Một phản ứng quyết đoán của Mỹ trước việc Trung Quốc tăng cường năng lực không quân
Khi Trung Quốc tiến gần đến việc vận hành đầy đủ các nền tảng thế hệ thứ sáu, bất kỳ sự tụt hậu nào của Mỹ về năng lực không quân có thể dẫn đến việc mất quyền tiếp cận các khu vực tiền phương quan trọng. Do đó, việc đưa F-47 vào biên chế không chỉ là bước nhảy vọt về công nghệ, mà còn là một yêu cầu chiến lược thiết yếu.

Hình ảnh mô phỏng chính thức của F-47 và đồ họa do Tướng David Allvin, Tư lệnh Không quân Mỹ chia sẻ trên mạng xã hội X, Ảnh: Không quân Mỹ
Chuyên trang quân sự armyrecognition.com ngày 4/7 dẫn thông thông tin do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố cuối tháng 6/2025 cho biết Washington đã tái khẳng định cam kết chiến lược trong việc duy trì ưu thế trên không bằng việc phân bổ 3,5 tỷ USD trong ngân sách quốc phòng năm 2026 cho nền tảng Thế hệ Tiếp theo Thống trị Không gian (Next Generation Air Dominance - NGAD) - máy bay chiến đấu F-47. Khoản đầu tư lớn này bao gồm 2,6 tỷ USD từ ngân sách chi tiêu chủ động và thêm 900 triệu USD trong dự luật điều chỉnh ngân sách đang chờ được Quốc hội Mỹ thông qua.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã xác nhận con số mới cập nhật này vào ngày 10/6 trong phiên điều trần trước Tiểu ban Quốc phòng thuộc Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện, cùng với việc nhấn mạnh rằng F-47 là nền tảng chủ chốt của sức mạnh không quân tương lai của Mỹ cũng như khả năng triển khai lực lượng toàn cầu. Mặc dù được mô tả là bước đi đầu tiên trong nhiều biện pháp then chốt để duy trì ưu thế trên không, nhưng các chi tiết cụ thể liên quan vẫn chưa được tiết lộ và bảng phân tích chi tiết ngân sách cũng chưa được công bố.
F-47, do tập đoàn Boeing phát triển, được thiết kế như một nền tảng chiến đấu đa nhiệm thế hệ thứ sáu nhằm thay thế chiến đấu cơ F-22 Raptor và đóng vai trò trung tâm trong hệ sinh thái tác chiến trên không mới. Chiến đấu cơ này tích hợp khả năng tàng hình tăng cường, trang bị động cơ chu trình thích ứng và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, có khả năng chỉ huy và kiểm soát liền mạch các thiết bị bay không người lái (UAV) chiến đấu đồng hành (Collaborative Combat Aircraft - CCA). Các UAV kiểu CCA này sẽ mở rộng năng lực tác chiến của F-47, cho phép nó triển khai các cảm biến, thiết bị tác chiến điện tử và vũ khí chính xác trong môi trường đe dọa cao, bảo đảm khả năng sống sót và tối đa hóa khả năng tấn công.
Theo armyrecognition.com, động lực chiến lược thúc đẩy sự phát triển này là việc Trung Quốc nhanh chóng triển khai các máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của riêng mình: Chengdu J-36 và Shenyang J-50. Từ các thông tin tình báo và hình ảnh xác thực gần đây có thể thấy cả hai loại chiến đấu cơ này của Trung Quốc đã có nguyên mẫu tiên tiến và đang trải qua các cuộc thử nghiệm trên mặt đất cũng như trên không với tần suất baytương đối dầy từ cuối năm 2024. Trong đó, J-36 có thiết kế ba động cơ và cánh tam giác kép không đuôi, tối ưu hóa cho khả năng tàng hình, hoạt động tầm xa và phối hợp với các thiết bị bay không người lái. Theo các thông tin đăng tải trên truyền thông, chiến đấu cơ này tích hợp các hệ thống tác chiến điện tử tinh vi và có thể cả công nghệ phòng thủ bằng laser. Trong khi đó, J-50 có thiết kế cánh lambda không đuôi, trang bị động cơ đôi điều hướng lực đẩy và cấu trúc nhỏ gọn phù hợp với tàu sân bay, cho thấy tham vọng của Trung Quốc triển khai các nền tảng thế hệ thứ sáu trên tàu sân bay trong tương lai, qua đó mở rộng đáng kể phạm vi tấn công trên biển.

Máy bay chiến đấu J-36 của Trung Quốc xuất hiện trên bầu trời ở thành phố Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh cắt từ clip
Những diễn biến này đã thúc đẩy một sự điều chỉnh chiến lược trong Bộ Quốc phòng Mỹ, với việc F-47 được định hình là biện pháp đối phó trực tiếp. F-47 được thiết kế ngay từ đầu để hoạt động trong các môi trường chống tiếp cận/chống xâm nhập (Anti-Access/Area-Denial - A2/AD), tận dụng khả năng tàng hình vượt trội và năng lực xâm nhập sâu để thách thức ưu thế không quân của Trung Quốc trên khắp khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Máy bay sẽ sử dụng hệ thống kỹ thuật số nguyên bản và hỗ trợ phi công bằng trí tuệ nhân tạo (AI) để đưa ra quyết định lập tức trong môi trường chiến đấu phức tạp, giàu cảm biến. Công nghệ động cơ lai của F-47 cũng sẽ giúp chiến đấu vơ này có tầm hoạt động xa hơn, quản lý nhiệt tốt hơn với tốc độ cao, mở rộng thời gian hoạt động và phạm vi tác chiến vượt xa các máy bay thế hệ thứ năm.
Trọng tâm trong khái niệm tác chiến của F-47 là khả năng hoạt động như trung tâm của một mạng lưới phân tán các tài sản chiến đấu, chỉ huy các CCA đồng thời truyền tải thông tin tình báo và dữ liệu mục tiêu qua một hệ thống đám mây chiến trường bảo mật. Khả năng này không chỉ vô hiệu hóa các mối đe dọa từ các máy bay tiên tiến của Trung Quốc mà còn ngăn cản Không quân Trung Quốc (PLAAF) phối hợp hiệu quả trong chính mạng lưới tác chiến của họ. Trái ngược với sự chưa được kiểm chứng về khả năng tương tác của J-36 và J-50, F-47 đang được thiết kế để tích hợp liền mạch với các hệ thống của NATO và các đồng minh, mang lại lợi thế quyết định trong chiến tranh liên minh.
Vai trò của F-47 trong việc duy trì quyền tự do hành động của Mỹ cũng quan trọng không kém. Trong bất kỳ kịch bản xung đột nào liên quan đến Đài Loan hoặc các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, khả năng thiết lập và duy trì ưu thế trên không sẽ mang tính sống còn. Khi Trung Quốc tiến gần đến việc vận hành đầy đủ các nền tảng thế hệ thứ sáu, bất kỳ sự tụt hậu nào của Mỹ về năng lực không quân có thể dẫn đến việc mất quyền tiếp cận các khu vực tiền phương quan trọng. Do đó, việc đưa F-47 vào biên chế không chỉ là bước nhảy vọt về công nghệ, mà còn là một yêu cầu chiến lược thiết yếu.
Ở cấp độ công nghiệp, chương trình phát triển F-47 tận dụng mạng lưới các nhà thầu đã có kinh nghiệm với F-35 và B-21, áp dụng các bài học về thiết kế mô-đun, mô hình hóa kỹ thuật số (digital twinning) và kiến trúc mở để đẩy nhanh quá trình phát triển và giảm chi phí vòng đời. Khi Lầu Năm Góc chuẩn bị đưa F-47 vào sản xuất hàng loạt trong thập kỷ tới, vai trò của nó đã rõ ràng: đảm bảo ưu thế không quân của Mỹ không bị thách thức, ngay cả khi các đối thủ ngang tầm triển khai các hệ thống tiên tiến mới.
Khoản đầu tư 3,5 tỷ USD vào chương trình F-47 là phản ứng quyết đoán trước khả năng không quân đang tăng tốc của Trung Quốc. Nó phản ánh nhận thức của Lầu Năm Góc rằng ưu thế trên không vẫn là yếu tố then chốt đối với mọi lĩnh vực chiến tranh và nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của việc duy trì vị thế dẫn đầu trước các mối đe dọa mới nổi. Khi các chiến đấu cơ thế hệ sáu của Trung Quốc là J-36 và J-50 tiếp tục phát triển, F-47 không chỉ được thiết kế để ngang tầm với chúng, mà còn để đảm bảo rằng Mỹ duy trì quyền kiểm soát bầu trời — và cán cân quyền lực toàn cầu — trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai.