Một số cán bộ ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài phải tự cách ly
Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số cán bộ ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài phải tự cách ly do trong quá trình thực hiện công tác bảo hộ công dân có tiếp xúc với người nhiễm bệnh.
Lần đầu tiên, Bộ Ngoại giao chiều nay tổ chức họp báo thường kỳ bằng hình thức trực tuyến.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, Bộ Ngoại giao đã quán triệt cho tất cả cán bộ, công chức viên chức của Bộ ở trong và ngoài nước nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về phòng, chống Covid-19, thực hiện nghiêm quy định yêu cầu phòng chống dịch của nước sở tại.
Bộ yêu cầu cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quán triệt tinh thần bám trụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại, sẵn sàng bảo hộ công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo vệ sinh an toàn dịch tễ, tuân thủ nghiêm các yêu cầu, khuyến cáo, quy định về phòng chống dịch ở sở tại.
“Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cán bộ ngoại giao ở nước ngoài phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe, một số cán bộ phải tự cách ly vì trong quá trình thực hiện công tác bảo hộ công dân đã tiếp xúc với những người nhiễm bệnh”, bà Hằng thông tin.
Hiện nay, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn duy trì hoạt động đối ngoại, dành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân như duy trì đường dây nóng bảo hộ công dân 24/24h, thường xuyên cập nhật thông tin và giữ liên hệ với sinh viên và cộng đồng người Việt ở nước sở tại. Thăm hỏi động viên, chủ động trao đổi với cơ quan chức năng sở tại, đề nghị tạo điều kiện cư trú và chăm sóc y tế cho công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết, phối hợp hỗ trợ công dân trong quá trình về nước.
Rất may mắn là đến thời điểm hiện tại, chưa có cán bộ ngoại giao Việt Nam nào nhiễm virus Covid-19. Tới nay phần lớn cán bộ tự cách ly đã hoàn thành thời gian cách ly theo quy định, sức khỏe ổn định, quay trở lại làm việc bình thường.
Hỗ trợ hơn 800 công dân Việt Nam mắc kẹt về nước
Theo người phát ngôn, trong bối cảnh virus lây lan nhanh, phức tạp trên thế giới, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã hạn chế, thậm chí đóng cửa đường bay quốc tế, không cho quá cảnh, khiến nhiều hành khách Việt Nam bị kẹt tại các sân bay quốc tế.
Trước tình hình đó, Bộ Ngoại giao đã liên tục cập nhật thông tin và đưa ra khuyến cáo với công dân Việt Nam. Đặc biệt Bộ khuyến cáo công dân hạn chế tối đa đi lại giữa các nước và về Việt Nam trong thời điểm hiện nay.
Công dân cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại, thường xuyên kiểm tra, cập nhật quy định của nước sở tại và các hãng hàng không, đảm bảo có đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu để thực hiện chuyến đi, đặc biệt là giấy tờ xác nhận tình trạng sức khỏe nếu có. Trường hợp không có đầy đủ giấy tờ cần thiết có thể bị kẹt ở các sân bay quốc tế.
Từ 21-25/3, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước hỗ trợ hơn 800 công dân.
Đến nay còn khoảng 40 người đang bị kẹt ở các sân bay quốc tế. Các bên đang phối hợp chặt chẽ để đảm bảo chăm sóc y tế, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết, hỗ trợ tìm chỗ ở tạm thời cho công dân cũng như tiếp tục hỗ trợ, tìm kiếm, thu xếp chuyến bay về Việt Nam.
Bà Hằng cho biết thêm, về trường hợp người nước ngoài đang ở Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, có thể làm thủ tục gia hạn thị thực tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an theo đúng quy định.
“Việt Nam thường xuyên chia sẻ thông tin và sẵn sàng phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam thực hiện công tác bảo hộ công dân, giải quyết các vấn đề liên quan tới thị thực lưu trú của công dân nước ngoài tại Việt Nam trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật và thực tiễn quốc tế”, người phát ngôn nhấn mạnh.