu vực và thế giới nhiều biến động.

Bài viết của tác giả Bui Gia Ky đăng trên trang Modern Diplomacy ngày 23/7. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình)

Bài viết của tác giả Bui Gia Ky đăng trên trang Modern Diplomacy ngày 23/7. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình)

Vào tháng 2, ông Friedrich Merz được bầu làm Thủ tướng Đức trong bối cảnh nội bộ chính trường Berlin trải qua một số biến động và tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó đoán định. Xung đột Ukraine kéo dài đã gần bốn năm, đẩy giá hàng hóa lên mức cao chưa từng có, cùng chi phí năng lượng tăng nhanh khi Nga là nhà cung cấp chính cho các nước châu Âu và chính Berlin nhập khẩu tới 60% nguồn năng lượng từ Moscow.

Mặt khác, sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, thương chiến Mỹ-Trung có dấu hiệu leo thang và quan hệ xuyên Đại Tây Dương chứng kiến nhiều xung đột khi Tổng thống Mỹ yêu cầu các đồng minh chi từ 3-5% GDP cho quốc phòng, gây chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia Liên minh châu Âu (EU). Trước bối cảnh đó, chủ trương cứng rắn từ Thủ tướng Friedrich Merz đã gợi mở hướng đi cho chính sách đối ngoại và quốc phòng của Berlin trong những năm tới.

Quân đội mạnh nhất châu Âu

Hồi tháng 5, phát biểu tại Quốc hội Liên bang, Thủ tướng Friedrich Merz khẳng định mục tiêu xây dựng “quân đội mạnh nhất châu Âu”, thể hiện quyết tâm đưa Đức thoát khỏi khủng hoảng chính trị nội bộ và đối phó với các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có xung đột Ukraine. "Với nước đông dân nhất và nền kinh tế mạnh nhất châu Âu, mục tiêu này hoàn toàn bình thường. Bạn bè và đối tác kỳ vọng điều này ở chúng ta, hay nói đúng hơn là họ yêu cầu chúng ta đạt mục tiêu này", nhà lãnh đạo Đức cho biết.

Để hiện thực hóa tham vọng, ông Merz tuyên bố chi tới 1.000 tỷ Euro cho quốc phòng và hạ tầng. Chính phủ Berlin còn lên kế hoạch mua 2.500 xe chiến đấu bộ binh GTK Boxer và 1.000 xe tăng chủ lực Leopard 2 với tổng trị giá 25 tỷ Euro. Việc này nhằm tháo gỡ sức ép ngày càng lớn từ Nga, trong bối cảnh năng lực chiến đấu Ukraine có dấu hiệu suy giảm và Tổng thống Donald Trump giảm viện trợ Kiev.

Hiện nay, Đức có 185.000 binh sĩ tại ngũ và hơn 34.000 quân dự bị, con số này chưa đủ để xây dựng lực lượng quân sự mạnh nhất châu Âu. Hồi tháng 4, Berlin triển khai 5.000 binh sĩ tới Lithuania, quốc gia có chung đường biên giới với Nga, qua đó đánh dấu lần đầu tiên kể từ Thế chiến 2, nước này triển khai quân thường trực ra nước ngoài.

Chuẩn tướng Christoph Huber, Tư lệnh lữ đoàn thiết giáp số 45 tuyên bố, với sự hình thành của đơn vị này, Đức không chỉ củng cố năng lực sẵn sàng chiến đấu, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm và phục vụ mục tiêu “vì liên minh, vì Lithuania, vì an ninh châu Âu”.

Để hiện thực hóa tham vọng "quân đội mạnh nhất châu Âu", Thủ tướng Merz tuyên bố chi tới 1.000 tỷ Euro cho quốc phòng và hạ tầng. (Nguồn: AP)

Để hiện thực hóa tham vọng "quân đội mạnh nhất châu Âu", Thủ tướng Merz tuyên bố chi tới 1.000 tỷ Euro cho quốc phòng và hạ tầng. (Nguồn: AP)

Khôi phục một EU thống nhất

EU đang tồn tại một số bất đồng giữa các nước thành viên. Nhiều quốc gia Đông Âu phản đối hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine. Trong khi đó, các nước như Anh, Pháp, Đức và Italy duy trì viện trợ và củng cố năng lực chiến đấu cho Kiev. Hướng tới một liên minh thống nhất, quan hệ Pháp-Đức sẽ đóng vai trò hạt nhân, gắn kết các nước châu Âu trên một lộ trình hợp tác nhất quán hơn.

Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Merz tuyên bố rằng ưu tiên hàng đầu là “xây dựng sự đoàn kết và tăng cường vai trò, vị thế và sức mạnh của các quốc gia châu Âu nhằm từng bước giảm phụ thuộc vào Mỹ”. Tuyên bố này không chỉ ám chỉ Mỹ mà còn cả Nga. Một châu Âu đoàn kết sẽ tạo sức ép lên chính quyền Tổng thống Vladimir Putin trong việc xuống thang căng thẳng với Ukraine.

Ngày 7/5, Thủ tướng Friedrich Merz thực hiện chuyến thăm chính thức tới Pháp trong lần công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Tại cuộc họp báo chung, ông Merz khẳng định hai bên sẽ “triển khai các biện pháp chung nhằm tăng cường năng lực an ninh và quốc phòng của châu Âu”. Sự kiện này cho thấy, chính sách đối ngoại của Berlin dưới thời Thủ tướng Merz nhằm củng cố quan hệ giữa các thành viên EU và NATO. Trong đó, quan hệ Pháp-Đức có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy lợi ích chung, đảm bảo an ninh cho cả hai quốc gia cũng như toàn châu lục.

Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tháng 7, Thủ tướng Đức tái khẳng định ủng hộ dự án Hệ thống máy bay chiến đấu tương lai (FCAS). Đây là sáng kiến phát triển vũ khí chung duy nhất giữa Paris và Berlin nhằm giảm phụ thuộc vào vũ khí từ Washington. Ông Merz nhấn mạnh, việc phát triển FCAS sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu. Tuy nhiên, dự án này chịu nguy cơ đổ vỡ khi Tập đoàn Dassault (Pháp) tuyên bố sẽ phát triển độc lập trong giai đoạn hai của dự án.

Như vậy, giữa môi trường an ninh khu vực và thế giới nhiều biến động phức tạp, chính sách quốc phòng của Thủ tướng Friedrich Merz tập trung củng cố hệ thống quân đội, với tham vọng xây dựng lực lượng mạnh nhất châu Âu. Trong khi đó, chính sách đối ngoại hướng tới việc khôi phục một châu Âu thống nhất, hàn gắn bất đồng nội bộ xung quanh vấn đề Ukraine, trong đó quan hệ Pháp-Đức đóng vai trò nòng cốt trong đảm bảo lợi ích chung cho toàn khu vực.

(theo Modern Diplomacy)

Xuân Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mot-nuoc-duc-manh-va-mot-chau-au-thong-nhat-322200.html