Một số bộ có số thứ trưởng vượt quy định

Chính phủ đã rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, chuyển phù hợp những công việc cho các tổ chức xã hội, doanh nghiệp… đảm nhiệm.

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII thuộc lĩnh vực nội vụ.

Hai bộ có số thứ trưởng ít hơn quy định

Báo cáo cho thấy qua sắp xếp, cơ cấu tổ chức của bộ có 249 vụ và tương đương (giảm 12 tổ chức); 126 cục (tăng bảy tổ chức); 31 tổng cục và tương đương, gồm 21 tổng cục và 10 tổ chức tương đương (tăng hai tổng cục); có 100 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 10 tổ chức).

Tổ chức bộ máy của các cơ quan thuộc Chính phủ có 52 ban và tương đương (giảm một tổ chức); 142 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 24 tổ chức).

Thực hiện Luật Tổ chức chính phủ 2015, tính đến ngày 30-9, số thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ là 110 người, trong đó hai bộ có ba thứ trưởng là Bộ KH&ĐT và Bộ TT&TT (ít hơn quy định hai người).

Có bảy bộ, cơ quan ngang bộ có bốn thứ trưởng và tương đương là các bộ Xây dựng, LĐ-TB&XH, Y tế, VH-TT&DL, GD&ĐT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Dân tộc (ít hơn quy định một người).

Có tám bộ gồm Tài chính, Tư pháp, Công Thương, KH&CN, TN&MT, GTVT và Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ có năm thứ trưởng và tương đương (bằng số quy định).

Có ba bộ có từ sáu thứ trưởng trở lên, gồm Bộ Ngoại giao (bằng số quy định), Bộ Nội vụ (vượt một), Bộ NN&PTNT (vượt một).

Hai bộ Quốc phòng, Công an có chín thứ trưởng (vượt ba).

Theo báo cáo, số lượng thứ trưởng nhiều hơn so với quy định ở một số bộ (Quốc phòng, Công an, Nội vụ, NN&PTNT) chủ yếu là do sắp xếp tổ chức bộ máy và yêu cầu của công tác cán bộ như thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo từ địa phương về trung ương.

Trình Bộ Chính trị hướng xây dựng cơ cấu Chính phủ khóa XV

Dự kiến tháng 11-2020, Chính phủ sẽ trình Đề án định hướng xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026). Nội dung đề án sẽ tập trung làm rõ việc điều chỉnh hợp lý phân công quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực giữa các bộ, cơ quan ngang bộ để xác định hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ…

Theo báo cáo, Chính phủ đã rà soát, điều chỉnh, xác định rõ, cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, cơ quan ngang bộ. Kết quả cho thấy hiện cơ bản đã bảo đảm thực hiện nhất quán nguyên tắc: Một việc chỉ do một cơ quan, một người chịu trách nhiệm; những việc có liên quan đến cơ quan khác thì xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính và cơ quan phối hợp thực hiện; khắc phục chồng chéo, trùng giẫm hoặc chia cắt trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực.

Báo cáo cũng thừa nhận dù đã khắc phục được 14/21 vấn đề đặt ra từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV nhưng đến nay vẫn có 20 vấn đề giao thoa hoặc có sự phân công, phối hợp quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ…

Khắc phục việc bổ nhiệm chức danh “hàm”

Hiện Ban Tổ chức Trung ương đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án “Xây dựng tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với đội ngũ chuyên gia; tiêu chuẩn, chế độ trợ lý, thư ký của các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo của Đảng, Nhà nước” để khắc phục việc bổ nhiệm chức danh “hàm” trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Hiện Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh/thành và các cơ quan liên quan không thực hiện việc bổ nhiệm mới chức danh “hàm” đối với cán bộ, công chức, viên chức.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/mot-so-bo-co-so-thu-truong-vuot-quy-dinh-942636.html