Một số cán bộ cơ sở còn cứng nhắc ở ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16 tại 4 phường tại Đà Nẵng
Ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 tại 4 phường ở thành phố Đà Nẵng, nhiều cán bộ cơ sở còn thực hiện cứng nhắc.
Ngày 17/7 là ngày đầu tiên thành phố Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 tại 4 phường thuộc 3 quận Cẩm Lệ, Thanh Khê và Liên Chiểu. Người dân hầu hết đều tuân thủ không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết. Các quận đã lấy khoảng 15.000 mẫu xét nghiệm để tầm soát, chiếm hơn 12% tổng số nhân khẩu tại 4 phường này. Các địa phương đề nghị ngành Y tế hỗ trợ nhân lực phương tiện lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả người dân ở 4 phường này.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, một số địa phương thực hiện Chỉ thị 16 còn cứng nhắc. Người dân lúng túng không biết việc nào được ra ngoài, việc nào bị cấm.
Hiện nay, nhiều cán bộ cơ sở chưa hiểu rõ tinh thần Chỉ thị 16. Trên địa bàn quận Thanh Khê, một số nơi chặn cả những tuyến đường chính của thành phố Đà Nẵng như Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Linh, khiến nhiều người dân phản ứng gay gắt.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các địa phương thực hiện giãn cách xã hội hết sức linh hoạt, chỉ được khoanh vùng giãn cách nhà với nhà chứ không được chặn đường. Mục tiêu của Chỉ thị 16 là để người dân hạn chế ra ngoài, tiếp xúc, đồng thời có điều kiện lấy mẫu người dân trong khu giãn cách.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, khi có kết quả xét nghiệm của tất cả người dân trong khu phong tỏa thì nhanh chóng chuyển trạng thái chứ không cứ phải giãn cách đủ 14 ngày. Chính quyền phải tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận với phương pháp giãn cách xã hội. Các địa phương không nên thực hiện giãn cách xã hội một cách máy móc.
“Trục đường chính mà ngăn hết lại thì đó là một sự thất bại. Chúng ta phải hiểu rằng, thực hiện Chỉ thị 16 là nhà cách ly với nhà, chứ không phải nhà cách ly với đường. Các tuyến đường cần phải lưu thông. Chúng ta khoanh từ phạm vi từ vỉa hè vào để kiểm tra, lấy mẫu. Mọi việc cần phải hết sức là linh hoạt”, ông Quảng nói.
Từ 14h ngày 16/7 đến 14h ngày 17/7, thành phố Đà Nẵng ghi nhận 30 ca dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả đều liên quan đến chuỗi lây nhiễm cũ, là người trong khu vực cách ly, phong tỏa, không phát sinh chuỗi lây nhiễm mới.
Trong đó, chuỗi lây nhiễm từ ông V.H.B, kinh doanh bất động sản ở phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ phát sinh 9 trường hợp, nâng tổng số chuỗi lây nhiễm này lên 37 ca. Chuỗi lây nhiễm từ Công ty Việt Hoa, Khu Công nghiệp Hòa Khánh phát hiện thêm 9 trường hợp, trong đó 2 ca trong khu vực phong tỏa và 7 trường hợp là F1 đã cách ly. Như vậy, chuỗi ca bệnh này đã ghi nhận 40 ca.
Hiện, thành phố đã tầm soát hơn 7.000 người, chủ yếu là những người sống cùng khu trọ với các công nhân Công ty Việt Hoa ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu. Đến nay, Đà Nẵng đã cơ bản khoanh vùng các F liên quan chuỗi ca bệnh này nên dự kiến số ca mắc sẽ tăng trong những ngày tới.
Đáng lưu ý, công nhân Đ.H.X. (Công ty Việt Hoa), ở tại khu nhà trọ kiệt 256/30, Âu Cơ, Hòa Khánh Bắc cùng với một số công nhân khác. Khi Công ty Việt Hoa phát sinh ca mắc mới, quận Liên Chiểu đã phong tỏa cứng, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện 4 công nhân ở cùng cũng dương tính với SARS-CoV-2. 4 công nhân này đang làm việc tại 4 công ty khác nhau với khoàng 2.000 công nhân. Hiện, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu đã lấy mẫu xét nghiệm hơn 1.000 công nhân ở 2 doanh nghiệp và tiếp tục lấy mẫu ở 2 công ty tiếp theo./.