Một phát ngôn không khách quan với lịch sử
Việc Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu không khách quan về việc Việt Nam từng giúp Campuchia lật đổ chế độ Khmer Đỏ đã gây bất bình ở cả hai nước láng giềng.
Lễ khánh thành tượng đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia
Phát biểu phi lý
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La và trên trang mạng cá nhân hôm 31/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng, Việt Nam đã “xâm lược”, “chiếm đóng” Campuchia. Đây là một điều gây bất ngờ, bởi phát biểu được đưa ra vào thời điểm quan hệ giữa Việt Nam với Singapore phát triển rất tốt đẹp và hoàn toàn không đúng với sự thật lịch sử.
Trước phát biểu của người đứng đầu chính phủ Singapore, Việt Nam đã trao đổi với Bộ Ngoại giao Singapore về vấn đề này. Trong bối cảnh Việt Nam – Singapore đã có quan hệ đối tác chiến lược từ nhiều năm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lên tiếng rất kiềm chế, nhưng kiên quyết, hôm 3/6: “Đóng góp và hy sinh của Việt Nam trong việc cùng nhân dân Campuchia chấm dứt tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ là sự thật đã được thừa nhận rộng rãi. Ngày 16/11/2018, Tòa án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) đã ra phán quyết về tội ác diệt chủng chống nhân loại của Khmer Đỏ.
Phán quyết đã phản ánh khách quan sự thật lịch sử, thực thi công lý, trả lại công bằng cho các nạn nhân, được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế hoan nghênh”.
Bà Hằng cũng cho rằng phát biểu của ông Lý Hiển Long đã ảnh hưởng sâu sắc đến tình đoàn kết trong khối ASEAN.
Tội ác bị phán xử
Tội ác của Khmer Đỏ hoàn toàn được kiểm chứng bởi những nạn nhân còn sống sót ở Việt Nam và Campuchia. Vẫn còn nguyên khu tưởng niệm Ba Chúc tại thị trấn Tri Tôn, tỉnh An Giang của Việt Nam, nơi tháng 4/1975 Khmer Đỏ đã thảm sát hơn 3.000 người Việt. Vẫn còn nguyên di tích bảo tàng Toul Sleng ở Phnom Penh nơi Khmer Đỏ biến trường học thành nhà tù, giam giữ, tra tấn tàn bạo và giết chết khoảng 17.000 người Campuchia, chỉ còn 14 người bị giam ở đó sống sót.
Những bức tường xếp bằng sọ người cả hai nơi, những vệt máu hay dụng cụ tra tấn còn lại, những hình ảnh tra tấn tàn bạo đến khó tin của Khmer Đỏ vẫn được giữ nguyên tại Ba Chúc, Tuol Sleng hay các nơi khác ở Campuchia. Chính những người dân và các quan chức chính phủ Campuchia đã gọi quân đội Việt Nam là “đội quân nhà Phật”, là “vị cứu tinh” giúp lật đổ Khmer Đỏ, cứu thoát dân tộc Campuchia. Lịch sử đó là điều không thể phủ nhận.
Thực ra, trong những năm 1980, đã có những hiểu lầm của cộng đồng quốc tế về mục đích của Việt Nam khi đưa quân vào Campuchia tiêu diệt Khmer Đỏ. Những hiểu lầm đó xảy ra từ sự chi phối của một số nước lớn trên bàn cờ địa chính trị quốc tế, cũng do Việt Nam bị kiềm tỏa về ngoại giao hoặc chưa hoàn toàn chủ động trong việc đưa thông tin đến với cộng đồng quốc tế.
Song sự thật lịch sử đã dần được làm sáng tỏ để cộng đồng quốc tế công nhận sự hy sinh lớn lao của Việt Nam, và cách đây chưa quá lâu, là việc ECCC lần đầu tiên phán quyết Khmer Đỏ phạm tội diệt chủng, tuyên án chung thân với cựu lãnh đạo Khmer Đỏ Nuon Chea, 92 tuổi và Khieu Samphan, 87 tuổi vì diệt chủng người Chăm theo đạo Hồi và người Việt.
Tòa án LHQ đã có phán quyết đầy tính lịch sử với thế giới và công lý quốc tế, chẳng lẽ ông Lý Hiển Long vẫn suy nghĩ với góc nhìn định kiến của hơn 30 năm về trước?
Và chẳng lẽ ông không thấy rằng, khác với việc 30 năm trước bị hiểu lầm, ngày nay Việt Nam đã tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình quốc tế, và chỉ trong vài ngày tới, Đại hội đồng LHQ sẽ bỏ phiếu cho 5 vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 - 2021, trong đó Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương. Những đóng góp của Việt Nam với cộng đồng quốc tế đã làm gia tăng mạnh mẽ uy tín, vai trò của Việt Nam trên thế giới.
Nỗi đau của nạn nhân
Trong bài viết ngày 3/6, nhà phân tích chính trị Campuchia Leap Chanthavy đã cáo buộc Thủ tướng Lý Hiển Long là “không tôn trọng các nạn nhân của Khmer Đỏ và những người từng hy sinh mạng sống của họ để lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ”.
Ông tiếp tục cáo buộc rằng Singapore “đã công nhận một nhà nước xấu xa, một cỗ máy giết chóc”, Singapore chỉ quan tâm đến “hòa bình cho riêng mình, hòa bình của 5 thành viên ban đầu của ASEAN” bằng cách “phớt lờ nửa kia của Đông Nam Á, những nước đã bị đẩy vào bể máu trong thời chiến”.
Theo ông Chanthavy, bình luận của ông Lý Hiển Long đã “đụng chạm sâu sắc đến vết thương của Campuchia bằng cách khuấy lên những ký ức, khi mà chính phủ Singapore tự nhận mình là đạo đức lại chưa bao giờ lên án cuộc diệt chủng tự động mà Khmer Đỏ tiến hành”.
Nhà phân tích chính trị người Campuchia mời các nhà lãnh đạo Singapore thăm Bảo tàng Diệt chủng Toul Sleng và khu mộ tập thể Cheung Ek cũng như những cánh đồng chết, “nếu họ vẫn nghĩ rằng cuộc diệt chủng chỉ là bịa đặt”.
Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh hôm 4/5 cho biết, ông đã thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen về phát biểu của ông Lý Hiển Long. Trong trao đổi, ông đề nghị người đồng cấp Singapore yêu cầu Thủ tướng của họ phải cải chính.
Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia nhấn mạnh, phát biểu của ông Lý là “không chấp nhận được” và nếu lực lượng của ông Heng Samrin không liên minh với người Việt Nam, thì người Campuchia đã không sống sót. “Quân tình nguyện Việt Nam đã đến giải phóng nhân dân chúng tôi. Chúng tôi coi họ như những vị cứu tinh - điều đó rất có ý nghĩa với chúng tôi” - ông nói: “Chúng tôi biết ơn vì những gì họ đã giúp đỡ”.
Trước đó, Nghị sĩ Hun Many của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) nói, ông vô cùng ngạc nhiên với phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
“Cho dù đó là quan điểm về lợi ích quốc gia hay địa chính trị thực tiễn vào thời điểm đó, không ai nên bỏ qua hoặc quên đi sự tàn bạo và những tội ác chống lại loại người, đặc biệt là cuộc diệt chủng mà chế độ Khmer Đỏ gây nên” - trích lời ông Hun Many. “Trong khi người ta chơi trò chơi chính trị, người Campuchia đã cầu nguyện được giúp đỡ. Chúng tôi muốn được cứu sống khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Sự giúp đỡ đến từ đảng CPP với sự hỗ trợ của nước láng giềng Việt Nam” – ông Hun Many khẳng định.