Quân đội Ukraine đã chiếm được một tổ hợp tác chiến điện tử (EW) Borisoglebsk-2 cực kỳ hiện đại của Nga, theo nhận xét, điều này sẽ giúp họ giải mã được khá nhiều bí mật.
Truyền thông Ukraine cho biết, đơn vị bắt được hệ thống EW Borisoglebsk-2 nói trên là Lữ đoàn Xung kích Miền núi số 10, tuy nhiên chưa rõ diễn biến cụ thể vì sao tổ hợp này lại rơi vào tay họ.
Vấn đề nữa cần lưu ý đó là tổ hợp Borisoglebsk-2 hoàn chỉnh bao gồm khí tài đặt trên 9 xe bọc thép bánh xích MT-LB, bởi vậy nó được gọi là hệ thống tác chiến điện tử phức tạp nhất thế giới.
Mặc dù chỉ bắt giữ được một phần của tổ hợp EW tối tân này nhưng có lẽ các kỹ sư quân sự Ukraine cũng như đối tác NATO của họ vẫn sẽ khai thác được không ít bí mật trong khí tài tác chiến của Nga.
Borisoglebsk-2 là hệ thống tác chiến điện tử phức hợp đa năng, được thiết kế bởi các kỹ sư của tập đoàn Rostec - một bộ phận không thể thiếu của hệ thống thông tin, chỉ huy và điều hành tích hợp (C4I) của Quân đội Nga.
Hệ thống này sẽ được trang bị cho đại đội tác chiến điện tử trong thành phần các lữ đoàn bộ binh cơ giới. Tổ hợp có khả năng thực hiện do thám điện tử, gây nhiễu làm đối phương lập tức "câm", "điếc" và "mù".
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin Sputnik, ông Daniel Gatilov- đại diện Tổng công ty Chế tạo máy, hợp nhất các cơ cấu nghiên cứu sản xuất công nghiệp điện tử hàng đầu ở Nga, cho biết:
"Tổ hợp Borisoglebsk-2 của chúng tôi là sản phẩm hứa hẹn trở thành nền tảng kỹ thuật cho các đơn vị tác chiến điện tử của Lực lượng vũ trang Nga. Nhiệm vụ của nó là tìm kiếm và vô hiệu các nguồn, kênh liên lạc vô tuyến, điện thoại di động của đối phương".
"Tổ hợp vừa tìm phương vô tuyến các nguồn từ mặt đất, vừa phát hiện liên lạc điện tử ở khoảng cách hơn 20 km. Xét về tính năng kỹ thuật và gây nhiễu điện tử, hiện nay Borisoglebsk-2 không có sản phẩm cạnh tranh ở Nga cũng như nước ngoài".
Trên chiến trường Syria, Nga cho biết với phạm vi quét mảng rộng, Borisoglebsk-2 có thể gây nhiễu và vô hiệu hóa khả năng tiến hành các chiến dịch đặc biệt của Mỹ và đồng minh, chế áp hoặc cắt đứt hoàn toàn hệ thống thông tin liên lạc của phiến quân IS.
Ngoài chức năng gây nhiễu hiệu quả, chức năng bảo vệ cực mạnh của Borisoglebsk-2 khiến giới chuyên gia quân sự Mỹ và phương Tây đặt cho nó biệt danh "ô điện tử".
Để thực hiện chức năng này, Borisoglebsk-2 sẽ tiến hành các hoạt động ngăn chặn, vô hiệu hóa tín hiệu định vị vệ tinh GPS mà Mỹ và NATO dùng để dẫn đường cho tên lửa hành trình, bom thông minh và nhiều loại vũ khí khác.
Nhờ đó, Borisoglebsk-2 có thể tạo ra một khu vực an toàn, hay nói cách khác là một chiếc ô bảo vệ, với bán kính lên đến 150 km cho các đơn vị tác chiến phòng không của Nga hoạt động, bất chấp các biện pháp chế áp điện tử của đối phương.
Tổ hợp Borisoglebsk-2 gồm 1 trạm kiểm soát tự động R-330KMV, thực hiện nhiệm vụ giám sát và điều phối hoạt động của nhiều thiết bị bảo vệ và gây nhiễu khác nhau như R-378BMV, R-330BMV, R-934BMV, R-325UMV.
Giới chuyên gia quân sự phương Tây cũng thừa nhận Borisoglebsk-2 do Nga sản xuất là một trong những hệ thống tác chiến điện tử hiện đại và phức tạp nhất thế giới hiện nay.
Bạch Dương