Một số chợ truyền thống ở TP.HCM mở cửa trở lại, nơi đông nơi thưa vắng
Tại TP.HCM, một số chợ truyền thống đã được phép mở lại. Theo quy định phòng dịch, các chợ này phải có biện pháp kiểm soát hướng dẫn lượng khách, đảm bảo mật độ tiểu thương bán hàng và tuân thủ 5K, tổ chức mua bán tránh tiếp xúc tối đa giữa bán và người mua, khuyến khích hình thức bán hàng
Tại TP.HCM, một số chợ truyền thống đã được phép mở lại. Theo quy định phòng dịch, các chợ này phải có biện pháp kiểm soát hướng dẫn lượng khách, đảm bảo mật độ tiểu thương bán hàng và tuân thủ 5K, tổ chức mua bán tránh tiếp xúc tối đa giữa bán và người mua, khuyến khích hình thức bán hàng đồng giá… Đa số mọi người đã tuân thủ giãn cách, chủ động phòng ngừa dịch bệnh.
Ghi nhận tại các chợ như chợ Bình Thới, Quận 11, chợ Nguyễn Tri Phương, Quận 10, khách đến chợ khá đông, nhất là khung giờ buổi sáng. Nhiều người dân xung quanh vui mừng vì từ trước đến nay, họ quen đi chợ hơn so với đi siêu thị hay mua sắm online. Tại chợ Bình Thới, Ban quản lý chợ duy trì hình thức phát thẻ cho người dân. Trong thời gian đầu, chỉ 85 trong số gần 300 tiểu thương được phép bán hàng cùng thời điểm, các tiểu thương sẽ luân phiên buôn bán theo ngày để đảm bảo phòng dịch Covid-19.
Còn tại chợ An Đông, Quận 5, nhiều tiểu thương chưa trở lại kinh doanh, chỉ có 15 sạp hoạt động, chủ yếu bán thịt heo, bò, gà; các loại rau củ quả, gia vị… Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó ban quản lý Chợ An Đông cho biết, để phòng dịch, khách đến chợ phải tuân thủ 5K và được phát phiếu để điền thông tin, trong đó ghi rõ đã tiếp xúc với tiểu thương, sạp hàng nào và nộp lại ở cổng ra của chợ. Từ ngày mở cửa lại (17/7), lượng khách đến chợ An Đông thưa thớt, một phần do không có nhiều hàng hóa, mặt khác xung quanh khu chợ này có nhiều siêu thị, điểm bán lưu động đồng giá nên thu hút người dân hơn, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó ban Quản lý chợ An Đông giải thích.
Theo thống kê của Sở Công thương TP.HCM, tính đến ngày 19/7, toàn thành phố có 44 chợ truyền thống đang hoạt động. Song song đó, một số tiểu thương các chợ: Phú Lâm, Minh Phụng, Bình Tây, Tân Phong, Phước Thạnh… đang thực hiện phương thức bán hàng trực tuyến, để duy trì kinh doanh trong thời gian chợ tạm đóng cửa để phòng chống dịch.
Cũng theo Sở Công thương thành phố, việc mở lại các chợ truyền thống do UBND quận, huyện căn cứ tình hình dịch bệnh và điều kiện thực tế để đưa ra quyết định. Các chợ phải báo cáo phương án mở lại trước 23/7./.