Một quyết định hợp lòng dân sau 30 năm bị 'tắc'
SKĐS - UBND tỉnh Nghệ An vừa thành lập ban chỉ đạo chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng mở rộng QL1A 'tắc' hàng chục năm trước. Có được kết quả này, là nhờ quyết định hợp lý khi vận dụng những chính sách 'mở' về bồi thường, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân.
Từ những năm 1994-1998 hàng trăm hộ dân sống hai bên QL1A qua địa bàn tỉnh Nghệ An bị thu hồi đất để mở rộng dự án. Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A này có tổng chiều dài 73,8km, đi qua địa bàn thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai, 3 huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và hình thức BOT.
Đến cuối năm 2014, dự án hoàn thành đúng tiến độ theo yêu cầu đề ra và đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, giảm tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo thông suốt cho huyết mạch giao thông Bắc - Nam. Năm 2016, Bộ Giao thông vận tải đã quyết toán hoàn thành các dự án thành phần đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đến năm 2019, hoàn thành dự án thành phần đầu tư theo hình thức BOT.
Tuy nhiên, thời điểm đó có nhiều gia đình bị thu hồi hàng trăm mét vuông đất nhưng chỉ được bồi thường tài sản trên đất (cụ thể là cây cối, nhà cửa) còn diện tích đất đã cấp cho người dân sử dụng lâu dài nằm ven QL1A đều không được bồi thường. Đặc biệt, tại phường Quỳnh Xuân (TX Hoàng Mai) có 452 hộ dân có đất bị thu hồi nhưng chỉ có hơn 120 hộ dân có tài sản trên đất được bồi thường và có hồ sơ đo đạc, còn lại không có hồ sơ lưu trữ...
Sau nhiều năm, phát hiện việc thu hồi đất thuộc dự án nói trên không bồi thường là không đúng quy định nên người dân đã làm đơn yêu cầu quyền lợi. Từ thực tế, UBND tỉnh Nghệ An có nhiều văn bản gửi Thủ tướng và các bộ, ngành để xin ý kiến chỉ đạo. Năm 2020, Thủ tướng đồng ý cấp kinh phí bổ sung hơn 222 tỉ đồng để chi trả người dân bị thu hồi đất ở các huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và TP Vinh.
Tiếp tục rà soát, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An xác định số hộ dân bị thu hồi nhưng chưa được bồi thường còn lại là rất lớn. Đến năm 2022, tỉnh này tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị bố trí thêm 1.283 tỉ đồng để chi trả bồi thường cho các hộ dân đã bị thu hồi đất nhưng chưa được đền bù.
Tháng 11/2023, trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đồng ý bổ sung 1.275 tỉ đồng chi đầu tư cho tỉnh Nghệ An để giải quyết đền bù cho người dân. Sau khi được Quốc hội thông qua, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký quyết định giao bổ sung số tiền này cho tỉnh Nghệ An để chi trả cho người dân.
Chuyện vướng mắc bồi thường giải phóng mặt bằng của gần 30 năm trước sai sót có thể do nhiều vướng mắc, nhưng điều đáng ghi nhận là khi xác định quyền lợi người dân bị thiệt thòi, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Quốc hội và Chính phủ đã có những quyết định hợp lý, để tạo thêm niềm tin trong dân. Chỉ cần lòng dân thuận, quyết sách đúng đắn thì việc khó đến đâu cũng hanh thông, thuận lợi.