Một số biện pháp khắc phục căng thẳng tâm lý trong huấn luyện chiến sĩ mới

Huấn luyện chiến sĩ mới (CSM) là khoảng thời gian đầu quân nhân chuyển từ môi trường hoạt động bên ngoài (dân sự) vào trong môi trường hoạt động quân sự đặc thù, điều kiện sống có nhiều thay đổi, cường độ huấn luyện cao, hao tổn lớn về trí lực và thể lực, buộc CSM phải luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng để lĩnh hội tri thức, phát triển trí tuệ, hình thành kỹ năng, kỹ xảo hoạt động quân sự, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện đề ra. Mặt khác, trình độ nhận thức của CSM không đồng đều, văn hóa, tập quán sinh hoạt không giống nhau, tuổi đời của CSM còn khá trẻ (trong khoảng từ 18- 25 tuổi) chưa có nhiều kinh nghiệm điều chỉnh bản thân, do vậy trong quá trình huấn luyện xảy ra căng thẳng tâm lý là điều không thể tránh khỏi.

 Chiến sĩ mới Tiểu đoàn 43 tích cực huấn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Kim Quy

Chiến sĩ mới Tiểu đoàn 43 tích cực huấn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Kim Quy

Những năm qua, để bảo đảm chất lượng huấn luyện CSM đạt kết quả tốt, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh luôn quan tâm, chú trọng xem đây là một trong những nội dung quan trọng, cần thiết để cấp ủy, chỉ huy các cấp ở đơn vị huấn luyện khắc phục căng thẳng tâm lý, tạo cho CSM có tâm lý ổn định, yên tâm học tập, công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Chuẩn bị tốt tâm lý cho CSM sẵn sàng với hoạt động huấn luyện căng thẳng trong thời gian dài là một yếu tố quan trọng. Cán bộ, chỉ huy các cấp, đặc biệt là cán bộ chính trị đại đội đòi hỏi phải thật sự gần gũi, sâu sát, bám nắm bộ đội. Việc hiểu cặn kẽ tâm tư, tình cảm, phong tục, tập quán, cá tính của chiến sĩ sẽ giúp đội ngũ cán bộ có phương pháp quản lý, giáo dục, huấn luyện bộ đội phù hợp, giúp chiến sĩ thêm tự tin, an tâm công tác... Tập trung hướng dẫn cho CSM làm quen với môi trường hoạt động quân sự trong những ngày đầu, tuần đầu mới nhập ngũ, trong đó chú trọng hoạt động kỷ luật quân sự, chính quy, tạo thói quen sinh hoạt có nền nếp, có tâm thế vững chắc để họ sẵn sàng với các hoạt động huấn luyện căng thẳng, hao tổn lớn về trí lực và thể lực, xây dựng bản lĩnh vững vàng, xác định tốt động cơ phấn đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao cho CSM.

Cùng với đó, công tác chuẩn bị và làm tốt mọi mặt trong huấn luyện CSM là một nội dung cần có sự chuẩn bị kỹ. Cấp ủy, chỉ huy tiểu đoàn, đại đội huấn luyện CSM đánh giá đúng khả năng nhận thức, năng lực, sở trường công tác, trình độ văn hóa, truyền thống, tập quán sinh hoạt của CSM. Tổ chức phân nhóm đối tượng, sắp xếp, bố trí tổ chức biên chế tiểu đội, trung đội hợp lý để CSM có thể hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ. Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chính trị, thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện CSM cho đội ngũ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng. Chủ động gặp gỡ, động viên những CSM có hoàn cảnh khó khăn; kịp thời phát hiện, làm công tác tư tưởng với những CSM chưa thực sự an tâm tư tưởng công tác, chưa hiểu hết được vinh dự tự hào và trách nhiệm của quân nhân cách mạng; trao đổi, khích lệ những CSM còn yếu trong huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ. Nhạy bén, tế nhị xử trí các vấn đề mâu thuẫn phát sinh giữa các chiến sĩ trong huấn luyện, công tác và thực hiện nhiệm vụ chung cùng nhau. Xây dựng tâm lý tích cực, lành mạnh, hạn chế tối đa căng thẳng tâm lý trong tập thể quân nhân.

Để xây dựng tập thể cơ sở quân nhân vững mạnh toàn diện, sau khi tiếp nhận CSM, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần khẩn trương chỉ đạo các đại đội huấn luyện CSM nhanh chóng ổn định tình hình, tổ chức biên chế, kiện toàn các tổ chức đảng, đoàn, hội đồng quân nhân và các tổ chức khác. Biên chế đầy đủ đội ngũ cán bộ ba cấp tiểu đội, trung đội và đại đội bảo đảm các đơn vị sau khi tiếp nhận CSM đi vào hoạt động được ngay. Trong nội dung giáo dục chính trị phải quán triệt đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết, quan điểm của Đảng, Quân ủy Trung ương về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; giáo dục truyền thống cách mạng của quân đội, đơn vị. Quán triệt, thống nhất mục đích, nhiệm vụ hoạt động chung của trung đội, đại đội cho CSM. Phát hiện biểu dương gương người tốt việc tốt, nhân điển hình tiên tiến, thực hiện có chất lượng các đợt thi đua cao điểm để CSM có ý thức vươn lên, nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, xây dựng tập thể đơn vị.

Để xây dựng bầu không khí tâm lý tích cực lành mạnh ở đơn vị cần kịp thời nắm bắt và giải quyết tâm tư tình cảm của CSM, tạo tâm trạng hồ hởi, phấn khởi, tin tưởng lẫn nhau giữa chiến sĩ với cán bộ, chiến sĩ với chiến sĩ, phát huy truyền thống tốt đẹp của đơn vị. Phát hiện và xử lý những xung đột tâm lý nảy sinh trong tập thể không để trở thành tác nhân gây căng thẳng tâm lý cho CSM. Tổ chức tốt các hoạt động tập thể, xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh.

Huấn luyện CSM là giai đoạn mang tính bản lề, nhằm trang bị các kiến thức cơ bản về chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật... làm tiền đề xây dựng ý thức giác ngộ về nghĩa vụ, trách nhiệm, tạo nếp sống kỷ luật, từng bước hình thành phẩm chất, nhân cách, bản lĩnh quân nhân cách mạng. Do đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quan tâm nắm chắc tư tưởng, tâm lý, nguyện vọng, kịp thời động viên CSM khắc phục khó khăn nảy sinh trong quá trình giáo dục, huấn luyện, tạo niềm tin vững chắc cho mỗi chiến sĩ phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội nói chung, các đơn vị nói riêng.

Nguyễn Tài Tuyến

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=147205