Một số bất cập pháp lý về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ tiếp cận nguồn gen
Vấn đề pháp lý của hoạt động tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc tiếp cận nguồn gen được quy định cụ thể trong Công ước đa dạng sinh học (ĐDSH) năm 1992, Luật ĐDSH năm 2008, Nghị định thư Nagoya năm 2010 về tiếp cận nguồn gen theo Công ước ĐDSH và Nghị định số 59/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng pháp luật về vấn đề này còn một số hạn chế cần được khắc phục nhằm bảo đảm quá trình thực thi một cách công bằng, đem lại giá trị cao cho cộng đồng.
Việc tiếp cận, chia sẻ và sử dụng nguồn gen có ý nghĩa quan trọng, giúp lai tạo ra giống cây trồng, vật nuôi mới, tìm và tạo ra các dược phẩm mới giúp chăm sóc sức khỏe con người. Đối với các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu thì hoạt động tiếp cận, chia sẻ lợi ích từ nguồn gen giúp xây dựng và quản lý nguồn gen có giá trị cao về ĐDSH, làm nền tảng cho nghiên cứu. Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, thương mại thì kết quả của hoạt động này giúp tạo ra sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao và đem lại lợi ích lớn cho cộng đồng. Đối với nhà nước, hoạt động tiếp cận và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen góp phần xây dựng hệ thống dữ liệu nguồn gen quốc gia, phát triển ngành công nghiệp sinh học, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Hiện nay, Việt Nam đã công bố 2.082 chủng gen trong cơ sở dữ liệu nguồn gen vi sinh vật toàn cầu.
Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường): Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích nhằm bảo đảm lợi ích tối đa cho cả bên sử dụng, bên cung cấp, hệ sinh thái và cộng đồng nơi nguồn gen được tìm thấy. Việc thực hiện tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích được dựa trên các thỏa thuận giữa bên cung cấp, bên sử dụng thông qua hợp đồng và dựa trên giấy phép tiếp cận nguồn gen do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Bên sử dụng tiếp cận nguồn gen cho nhiều mục đích khác nhau, từ nghiên cứu khoa học cơ bản như nghiên cứu phân loại học đến phát triển các sản phẩm thương mại góp phần nâng cao sức khỏe con người như dược phẩm. Bên cung cấp nguồn gen thỏa thuận để cung cấp nguồn gen và đổi lại được chia sẻ lợi ích thu được từ việc sử dụng nguồn gen đó. Trong trường hợp việc nghiên cứu và phát triển tạo ra một sản phẩm thương mại, những lợi ích kinh tế như tiền bản quyền, tiền thanh toán một lần, phí nhượng quyền phải được chia sẻ với người cung cấp. Bên cung cấp cũng có thể hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ hay phát triển kỹ năng nghiên cứu. Trong trường hợp lý tưởng nhất, những lợi ích này sẽ được sử dụng cho mục đích tăng cường bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH.
Tuy nhiên, theo luật sư Vũ Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam (Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á): Quy định về tỷ lệ hưởng lợi ích bằng tiền từ việc chia sẻ nguồn gen trong Nghị định số 59/2017/NĐ-CP đã khá cụ thể và rõ ràng nhưng trên thực tế khó có thể xác định được doanh thu của sản phẩm, đặc biệt khi tổ chức đó là tổ chức nước ngoài (không hoạt động tại Việt Nam). Hiện nay, doanh thu của đơn vị kinh doanh được ghi trong báo cáo tài chính hằng năm nhưng báo cáo này chưa chắc đã đưa ra doanh thu của từng sản phẩm được tạo ra từ nguồn gen được cung cấp. Hơn nữa, với những sản phẩm tạo ra từ nhiều nguyên liệu, nhiều loại nguồn gen khác nhau thì cách xác định tỷ lệ chi trả lại càng khó khăn hơn. Thêm nữa, hiện nay trách nhiệm quản lý nhà nước về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen chỉ quy định đối với UBND cấp tỉnh và cấp xã mà không quy định trách nhiệm của UBND cấp huyện. Riêng UBND cấp xã có trách nhiệm giám sát hoạt động, xử lý theo thẩm quyền về những trường hợp vi phạm giấy phép tiếp cận nguồn gen hoặc hợp đồng. Quy định này khó khả thi vì chưa có quy định về hành vi vi phạm, còn trường hợp các bên vi phạm hợp đồng thì sẽ giải quyết tranh chấp theo thủ tục dân sự chứ không thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã. Đồng thời, về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen theo Điều 44 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Điều 16 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP chưa thống nhất, vì cùng một hành vi vi phạm về tiếp cận nguồn gen có thể bị xử phạt hành chính theo hai văn bản và mức xử phạt khác nhau…
Bởi vậy, về vấn đề pháp lý, trong thời gian tới cần hoàn thiện những bất cập, hạn chế nêu trên nhằm để thực thi chính sách một cách hiệu quả, bảo đảm những nguồn gen quý hiếm, đặc hữu, có giá trị cao không bị thất thoát và bị tiếp cận, khai thác mà không được chia sẻ lợi ích một cách công bằng.