Một quốc gia Nam Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 86% trong năm tới

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Guyana - một quốc gia có khoảng 780.000 người có chung biên giới với Brazil, Suriname và Venezuela ở phía đông bắc Nam Mỹ - có thể sẽ chứng kiến nền kinh tế tăng trưởng tới 86% vào năm 2020; tăng vọt so với tốc độ 4,4% trong năm 2019.

Với tốc độ này, chắc chắn Guyana sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm tới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Guyana gấp tới 40 lần so với tốc độ tăng trưởng dự kiến của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Lý do IMF đưa ra dự kiến này là vì Guyana có lượng dầu bình quân đầu người cao nhất so với tất cả các quốc gia trên thế giới”, Natalia Davies Hidalgo - Chuyên gia phân tích tự do về Mỹ Latinh nói với CNBC qua điện thoại hôm 4/11. So với nhà sản xuất dầu lớn nhất của OPEC là Ảrập Xêút – quốc gia có lượng dầu dự trữ vào khoảng 1.900 thùng mỗi người, thì Guyana có 3.900 thùng.

“Thậm chí trữ lượng dầu còn có thể nhiều hơn nữa, vì việc sản xuất vẫn chưa bắt đầu và những khám phá mới vẫn đang được thực hiện”, Hidalgo nói.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Guyana đã sẵn sàng bắt đầu sản xuất dầu vào tháng tới - một triển vọng mà các nhà phân tích tin rằng sẽ làm biến đổi nền kinh tế của quốc gia nhỏ bé ở Nam Mỹ này.

Tuy nhiên, Hidalgo mô tả dự báo của IMF là “đầy tham vọng”, lưu ý rằng đó có lẽ là dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm cao nhất mà IMF từng dự đoán. Đó là vì chính phủ của đất nước này vẫn chỉ là tạm thời về mặt kỹ thuật cho đến khi cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng 3, có nghĩa là hiện tại quốc gia này vẫn chưa thể thông qua kế hoạch ngân sách năm 2020. Ngoài ra, Hidalgo cho biết, khả năng trì hoãn dự án và không thanh toán trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng cũng có thể đe dọa dự báo IMF.

So với dự đoán của IMF là Guyana sẽ tăng trưởng 86% vào năm tới, IHS Markit tin rằng sự bất ổn chính trị khiến cho nhiều khả năng nền kinh tế của đất nước này sẽ chỉ mở rộng khoảng 30%.

Đầu năm nay, IMF đã mô tả triển vọng trung hạn của Guyana là rất thuận lợi, viện dẫn việc nước này đang có kế hoạch bắt đầu sản xuất dầu trong những tháng tới. Trong một báo cáo được công bố hồi tháng 6, các nhân viên của IMF cũng cho biết, việc bắt đầu sản xuất dầu vào năm 2020 cho thấy cơ hội tăng dần cán cân vốn và cán cân vãng lai với tốc độ đủ để giải quyết các lỗ hổng cơ sở hạ tầng và nhu cầu phát triển con người, đồng thời làm giảm bớt các lo ngại về tính bền vững của nợ.

Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn có thể đến cùng với sự mở rộng kinh tế nhanh chóng như vậy. “Tốc độ tăng chi tiêu công cần tăng dần để giảm bớt tắc nghẽn từ các hạn chế về khả năng hấp thụ, tránh lãng phí và giảm thiểu các biến dạng kinh tế vĩ mô liên quan đến “căn bệnh Hà Lan” thường gây ra các nền kinh tế tăng thu nhập dựa trên tài nguyên”.

“Căn bệnh Hà Lan” đề cập đến những hậu quả tiêu cực có thể phát sinh từ sự tăng đột biến về giá trị của đồng tiền quốc gia. Thuật ngữ kinh tế này thường được liên kết với nghịch lý xảy ra khi có tin tốt, chẳng hạn như phát hiện của Guyana về trữ lượng dầu lớn, và những hậu quả bất ngờ mà sự phát hiện này có thể gây ra cho nền kinh tế.

Các nghiên cứu cho thấy, căn bệnh Hà Lan có hai tác động kinh tế chính đó là làm giảm khả năng cạnh tranh về giá cả hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia và làm gia tăng nhập khẩu. Cả hai đều là kết quả của đồng nội tệ tăng giá. Về lâu dài, điều đó có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp, khi sản xuất được chuyển sang những nước có chi phí thấp hơn…

“Guyan không có kinh nghiệm ứng phó với “của trời cho” này, và nó đang đến rất bất ngờ”, Valerie Marcel - một cộng sự tại tổ chức tư vấn Chatham House nói với CNBC qua điện thoại. “Đây sẽ là một thách thức lớn”, bà Valerie Marcel nói thêm và nhấn mạnh Guyana có thể sẽ phải vật lộn để đối phó với một “lời nguyền tài nguyên” trong thời gian dài.

PV

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/mot-quoc-gia-nam-my-duoc-du-bao-se-tang-truong-86-trong-nam-toi-94371.html