Một số bộ, ngành chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong giải quyết kiến nghị của cử tri
Trong Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 20/10, Quốc hội đã nghe Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Báo cáo cho thấy, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 807 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: tài nguyên, môi trường; chính sách đối với người có công, lao động, việc làm, an sinh xã hội; nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức bộ máy và chính sách đối với cán bộ, công chức; giao thông, vận tải; giáo dục và đào tạo... Đến nay, tất cả kiến nghị này đã được trả lời.
Lựa chọn giám sát nhiều vấn đề quan trọng của đất nước được cử tri quan tâm
Đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời tất cả 14 kiến nghị. Cử tri tin tưởng và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, trong lúc dịch bệnh COVID- 19 bùng phát lan rộng, Quốc hội đã kịp thời có những quyết sách làm cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ chủ động, linh hoạt chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch. Nhiều vấn đề được cử tri quan tâm, gắn với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội lựa chọn giám sát.
Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, theo báo cáo, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương nghiêm túc tiếp thu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, đã trả lời toàn bộ 781 kiến nghị. Trong đó, 662 kiến nghị được giải trình, cung cấp thông tin; 35 kiến nghị đã giải quyết xong; 84 kiến nghị đang tiếp tục được xem xét, giải quyết.
Đa số các Bộ trưởng, Trưởng ngành Trung ương quan tâm trực tiếp giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Một số kiến nghị của cử tri đã được Bộ, ngành giải quyết và thông tin đầy đủ về những vấn đề cử tri quan tâm, được các Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động- Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo; Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Quốc phòng, Công an và Thanh tra Chính phủ đã tích cực, nghiêm túc trả lời các kiến nghị của cử tri đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Đối với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xem xét, trả lời 5/5 kiến nghị. Trong đó, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời về một số quy định liên quan đến việc hướng dẫn thực hiện Bộ luật Hình sự; về chế độ thù lao đối với hòa giải viên ...
Người đứng đầu chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong giải quyết, trả lời kiến nghị
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế. Nổi lên là việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, một số Bộ, ngành Trung ương chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu, chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị. Một số kiến nghị chưa được giải quyết do chậm xây dựng, trình ban hành văn bản hướng dẫn. Một số kiến nghị cử tri phản ánh những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần phải điều chỉnh kịp thời, mặc dù đã được Bộ trả lời tiếp thu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm
Theo báo cáo, mặc dù nhiều Bộ trưởng, Trưởng ngành hết sức quan tâm, trực tiếp xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri nhưng vẫn còn một số nơi, các kiến nghị cử tri được giao cho cấp phó ký văn bản giải quyết, trả lời, chưa thể hiện rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu như: Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải.
Nêu việc phối hợp giữa một số Bộ còn chưa chặt chẽ trong công tác tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên còn có quy định không thống nhất, chưa đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng, Báo cáo dẫn ra cụ thể việc cử tri tỉnh Bến Tre cho rằng quy định của pháp luật về thời điểm tính tuổi nghỉ hưu đối với người lao động không xác định được ngày, tháng sinh, mà chỉ có năm sinh, theo quy định tại Nghị định số 135 và Nghị định số 159 chưa thống nhất.
Qua giám sát cho thấy, cùng là việc xác định thời điểm để tính tuổi nghỉ hưu đối với người lao động không xác định được ngày, tháng sinh, mà chỉ có năm sinh, nhưng Nghị định số 135 (do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội xây dựng và trình Chính phủ ban hành) lấy ngày 1 tháng 1 của năm sinh để làm căn cứ xác định thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng chế độ hưu trí, còn tại Nghị định số 159 (do Bộ Nội vụ xây dựng và trình Chính phủ ban hành) lại quy định đối với người quản lý doanh nghiệp nhà nước lấy ngày 1 tháng 1 của năm liền kề, như vậy có sự chênh lệch 1 năm giữa người lao động nói chung và người quản lý doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, xây dựng trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về xác định thời điểm tính tuổi nghỉ hưu đối với người không xác định được ngày, tháng sinh, mà chỉ có năm sinh, để khắc phục sự khác biệt về chính sách, chế độ hưu trí, bảo đảm công bằng đối với người lao động.
Báo cáo cũng nêu rõ, các cơ quan của Quốc hội tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, xử lý kiến nghị của cử tri, kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương giải quyết những hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát, giải quyết các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình...