Một số công ty lớn mua lại các hãng dược phẩm Trung Quốc gây lo ngại về an ninh quốc gia

Việc một số công ty lớn nước ngoài mua lại các hãng dược phẩm Trung Quốc có thể gây tổn hại đến ngành này và thậm chí đe dọa đến an ninh quốc gia, những nhà quan sát cảnh báo.

Kể từ tháng 12.2023, 5 nhà sản xuất thuốc sinh học của Trung Quốc đã được bán cho các công ty dược phẩm lớn trên thế giới.

Những người trong ngành đã cảnh báo rằng điều này có thể gây ra tác động tiêu cực, đặc biệt là khi có nguy cơ Mỹ mở rộng lệnh trừng phạt công nghệ của mình sang các loại thuốc thiết yếu.

John Cai, Chủ tịch China Healthcare Innovation Platform Academy - tổ chức nghiên cứu về chăm sóc sức khỏe tại thành phố Thượng Hải, nhận xét: “Khi xảy ra xung đột quốc gia và thuốc được coi là sản phẩm chiến lược, điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong nước. Xét thấy ngành dược phẩm sinh học và ngành chăm sóc sức khỏe rộng lớn hơn của Trung Quốc đang phải đối mặt với cạnh tranh và hạn chế quốc tế, Bắc Kinh nên hành động với tinh thần khẩn cấp”.

Ông cũng cho biết việc bán các sản phẩm sáng tạo mới ngay sau khi phát triển có thể cản trở khả năng của Trung Quốc trong việc xây dựng và duy trì các công ty dược phẩm mang tầm vóc quốc tế, vì quá trình nghiên cứu và phát triển đòi hỏi thời gian và sự đầu tư liên tục.

Thế nhưng, Wang Haoran, Giám đốc điều hành hãng khoa học sinh học Neoland, cho rằng các gã khổng lồ dược phẩm mua các công ty nhỏ trên thế giới là thực tế phổ biến.

"Nghiên cứu và phát triển thuốc đòi hỏi rất nhiều tiền mặt và liên quan đến chuỗi công nghiệp dài, một công ty nhỏ khó có thể duy trì toàn bộ vòng đời chỉ bằng cách huy động vốn đầu tư mạo hiểm", ông nói.

Ding Sheng, giáo sư tại khoa Khoa học dược phẩm của Đại học Thanh Hoa và là người đứng đầu tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Global Health Drug Discovery Institute tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), cho biết: "Khả năng khởi xướng và dẫn dắt việc phát triển các loại thuốc tiên tiến, mang tính cách mạng là một thành phần quan trọng của sức mạnh và an ninh quốc gia".

“Một quốc gia lớn cũng nên có trách nhiệm đảm nhận những nhiệm vụ đầy thách thức nhất", Ding Sheng nhấn mạnh. Ông nói thêm rằng điều này cũng mang lại những lợi ích như mở ra những cơ hội mới và nuôi dưỡng nhân tài.

Lần đầu tiên một công ty dược phẩm đa quốc gia thâu tóm toàn bộ hãng công nghệ sinh học Trung Quốc là thỏa thuận năm ngoái. Khi đó, AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) mua lại Gracell Biotechnologies (công ty Trung Quốc chuyên phát triển các liệu pháp tế bào tiên tiến cho bệnh ung thư và các bệnh tự miễn).

Tiếp theo là việc Novartis (Thụy Sĩ) mua lại SanReno Therapeutics (có trụ sở tại Thượng Hải, chuyên phát triển các liệu pháp điều trị bệnh thận) vào tháng 1.

Một số nhà quan sát lo ngại rằng việc bán các hãng dược phẩm Trung Quốc cho những công ty quốc tế có thể đẩy giá thuốc trong nước lên cao - Ảnh: Shutterstock

Một số nhà quan sát lo ngại rằng việc bán các hãng dược phẩm Trung Quốc cho những công ty quốc tế có thể đẩy giá thuốc trong nước lên cao - Ảnh: Shutterstock

Tháng trước, nền tảng tin tức đầu tư StreetInsider đưa tin Legend Biotech (công ty Trung Quốc tạo dựng được tên tuổi với liệu pháp tế bào tiên tiến) đã nhận được lời đề nghị mua lại.

Theo trang web FiercePharma, Johnson & Johnson (Mỹ) và Novartis có thể quan tâm đến Legend Biotech.

Được thành lập vào năm 2014 tại thành phố Nam Kinh, Legend Biotech chuyên phát triển các liệu pháp tế bào cho bệnh nhân ung thư, gồm cả Carvykti, một loại liệu pháp CAR-T.

Carvykti được các cơ quan quản lý của Mỹ, châu Âu chấp thuận vào năm 2022 và doanh thu bán hàng toàn cầu đã tăng lên vị trí thứ ba trong số tất cả liệu pháp CAR-T.

Tháng trước, tổ chức nghiên cứu chăm sóc sức khỏe Yiyao (Trung Quốc) cảnh báo trong một bài báo đăng trên tài khoản WeChat rằng việc bán Legend Biotech có thể làm tăng giá các liệu pháp CAR-T trên thị trường trong nước.

Các loại thuốc sản xuất trong nước thường rẻ hơn ở Trung Quốc so với thuốc nhập khẩu do một số yếu tố như sự cạnh tranh thị trường gia tăng và hệ thống định giá do chính phủ chi phối, khuyến khích các công ty hạ giá thành sản phẩm của họ.

Thế nhưng, Ding Sheng nói một vấn đề cơ bản chính là theo hệ thống định giá do nhà nước Trung Quốc chỉ đạo, việc phát triển và đầu tư vào thuốc gốc đã trở nên không có lợi nhuận với các công ty Trung Quốc. Thuốc gốc là loại thuốc mang tên cội nguồn dược chất đã được phát minh hoặc tên hóa học của nó. Nói cách khác, đây là thuốc đầu tiên được phát triển và đưa ra thị trường, chưa có bất kỳ biến thể nào.

Ding Sheng cho biết chính phủ có thể "cung cấp hỗ trợ ở nhiều cấp độ khác nhau, gồm cả môi trường tài chính năng động hơn".

Những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng đáng kể đầu tư vào nghiên cứu và phát triển dược phẩm từ cả khu vực chính phủ lẫn tư nhân, nhưng hầu hết nhà quan sát đều cảnh báo rằng ngành này đang gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn.

Ding Sheng cho biết hai hoặc ba năm trước, các nhà khoa học thấy việc huy động vốn mạo hiểm tương đối dễ dàng. Song kể từ năm 2021, lĩnh vực nghiên cứu và phát triển dược phẩm đã trải qua sự chậm lại rộng rãi trong hoạt động đầu tư mạo hiểm cùng việc suy giảm niềm tin của thị trường.

Những lý do đằng sau sự suy giảm này rất phức tạp, gồm cả tâm lý đầu tư thận trọng hơn và các quy định chặt chẽ hơn về chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

CAR-T (Chimeric Antigen Receptor T-cell) là loại liệu pháp miễn dịch được sử dụng để điều trị một số loại ung thư, đặc biệt là các loại ung thư máu.

Cơ chế hoạt động của CAR-T

Tế bào T: Đây là một loại tế bào bạch cầu có vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.

Sửa đổi tế bào T: Các nhà khoa học sẽ lấy tế bào T từ máu của bệnh nhân, sau đó tiến hành sửa đổi gien để tạo ra một thụ thể nhân tạo gọi là CAR. Thụ thể này được thiết kế đặc biệt để nhận biết và bám vào các kháng nguyên đặc trưng trên bề mặt tế bào ung thư.

Tấn công tế bào ung thư: Sau khi được sửa đổi, các tế bào T CAR-T được truyền trở lại vào cơ thể bệnh nhân. Tại đây, chúng sẽ tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư mang kháng nguyên mà chúng được thiết kế để nhận biết.

Ưu điểm của liệu pháp CAR-T

Đặc hiệu cao: Liệu pháp CAR-T chỉ tấn công vào tế bào ung thư, hạn chế tối đa tác dụng phụ lên các tế bào khỏe mạnh khác.

Hiệu quả cao: Với một số loại ung thư, liệu pháp CAR-T đã cho thấy kết quả điều trị rất khả quan, đặc biệt là ở những bệnh nhân đã kháng thuốc với các phương pháp điều trị khác.

Hạn chế của liệu pháp CAR-T

Chi phí cao: Liệu pháp CAR-T hiện nay còn khá đắt đỏ.

Tác dụng phụ: Mặc dù đặc hiệu cao nhưng liệu pháp CAR-T vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng như sốt, buồn nôn, mệt mỏi, thậm chí là hội chứng phóng thích cytokine (CRS).

Không phải loại ung thư nào cũng phù hợp: Liệu pháp CAR-T hiện chỉ được áp dụng cho một số loại ung thư máu và lympho.

Ứng dụng của liệu pháp CAR-T

Liệu pháp CAR-T đã được FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) phê duyệt để điều trị một số loại ung thư máu và lympho như bạch cầu lympho cấp (ALL), u lympho không Hodgkin (NHL), u đa u tủy...

Tương lai của liệu pháp CAR-T

Liệu pháp CAR-T đang được nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ với mục tiêu mở rộng phạm vi ứng dụng, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả điều trị. Các nhà khoa học đang tìm cách cải tiến công nghệ để tạo ra các tế bào CAR-T thế hệ mới, có khả năng tấn công nhiều loại ung thư khác nhau và ít gây ra tác dụng phụ hơn.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/mot-so-cong-ty-lon-mua-lai-cac-hang-duoc-pham-trung-quoc-gay-lo-ngai-ve-an-ninh-quoc-gia-222438.html