Một phức cảm của hai chiều cảm xúc
Tôi vừa nhận được tập ký - phê bình 'Lòng chưa cạn đêm sâu' trong buổi ra mắt tác phẩm này của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh tại Thư viện Đà Nẵng. Mới nhìn qua, với tôi thì bìa và trình bày bìa cũng như phụ bản đẹp, lạ, độc đáo.
Nếu không đọc thấu ý đoạn trích từ bài thơ “Ngõ hẹp” của Nguyễn Ngọc Hạnh ở đầu sách: “ngõ hẹp dần/ lối mòn cũng nhỏ dần/ mòn ánh trăng khuya/ cong vút lưỡi liềm/ rơi xuống/ chạm ngõ nhà em/ tôi đã mòn/ và đời thôi đã hẹp/ lối nhỏ dần nhỏ dần/ lấp khuất/ ngày thì xa mờ mịt/ chỉ lòng tôi chưa cạn đêm sâu” thì đúng là thật khó hiểu được ý của tác giả muốn gửi gắm trong cái tựa của tập sách.
Đúng là tên tập sách đẹp như một câu thơ như nhận xét của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Tổng biên tập Tạp chí Non Nước trong phần giao lưu với tác giả. Tôi rất thích và trân trọng “Lòng chưa cạn đêm sâu” ngay từ “cái nhìn” đầu tiên ấy.
Phần Một gồm 28 bài ký, tản văn của Nguyễn Ngọc Hạnh viết về quê nhà, về bạn bè, về đồng nghiệp… Tôi thì thích và quan tâm nhất là những bài viết về quê nhà, phần viết về bạn bè, đồng nghiệp, do chưa có thời gian tôi mới chỉ để ý đến những bài về nhạc sĩ Thái Nghĩa, quê ở Điện Bàn; về doanh nhân đặc biệt - làm thơ; người nói lái nhanh nhảu và đa tài Huỳnh Văn Chính; nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo; nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha; về điêu khắc gia Phạm Văn Hạng… một phần vì họ quá nổi tiếng, một phần vì có ít nhiều quan hệ với tôi trong những năm tháng làm việc.
Qua đó tôi cũng tìm thấy nhiều thi vị qua góc nhìn, mô tả và nhận định của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Một cách nhìn chân tình, sâu lắng khi viết về các nhân vật thân quen trong tập sách này. Đọc “Lòng chưa cạn đêm sâu”, chúng ta dễ thấy hiện lên một Nguyễn Ngọc Hạnh là người quá đỗi thân thương. Mỗi một nhân vật trong tập sách đều nặng một chữ tình.
Cái tình của họ với cuộc đời này; và cái tình của Nguyễn Ngọc Hạnh đối với họ (Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Tư Thiện, Trần Khắc Tám, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Văn Long, nhạc sĩ Thái Nghĩa, Diệp Chí Huy, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng...) tràn đầy chan chứa yêu thương.
Các bài viết về quê nhà của Nguyễn Ngọc Hạnh sao mà gần gũi, thân thương đến lạ lùng. Đọc mà cảm nhận như người viết cũng hiểu được tâm tình của mình về quê hương, như tuổi thơ với bao ký ức hằn sâu, như gắn với máu thịt của mình vậy.
Càng đọc tôi luôn càng tự hỏi “Sao mà Nguyễn Ngọc Hạnh có thể hiểu chúng ta đến thế nhỉ”, anh đã nói thay nhiều người xa quê bằng tâm trạng của chính mình. Thì ra, Nguyễn Ngọc Hạnh là người Đại Lộc, quê ngoại Gò Nổi Điện Bàn, có thời gian sống ở Vĩnh Điện, và bây giờ anh đang ở Đà Nẵng như tôi. Tôi thì quê làng Bất Nhị, Điện Phước, có thời gian học ở Vĩnh Điện, Điện Bàn, vùng đất này gắn bó máu thịt, đâu dễ gì quên.
Có phải vì thế mà trong các bài ký “Một ngày quê mẹ”, “Buôn gánh”... cứ phảng phất cái không gian đằm thắm, thân quen đến lạ thường. Với giọng văn giàu cảm xúc của một nhà thơ, Nguyễn Ngọc Hạnh đã cuốn hút tôi, đưa tôi trở về với cái làng quê thân thuộc ấy.
Tôi rất tâm đắc ý với nhận xét của nhà thơ Thái Thăng Long: “Nguyễn Ngọc Hạnh sinh ra là để viết về cái làng quê, nơi mình sinh ra”. “Cái làng ấy ra đi cùng tôi/ Mà tôi nào hay biết/ Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết/ Con sông quê bóng núi cứ chập chờn”. “Một ngày quê mẹ”, “Về quê”, “Không đâu bằng chốn quê nhà, “Buôn gánh” là cảm xúc rất thật, rất dạt dào, day dứt về làng xưa, là “Ký ức quê nhà”, là hoài niệm khôn nguôi về làng quê nội Đại Hồng với bánh tráng đặc sản, lòn bon ăn hoài mệt nghỉ; với quê mẹ Bảo An, dâu tằm dệt lụa, phù sa màu mỡ, phong cảnh hữu tình… như câu ca dao “Cây đa mô cao bằng cây da Bàn Lãnh/ Đất mô thanh cảnh bằng đất Bảo An”, với con sông Vu Gia, Thu Bồn huyền thoại…
Gần nửa tập sách còn lại là những bài viết về Nguyễn Ngọc Hạnh của những nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ tên tuổi ở khắp mọi miền đất nước như Thanh Quế, Ngô Minh, Bùi Văn Tiếng, Du Tử Lê, Trần Dzạ Lữ, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Huỳnh Văn Hoa, Thanh Thảo, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Nhã Tiên, Trần Trung Sáng, Hồ Sĩ Bình...
Phải là một con người biết trang trải, rộng mở lòng mình; phải là một con người biết nghĩ, biết sống vì người khác; phải là một con người biết trọng, biết yêu cái đẹp đắm say, Nguyễn Ngọc Hạnh mới nhận được nhiều tình cảm của anh em bạn bè như thế. Thật đáng trân trọng, nói như nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha trong lời mở đầu: “Người viết về mình cũng hết lòng. Mình viết về người cũng hết lòng. Bởi vậy “Lòng chưa cạn đêm sâu” đã để lại một phức cảm của hai chiều cảm xúc khiến người đọc cảm thấy quý mến, gần gũi Nguyễn Ngọc Hạnh hơn khi cầm trên tay cuốn sách này.
Cũng cần nói thêm, để có được giao cảm đó trong bối cảnh thơ ca hiện nay thật không dễ dàng. Điều này càng thấy rõ hơn, tình yêu văn chương của Hạnh lúc nào cũng tràn trề, lúc nào cũng đắm lòng không do dự. Đó là năng lượng không bao giờ vơi cạn mà người dấn thân vào nghiệp này luôn luôn phải nuôi dưỡng, gìn giữ nó như chính quả tim nhỏ bé của mình. Gìn giữ được như thế, mới có thể dâng hiến bền lâu, dâng hiến thâm hậu cho đến khi sức tàn lực kiệt. Một dâng hiến trong veo không toan tính”.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/mot-phuc-cam-cua-hai-chieu-cam-xuc-549033/