Một quy kết thiếu khách quan về vấn đề quyền con người ở Việt Nam

Liên minh châu Âu (EU) trong Báo cáo thường niên về nhân quyền và dân chủ trên thế giới năm 2023 công bố mới đây đã đưa ra những nội dung, đánh giá không chính xác, phiến diện, thiếu khách quan về vấn đề quyền con người ở Việt Nam, từ đó tạo ra cái nhìn cùng nhận thức lệch lạc, định kiến về tình hình đất nước, con người Việt Nam, tạo cớ cho những đối tượng cơ hội chính trị, thế lực thù địch chống phá Việt Nam.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người sử dụng Internet cao thứ 2 trên thế giới

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người sử dụng Internet cao thứ 2 trên thế giới

Vẫn cách nhìn định kiến cũ

Liên minh châu Âu (EU) ngày 29-5 vừa qua đã công bố Báo cáo thường niên về nhân quyền và dân chủ trên thế giới năm 2023. Trong bản báo cái dài hàng trăm trang này có đề cập đến vấn đề quyền con người tại Việt Nam, trong đó có nhiều nội dung sai lệch, phiến diện, thiếu khách quan, đồng thời cũng tạo nhận thức lệch lạc về tình hình đất nước, con người Việt Nam.

Quy kết không phản ánh đúng thực tiễn tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, báo cáo này đánh giá sai lệch rằng, những hạn chế đối với các quyền chính trị và dân sự ở Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2023. Báo cáo cho rằng, “không gian xã hội dân sự đang ngày càng bị thu hẹp”. Báo cáo cho rằng, một số hướng dẫn thi hành luật đưa ra các hạn chế trong các lĩnh vực an ninh mạng, “làm xói mòn quyền tự do ngôn luận”… Trong báo cáo còn có những nhận định sai lệch, định kiến liên quan đến quyền của người dân tộc và quyền tự do tôn giáo. Nhìn vào Báo cáo thường niên về nhân quyền và dân chủ trên thế giới năm 2023 có thể thấy ngay rằng, dù có những nội dung cập nhật theo thời gian, song cách nhìn nhận, đánh giá vẫn tương tự như báo cáo một năm trước cũng như các báo cáo thường niên trước đó. Đó vẫn là cách nhìn, nhận định thiếu khách quan, toàn diện, mang nặng tính định kiến, hoàn toàn không phản ánh đầy đủ, chính xác về bức tranh quyền con người tại Việt Nam. Những nội dung và nhận định sai lệch về vấn đề quyền con người ở Việt Nam cũng như các năm trước đã lập tức bị các đối tượng cơ hội chính trị, bất mãn trong nước cũng như các thế lực chống đối, thù địch lợi dụng để xuyên tạc, chống phá Nhà nước Việt Nam. Thậm chí, họ còn lấy đó làm cớ để đòi xem xét lại việc hợp tác kinh tế, thương mại giữa EU và Việt Nam; xem xét lại các dự án hợp tác phát triển giữa hai bên…

Những năm trước, Việt Nam đều phản ứng, bác bỏ những thông tin, đánh giá sai lệch, không chính xác về vấn đề quyền con người ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là thực tế và nhất là nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm, phát triển quyền con người của Việt Nam đã không được ghi nhận trong bản cáo năm nay cũng như các bản báo cáo thường niên trước đó. Việt Nam những năm qua không những không lảng tránh mà luôn sẵn sàng trao đổi, đối thoại về các vấn đề liên quan tới quyền con người. Trong đó, Việt Nam đã hình thành cơ chế đối thoại nhân quyền thường niên. Đáng chú ý, tại lần đối thoại thường niên năm 2023, hai bên đã trao đổi quan điểm và mối quan tâm về pháp quyền và tiếp cận công lý, việc thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, sự bảo vệ các cá nhân trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương.

Tại đối thoại năm 2023, hai bên đã trao đổi quan điểm và mối quan tâm về pháp quyền và tiếp cận công lý, việc thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, sự bảo vệ các cá nhân trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương. Phái đoàn EU đã hoan nghênh việc Việt Nam phê chuẩn hầu hết các công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đồng thời khuyến khích Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 còn lại, cũng như thông qua nghị định về các tổ chức đại diện cho người lao động. Hai bên đều nhấn mạnh rằng tất cả các quyền con người đều mang tính phổ quát, không thể chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan đến nhau. Hai bên cũng thảo luận chi tiết những tiến bộ và phát triển liên quan đến bình đẳng giới, quyền trẻ em, quyền của người LGBT, chống nạn mua bán người…

Bức tranh thực tế về quyền con người ở Việt Nam

Như vậy, có thể thấy Báo cáo thường niên về nhân quyền và dân chủ trên thế giới năm 2023 đã không phản ánh đúng những gì mà hai bên đã đối thoại, đặc biệt không phản ánh đúng thực tế tình hình quyền con người tại Việt Nam. Điều đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá tích cực, mà một trong những minh chứng rõ ràng nhất là đã hai lần bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu rất cao. Đồng thời với việc tham gia và thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người, Việt Nam luôn nhất quán các chủ trương, chính sách và pháp luật về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện pháp luật nói chung, pháp luật về quyền con người nói riêng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, Quốc hội Việt Nam đã thông qua 36 luật, trong đó có nhiều luật liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân như Bộ luật Lao động, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Cư trú…

Trong Báo cáo Quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, do Bộ Ngoại giao công bố trung tuần tháng 4 vừa qua, có rất nhiều số liệu, con số “biết nói” đầy sức thuyết phục đã phản ánh đầy đủ bức tranh toàn cảnh về thành tựu đảm bảo quyền con người của Việt Nam. Báo cáo đã cung cấp tình hình cập nhật với những dẫn chứng, thông tin và số liệu cụ thể, qua đó khẳng định nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, nhất là trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, thực hiện nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên cũng như những thành tựu của Việt Nam về giảm nghèo đa chiều bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân và bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; việc Việt Nam tham gia đối thoại với các đối tác quốc tế, khu vực trong lĩnh vực quyền con người.

Các quyền y tế, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, Internet, bình đẳng giới đều đạt những tiến bộ rõ rệt. Các chỉ số về phát triển con người (HDI), bình đẳng giới (GEI) của Việt Nam do các cơ quan Liên hợp quốc xếp hạng liên tục được cải thiện. Các phương tiện truyền thông, báo chí và Internet đã phát triển mạnh mẽ và trở thành diễn đàn ngôn luận của người dân, các tổ chức xã hội và là công cụ giám sát thực thi chính sách, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Sau 26 năm kết nối Internet, Việt Nam đã có hệ thống công nghệ viễn thông hiện đại với độ phổ cập cao. Tính đến tháng 9-2023, Việt Nam có 78 triệu người sử dụng Internet, tăng 21% so với số thuê bao năm 2019.

Hiện, có khoảng 72.000 hội hoạt động ở Việt Nam thường xuyên, tích cực tham gia đóng góp vào xử lý các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước. Đây chính là minh chứng cho thấy, các phương tiện truyền thông, báo chí và Internet đã phát triển mạnh mẽ và trở thành diễn đàn ngôn luận của người dân, các tổ chức xã hội và là công cụ giám sát thực thi chính sách, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Bên cạnh đó, có nhiều số liệu đầy thuyết phục khác về sức khỏe người dân được cải thiện, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập; tuổi thọ trung bình tăng và cao hơn trung bình thế giới; tỉ suất tử vong trẻ em giảm; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm; tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi được duy trì cao… cho thấy những nỗ lực thúc đẩy cùng thành tựu đảm bảo quyền con người của Việt Nam - những thành tựu mà không ai có thể phủ nhận hay xuyên tạc, bóp méo.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/mot-quy-ket-thieu-khach-quan-ve-van-de-quyen-con-nguoi-o-viet-nam-post578577.antd