Một phút tội lỗi, một đời day dứt: Bài 2: Nỗi ân hận của phạm nhân chỉ vì 'chấp vặt' mà gây án mạng

Nhận bản án 13 năm tù về tội 'Giết người', suốt 6 năm qua, phạm nhân Nguyễn Thế Thi (tên phạm nhân và nạn nhân trong bài đã thay đổi, SN 1992, đang cải tạo tại Phân trại 3, Trại giam Phú Sơn 4, C10, Bộ Công an) đã hiểu ra ý nghĩa câu nói 'một điều nhịn là chín điều lành'. Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao điều mâu thuẫn, bao điều không như ý mình; nhưng phải lựa chọn cách nhẫn nhịn, khôn khéo. Nếu cứ để lửa giận mất khôn, rồi ẩu đả gây án, thì cái giá phải trả vô cùng đắng cay.

PV Báo PLVN trò chuyện với phạm nhân Nguyễn Thế Thi tại trại giam Phú Sơn 4 (Ảnh: Hồng Quân).

PV Báo PLVN trò chuyện với phạm nhân Nguyễn Thế Thi tại trại giam Phú Sơn 4 (Ảnh: Hồng Quân).

Cuộc ẩu đả vì sự hiểu nhầm đáng tiếc

Thi sinh ra trong gia đình có 2 anh em trai, bố mẹ làm nghề nông nghiệp tại tỉnh Bắc Giang. Em trai Thi đã mất trong một lần ẩu đả tại địa phương; nhưng Thi không lấy đó làm bài học đau đớn; 2 năm sau lại ẩu đả và gây án mạng.

Học xong Trung cấp y dược, cuối 2012, Thi tốt nghiệp về làm y sĩ đa khoa hợp đồng ở trạm y tế xã, rồi thấy mức lương thấp nên năm 2014, Thi nghỉ việc và xin vào làm bảo vệ ở Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng. Đặc thù công việc là 2 tuần làm ban ngày, 1 tuần làm ban đêm.

Theo hồ sơ vụ án, Thi và nạn nhân Trần Văn Huy (SN 1967) đều là nhân viên bảo vệ của một Cty bảo vệ có trụ sở tại Hà Nội. Thi được phân công làm Tổ trưởng tổ bảo vệ tại một Cty có trụ sở tại Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng.

Khoảng 21h ngày 9/4/2018, ông Huy đến Cty trực bảo vệ cùng Thi. Đến nơi, ông Huy nói với Thi cho mình đi ngủ trước vì đi ăn cỗ uống rượu nên bị mệt. Thi đồng ý.

Đến khoảng 0h ngày 10/4/2018, người giám sát của Cty bảo vệ đi kiểm tra các chốt, mục tiêu bảo vệ, đến kiểm tra, chỉ thấy Thi nhưng không thấy ông Huy nên hỏi thì Thi nói đang ngủ trong phòng tiếp khách. Người giám sát liền gọi ông Huy dậy, nhắc nhở không được ngủ trong giờ làm việc.

Sau khi người giám sát rời đi, ông Huy trách mắng cho rằng Thi đã gọi người giám sát đến để bắt lỗi ông vi phạm. Thi ra sức giải thích nhưng ông Huy không tin. Hai người cãi vã, xô xát. Ông Huy dùng tay túm cổ áo Thi thì Thi túm tay đu đẩy từ phòng bảo vệ ra ngoài, quật ngã ông Huy xuống sân bê tông.

Thi ngồi đè lên bụng, dùng tay phải giữ tay ông Huy, tay trái lấy điện thoại tính gọi cho người giám sát; thì bị ông Huy đấm vào mặt làm chiếc điện thoại rơi xuống sân vỡ màn hình. Lửa giận bùng lên, Thi tiếp tục đấm liên tiếp vào đầu nạn nhân rồi đứng dậy. Ông Huy đạp, Thi liền lột chiếc giày da bên chân phải mình, đập nhiều lần vào đầu đến khi ông Huy kêu đau mới dừng lại.

Thi gọi người giám sát, gọi xe taxi đưa ông Huy đến bệnh viện cấp cứu. Nhưng mọi chuyện đã muộn, nạn nhân tử vong trên đường đi. Tới lúc này mới bình tĩnh trở lại, Thi gọi điện thoại báo tin cho người thân của nạn nhân rồi đến cơ quan công an khai nhận hành vi.

“Chỉ vì một giây phút nóng giận mà em đã lu mờ lý trí”

Ngày con trai Thi được sinh ra, trước đó 4 ngày Thi bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt 13 năm tù về tội “Giết người”, theo Bản án hình sự sơ thẩm số 44/2018/HSST ngày 26/10/2018.

Sau này, khi lên cải tạo tại Trại giam Phú Sơn 4, day dứt vì sai lầm của mình, được sự động viên của gia đình và sự giáo dục, cảm hóa của các cán bộ quản giáo trại giam, Thi luôn cố gắng cải tạo phấn đấu được giảm án, sớm có cơ hội trở về.

Bảng xếp loại cải tạo của Thi cho thấy, từ khi lên cải tạo tại Trại giam Phú Sơn 4, Thi đều đạt xếp loại cải tạo “Tốt”. Thi cho biết, 5 tháng đầu khi mới nhập trại, được giao học may. Từ tháng 9/2019 đến nay, Thi được cán bộ giao phụ trách công việc phát thanh, tuyên truyền trong trại giam cho các phạm nhân khác.

Công việc thường ngày của Thi là tìm kiếm, sưu tập những bài viết, tư liệu trong sách, báo để viết bài tuyên truyền trên báo tường và làm “phát thanh viên” tuyên truyền qua loa phóng thanh cho các phạm nhân hiểu biết.

Nhìn nhận lại tội lỗi đã gây ra, Thi cho biết, đến giờ đã hơn 6 năm cải tạo trong Trại giam Phú Sơn 4; và chừng ấy năm, vẫn luôn cảm thấy ân hận trong tâm can vì đã gây ra nỗi đau cho người khác và bản thân mình cũng phải trả giá.

Thi kể, sau khi sự việc xảy ra, cùng những năm tháng cải tạo trong trại giam đã khiến mình thay đổi tâm tính, bình ổn, điềm đạm hơn; khiến cha mẹ và vợ Thi mỗi lần lên thăm gặp cũng thấy bất ngờ, vì khi còn ở nhà thì Thi là người nóng nảy.

“Ở trong này, cứ khuya về là day dứt vì chuyện mình nóng tính mà giết người; rồi nhớ gia đình, bố mẹ, vợ con. Đêm đó bác ấy (ý nói nạn nhân Huy - NV) mới đi ăn cỗ, uống rượu từ Thái Nguyên về, vừa mệt, vừa say, nhưng em vẫn nóng nảy chấp vặt. Chỉ vì một giây phút nóng giận mà em đã bị lu mờ lý trí và gây ra tội lỗi để rồi phải trả giá”.

“Khi con người ta nhận ra được cái sai của mình rồi, mới càng day dứt, ân hận. Giá như thời gian quay trở lại, đêm ấy khi bị bác ấy (ý nói nạn nhân Huy - PV) hiểu lầm như vậy, kể cả có giận cỡ nào thì em sẽ bỏ đi và tìm chỗ nào như cái cây hay tảng đá để trút giận. Các cụ dạy rồi, cấm có sai, “một điều nhịn là chín điều lành”, giờ đây em chỉ biết cố gắng cải tạo mong sớm quay trở về với gia đình, vợ con”, phạm nhân Thi chia sẻ.

Hồng Quân - Tố Vân

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/mot-phut-toi-loi-mot-doi-day-dut-bai-2-noi-an-han-cua-pham-nhan-chi-vi-chap-vat-ma-gay-an-mang-post513829.html