Một Quảng Trị trong tim!
Tôi đến thành phố Đông Hà đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, cũng là thời điểm kỷ niệm 47 năm đại thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hơn ba năm trước, tôi đến vùng đất một thời là 'chảo lửa tuyến đầu' này cùng một người anh, người thầy, người con của quê hương Quảng Trị, một trong những cây đại thụ của nền báo chí và văn học nước nhà đương đại - nhà báo, nhà văn Phan Quang. Lần này ông không thể có mặt, do tuổi cao, đi lại khó khăn, sức khỏe không còn được như trước. Thiếu vắng ông tôi cảm thấy như thiếu đi một điều gì đó rất khó diễn tả. Dự định sau khi kết thúc chuyến đi tôi mới kể với ông, nhưng sự thông tuệ, minh mẫn dù đã vào tuổi 95, không gì là ông không biết.
Về Đông Hà lần này, chúng tôi cùng Tổng Biên tập Báo Quảng Trị Trương Đức Minh Tứ; Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt Đoàn Phương Nam và các đồng nghiệp phóng xe ra bãi biển Cửa Việt giao lưu “Mừng nửa thế kỷ Quảng Trị giải phóng”. Ngồi cạnh Minh Tứ và Phương Nam, tôi nhỏ nhẹ:
- Về Cửa Việt thiếu vắng “lão tướng” Phan Quang càng rất nhớ cụ!
Minh Tứ nhìn ra cửa biển, đoạn cuối của sự hợp lưu sông Thạch Hãn và sông Hiếu, tâm sự với bạn mà như nói với chính mình:
- Cụ Phan Quang sinh ra bên dòng sông Nhùng, quãng sông cách dòng sông Thạch Hãn huyền thoại chưa đến chục cây số đường chim bay. Tôi là lớp hậu sinh, lớn lên bên dòng sông Hiếu. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cụ Phan Quang gắn với sự nghiệp báo chí và văn chương đồ sộ, mà tác giả tiểu thuyết Từ bến sông Nhùng (của nhà báo Phạm Quốc Toàn - NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2019) gói gọn trong 379 trang sách quả là rất khó. Khó nhưng tác giả đã thành công khi dựng lại chân dung nguyên mẫu một nhân vật lịch sử, không chỉ là nhà báo, nhà văn mà còn là nhà văn hóa, nhà hoạt động xã hội tài năng xuyên hai thế kỷ.
Nhà thơ Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam trí nhớ rất bền, nhắc lại gần chục bút ký viết về quê hương Quảng Trị của nhà báo Phan Quang. Chị dẫn dắt chúng tôi đến với một người con của Quảng Trị yêu quê hương cháy bỏng khôn cùng. Nhà thơ Trần Kim Hoa cởi mở:
- Tôi đã từng ngồi hàng giờ nghe cụ Phan Quang nói về cái đẹp, cái sang, cái văn hóa mà rất nhạc, rất thơ của Bình Trị Thiên khói lửa, của Quảng Trị “Gió Lào, cát trắng”, dưới mỗi tấc đất vùi lấp bao tấn bom đạn. Mảnh đất “Chảo lửa túi bom” này là máu thịt, là cuộc hạnh ngộ báo chí và văn chương trên những nẻo đường chinh chiến của cụ.
Phan Quang từng thổn thức về quê hương Quảng Trị từ trái tim: “Trời miền Trung đẹp lắm. Hôm ấy ấm, nắng nhẹ, trời trong xanh với những đám mây bạc. Khoảng trời xanh ấy, những đám mây bạc in đậm nét trong ký ức tôi hơn nửa thế kỷ qua…Hình như có lần tôi đã viết ở đâu đó hoặc ghi vào sổ tay cái ý nghĩ sau đây về quê hương: Tình cảm quê hương, hay đúng hơn sự nhớ về quê hương là sợi dây vô hình nhưng bền chắc. Ở gần ta không mấy cảm nhận nó. Nhưng đi xa quê hương sợi dây ấy thít lại, ta càng xa lâu nó càng thít chặt; làm cho bất kỳ ai càng đi xa càng nghĩ nhiều tới quê hương”(Bút ký Tâm sự chiều hôm, in trong tập Quê hương, NXB Trẻ, 2000).
Tròn nửa thế kỷ Quảng Trị được giải phóng, bạn hữu xa gần trân trọng mời nhà báo Phan Quang về thăm quê mà lực bất tòng tâm, cụ càng vẩn vơ tâm trạng nhớ Quảng Trị quê nhà khôn nguôi - một Quảng Trị với Đông Hà và Thành Cổ, Cửa Việt, Cửa Tùng, sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Nhùng, làng Hải Thượng, chiến khu Ba Lòng … gắn bó tựa như sợi dây thít lại cả cuộc đời mà nay ông đã xế hoàng hôn.
***
Trên đường ra biển Cửa Việt nhà báo Trương Đức Minh Tứ tặng chúng tôi tập bút ký của anh vừa xuất bản “Về bến sông xưa” (NXB Thuận Hóa, 2022). Minh Tứ sinh năm 1964, cựu sinh viên Văn khoa, Đại học Tổng hợp Huế, ít hơn Phan Quang 36 tuổi - nhà báo thuộc thế hệ con cháu. Trong tác phẩm của mình, bút ký đầu tiên đặt ở vị trí hàng đầu, tác giả viết về nhà báo, nhà văn đồng hương Phan Quang với tiêu đề “Nhà báo kỳ cựu Phan Quang”, gắn với quê hương Quảng Trị qua cuộc đời và qua chính các tác phẩm của ông. Minh Tứ đã dành cho thế hệ nhà báo cách mạng lớp cha ông sự kính trọng cả về tâm và tài; về tầm nhìn, đức độ, tình yêu quê hương. Minh Tứ khởi nghiệp nghề báo tại vùng đất Tây Nguyên, gắn bó với phố núi vùng bắc Cao Nguyên đầy nắng gió. Khi đã có độ chín về nghề nghiệp anh trở về bên dòng sông Hiếu yêu thương biết mấy tự hào của quê hương Quảng Trị và giữ trọng trách Thư ký Tòa soạn, Phó Tổng Biên tập, rồi Tổng Biên tập Báo Quảng Trị nhiều năm nay.
Tình yêu quê hương trong trái tim Minh Tứ cháy bỏng, là nơi để trú ẩn mỗi khi cảm thấy bất an: “Quê hương hai tiếng ấy với tôi bình dị như bờ tre, gốc rạ, như cái giếng đầu làng, nguồn nước mà cả làng dùng chung; là hình ảnh lam lũ của cha mẹ ta, của người anh, người chị trên cánh đồng xa; là mái nhà chật chội, đụng đâu cũng thấy cột kèo, không còn phù hợp với lôísống hiện đại. Nhưng quê hương gắn với mái nhà xưa, với bà con lối xóm, là nơi chúng ta đã sinh ra và lớn lên, nếm trải qua những năm tháng gian khó nhưng bình yên bên mái ấm gia đình. Và cứ mỗi khi thấy bất an trong lòng, tôi lại quay về bên mái nhà xưa”. (Về bến sông xưa, trang 220).
Phan Quang và Trương Đức Minh Tứ là hai thế hệ nhà báo khác nhau nhưng có sự tiếp nối, kế tiếp thật đẹp, trước hết là tình yêu quê hương Quảng Trị, tình yêu “Về bến sông xưa”: Sông Nhùng - Phan Quang và sông Hiếu - Trương Đức Minh Tứ. Minh Tứ yêu nghề, viết báo khi còn là sinh viên Văn khoa, có kỷ niệm không vui ngay bài báo đầu tiên anh viết về một sự kiện ngay chính mái trường thân yêu của mình, bên dòng sông Hương. Và khi đã là Tổng Biên tập tờ báo Đảng của địa phương quê nhà, niềm vui tràn ngập và có cả sự bất an khi chính anh và tờ báo mà anh phụ trách dấn thân chống tiêu cực, chống nạn buôn lậu và tham nhũng.
Kỷ niệm 50 năm Quảng Trị giải phóng, chúng tôi tề tựu - giao lưu - luận bàn về thời cuộc báo chí và văn nghệ; về đất và người Quảng Trị; về tình yêu quê hương, đất nước ngay trên bãi biển Cửa Việt. Bảo tàng Báo chí Việt Nam và Hội Nhà báo Quảng Trị xuất sắc sưu tập các kỷ vật, tài liệu, những tấm ảnh quý về quê hương Quảng Trị 190 năm định danh; một Quảng Trị chiến đấu và xây dựng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ mùa hè đỏ lửa năm 1972 ... Hàng vạn người con yêu quý, tiêu biểu của Quảng Trị hội đủ đức và tài, dũng khí dù ở bất cứ cương vị nào, ở lại trong tỉnh hoặc bôn ba mọi nẻo đường đất nước và nhiều quốc gia trên thế giới đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước- thời chiến cũng như thời bình; nhiều người con của Quảng Trị đã ngã xuống anh dũng hy sinh cho Tổ quốc quyết sinh. Còn mãi trong tôi cảm giác cái ngày chúng tôi đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn dâng hoa, thắp nén nhang tưởng nhớ và tri ân hàng vạn anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Đúng là một Quảng Trị trong tim tôi; trong trái tim người con của quê hương Quảng Trị đi xa; trong hết thảy mọi người ở mọi miền Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Quảng Trị yêu thương máu và hoa!
Giao lưu văn nghệ ở biển Cửa Việt chiều hôm ấy, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng là một người con yêu dấu của quê hương Quảng Trị, với chất giọng nam trầm đằm thắm đã hát về quê hương và đất nước trọn niềm vui. Tôi đã lên sân khấu đọc mấy câu thơ xuất thần mà nhà thơ Trần Kim Hoa cảm xúc viết luôn tại chỗ, tặng nhà báo Nguyễn Đức Lợi, cũng là tặng cho những người con của quê hương Quảng Trị đi xa trở về trong niềm vui ngày đại thắng: “Quảng Trị bữa ni anh trở lại/Thạch Hãn xanh thăm thẳm ngước lên trời/Em có biết những câu hỏi thuở đôi mươi vẫn như cỏ non tơ chiều nay Thành Cổ/Xanh rưng rức trong anh niềm nỗi quê nhà …”.
Trở về từ Quảng Trị, tôi nhận được thư của nhà báo Phan Quang qua hộp thư điện tử. Rất hóm hỉnh và khiêm nhường, ông viết: “Bác Phạm thân mến! (tôi kém ông 19 tuổi - PQT). Tôi xem ảnh trên báo chí và mạng xã hội, thấy bác Phạm cùng nhiều bạn hữu về thăm Quảng Trị, dự kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ, trong đó có bác Phạm từ Vũng Tàu bay ra, tôi càng thêm nhớ quê hương và buồn cho mình, dù được nhiều bạn rủ rê, mời mọc vẫn không sao đi nổi. Và càng vui thấy bác Phạm khỏe mạnh hơn bao giờ hết, chẳng hề thấy chút dấu vết của Cô Vi và thời hậu dịch. Tôi lại nhớ câu thơ của nhà thơ Tế Hanh: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị …”.