Một số cổ phương có vị ngưu bàng tử
Ngưu bàng (Artium lappaL.), họ cúc (Asteraceae) là cây thuốc mọc hoang ở nhiều nơi trong nước ta, như Lào Cai (thị trấn Sa Pa), Yên Bái, Hà Nội...
Người ta thu hái lá bánh tẻ, quả già để lấy hat, gọi là ngưu bàng tử, hay đại đao tử, á thực, hắc phong tử, thử niêm tử.
Quả già của cây ngưu bàng phơi khô, đập cho hạt tung ra, phơi khô, khi dùng sao vàng. Rễ ngưu bàng rửa sạch, để ráo nước, thái vát chéo, phơi khô, sao vàng. Lá tươi (lá bánh tẻ) để dùng ngoài.
Về thành phần hoaá học, trong hạt ngưu bàng có chứa chất béo 25-30%, chủ yếu là acid panmitic, stearic, oleic, arachidic...; glucosid: actiin, l-arctigenin, isoarctigenin; alcaloid: lappin; phenol; protein; tinh dầu, sterol; nhiều loại vitamin. Rễ ngưu bàng có 5-6% glucoza, 50-70% chất inulin; ngoài ra còn có các chất nhựa, chất nhầy, chất đắng, muối vô cơ: kali...
Về tác dụng sinh học, ngưu bàng tử có tác dụng lợi niệu, hạ huyết áp. Glucosid từ ngưu bàng tử có thể làm cho động vật thí nghiệm co giật; làm tê liệt tim ếch cô lập. Nước sắc có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, vi trùng tan huyết. Rễ ngưu bàng có tác dụng hạ glucosa huyết. Cuống lá và thân cây có tác dụng tăng tích lũy glycogen trong gan, do đó làm ổn định glucosa huyết.
Theo y học cổ truyền, ngưu bàng tử có vị cay, đắng, tính hàn, vào kinh phế, vị. Công năng sơ tán phong nhiệt, tuyên phế, thấu chẩn, giải độc, lợi tiểu, lợi hầu họng, tiêu sưng. Trị các chứng ngoại cảm phong nhiệt, họng sưng đau, chứng sốt ho, ban chẩn khó mọc hoặc mọc ít, bệnh sởi ở thời kỳ đầu, hoặc bệnh quai bị, nhiệt độc ung nhọt sưng thũng. Còn trị chứng đi tiểu ít, nước tiểu sẫm màu, cảm giác buốt, dắt; ngưu bàng tử phối hợp với xa tiền, kim tiền thảo, râu mèo. Trị viêm họng sưng đau: ngưu bàng tử phối hợp bản lam căn, cát cánh, bạc hà, cam thảo. Trị ban chẩn, sởi đậu khó mọc: ngưu bàng tử phối hợp cát căn, thuyền thoái, bạc hà, kinh giới. Nếu có sốt cao, dùng: ngưu bàng tử, phù bình, đậu xị, liên kiều, cát căn, thăng ma, thuyền thoái, kim ngân hoa, hoàng cầm. Nếu sởi đã mọc mà kèm theo tiêu chảy, dùng: ngưu bàng tử, liên kiều, sơn tra, đăng tâm thảo, binh lang (sao vàng), hoàng liên, hoàng cầm, hậu phác, thanh bì, cam thảo. Trị viêm thận, phù thũng: ngưu bàng tử, trạch tả, long du thái. Trị mụn nhọt: ngưu bàng tử, kim ngân hoa, liên kiều, bạc hà hoặc dùng lá ngưu bàng đắp ngoài chữa mụn nhọt.
Liều dùng chung: Ngày 6-12g, dưới dạng bột, hoặc sắc uống. Lưu ý không dùng ngưu bàng tử cho người tỳ hư, tiêu chảy. Lá ngưu bàng dùng ngoài lượng thích hợp.
Một số phương thuốc thường dùng có ngưu bàng tử
Bài 1 - Ngân kiểu tán: ngưu bàng tử, kim ngân hoa, liều kiều, đạm đậu xị, mỗi vị 12g; cát cánh, đạm trúc diệp, bạc hà, mỗi vị 6-12g; kinh giới tuệ 6g; cam thảo 4g. Các vị tán bột mịn, uống với nước sôi để nguội. Hoặc sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần trước bữa ăn 30 phút đến 1 giờ. Trị sốt do cảm nhiệt, mồ hôi ra ít, hoặc không có mồ hôi, người khô háo, bồn chồn vật vã, khó chịu, nước tiểu đỏ, ít, đại tiện bí táo...; hoặc cơ thể ngứa ngáy, lên nhiều mụn nhọt, bứt rứt, đau nhức...
Bài 2: ngưu bàng tử, kim ngân hoa, mỗi vị 12g; liên kiều, kinh giới, bạc hà, mỗi vị 8g, cam thảo 4g. Sắc uống. Trị các chứng cảm mạo phong nhiệt sốt cao.
Bài 3: ngưu bàng tử, bản lam căn, mỗi vị 15g; cát cánh 6g; bạc hà, cam thảo, mỗi vị 3g. Sắc uống. Trị hầu họng sưng thũng.
Bài 4: ngưu bàng tử, cát căn, mỗi vị 6g; thuyền thoái, bạc hà kinh giới, mỗi vị 3g. Sắc uống. Trị sởi, đậu khó mọc.
Bài 5: ngưu bàng tử 15g, kim ngân hoa, liên kiều, mỗi vị 10g; bạc hà 5g. Sắc uống. Trị sang chẩn do phong nhiệt.
Bài 6: ngưu bàng tử, hoàng cầm, mỗi thứ 8g; kinh giới tuệ 4g; kim ngân hoa 12g; cát cánh 6g; cam thảo 3g. Trị trẻ em viêm amidan, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản...
Nếu sốt cao, thêm thạch cao (sống) 16g, liên kiều 6g. Lưu ý: thạch cao đập vụn, bọc vào vải sạch, cho vào sắc trước 30 phút - 1 giờ; sau đó cho các vị thuốc trên vào cùng sắc. Nước sắc chia 3 lần uống trước bữa ăn 30 phút - 1 giờ.
Nếu sốt về đêm, quấy khóc, thêm táo nhân 8g, đăng tâm thảo 2g; nếu do sởi thêm cát căn 12g, thăng ma 6g.
Bài 7: ngưu bàng tử, kim ngân hoa, cát căn, mỗi vị 12g; thăng ma 8g; cam thảo, kinh giới tuệ, mỗi vị 4g. Sắc uống. Trị sởi ở trẻ em, hoặc chứng dị ứng mẩn ngứa, nổi mề đay.
Bài 8: ngưu bàng tử 12g; bạc hà, phòng phong, cam thảo, mỗi vị 4g; kinh giới 8g. Sắc uống trước bữa ăn. Trị cảm nhiệt, người sốt, ho, họng khô.
Bài 9: ngưu bàng tử, phù bình (bèo cái khô), đồng lượng, tán nhỏ, trộn đều, mỗi lần uống 6g với nước ấm. Trị phù do viêm cầu thận cấp hoặc họng viêm sưng đau.
Ngoài dùng hạt ngưu bàng, người ta còn dùng lá. Chọn lá bánh tẻ, rửa sạch, giã nát, thêm chút muối ăn, đắp, bó vào nơi mụn nhọt, đinh độc sưng đau.
Rễ ngưu bàng được gọi là ngưu bàng căn, cũng được dùng làm thuốc thông tiểu ra mồ hôi; trị sưng đau các khớp hoặc mụn nhọt, trứng cá, lở loét. Nước sắc rễ ngưu bàng còn dùng trị đái tháo đường type 2.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mot-so-co-phuong-co-vi-nguu-bang-tu-n188044.html