Một số dấu ấn trong hành trình vì sức khỏe nhân dân

Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt

Thế giới công nhận Việt Nam thanh toán bệnh bại liệt

Tháng 10/2000, Hội đồng Chứng nhận thanh toán bại liệt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực họp tại Kyoto (Nhật Bản), sau khi xem xét báo cáo về thanh toán bệnh bại liệt của nước ta và một số nước, đã công nhận Việt Nam cùng một số nước khu vực Tây Thái Bình Dương, gồm 37 quốc gia và vùng lãnh thổ với dân số 1,6 tỷ người (1/4 dân số thế giới) từ nay được coi là không còn bệnh bại liệt (năm 1990, số trường hợp trẻ em còn bị bệnh là 60.000).

Ngày 29/10/2000, WHO đã long trọng thông báo quyết định này trong buổi lễ có 20 bộ trưởng y tế các nước trong khu vực và các nước lân cận, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam - Đỗ Nguyên Phương thay mặt Chính phủ ta tới dự buổi họp này. Với sự có mặt của Hoàng tử Hitachi và nhiều quan chức Chính phủ Nhật, Chính phủ Nhật Bản chính thức xác nhận nước ta cùng một số nước đã loại trừ được loại bệnh nguy hiểm này.

Bản chứng nhận của Hội đồng gồm 8 nhà khoa học Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam (GS. Nguyễn Đình Hường là nhà khoa học Việt Nam đại diện tại Hội đồng) đã được công bố và gửi cho chính phủ các nước.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình phát biểu tại Lễ công bố Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình phát biểu tại Lễ công bố Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000.

Lễ công bố Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt

Chiều 15/12/2000, tại Nhà hát Lớn TP. Hà Nội đã diễn ra buổi lễ long trọng công bố: Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000. Đến dự buổi lễ trọng thể này có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Thủ tướng Phan Văn Khải, Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương, các thành viên Ủy ban Xác nhận thanh toán bại liệt tại Việt Nam. Về phía quốc tế có ngài Shigeru Omi - Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương; bà Mehr Khan - Giám đốc UNICEF khu vực Đông Á Thái Bình Dương; ông Giersing Mortern - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam; bà Pascan Brudon - Đại diện WHO tại Việt Nam; ngài Takeshi Nakamura - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cùng nhiều quan khách cao cấp của các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán tại nước ta.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam long trọng công bố với thế giới:

“Thưa các vị đại biểu trong nước và quốc tế, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam và sự công nhận của WHO, hôm nay, ngày 15 tháng 12 năm 2000, từ diễn đàn trọng thể này, thay mặt Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi long trọng tuyên bố: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt kể từ năm 2000”.

Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nói chung và cho trẻ em nói riêng. Để có được thành tích này, các cán bộ làm công tác y tế dự phòng các cấp đã phấn đấu không mệt mỏi thực hiện tốt đường lối y tế dự phòng tích cực của Đảng và Nhà nước.

Tiễn 2 bệnh nhân SARS cuối cùng ra viện (2/5/2003).

Tiễn 2 bệnh nhân SARS cuối cùng ra viện (2/5/2003).

Chiến thắng bệnh SARS

Lần đầu tiên trong lịch sử dịch bệnh ở nước ta cũng như trên thế giới, đã xuất hiện dịch viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARS), với diễn biến hết sức phức tạp và nhanh, với tính chất ác liệt, đặc biệt lây nhiễm và gây tử vong cho nhân viên y tế. SARS xuất hiện tại châu Á vào năm 2002 và ổ dịch đầu tiên là Trung Quốc, chỉ trong thời gian ngắn đã lây lan đến 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm trên 8.400 người mắc, trong đó có 916 người chết.

Trường hợp nhiễm bệnh SARS đầu tiên tại Việt Nam được ghi nhận vào ngày 26/2/2003 tại Bệnh viện Việt Pháp. Người bệnh là một thương gia Mỹ gốc Hoa, bị nhiễm bệnh từ Hongkong và phát bệnh ở Việt Nam. Sau 1 tuần vào viện, dịch bắt đầu lan sang các nhân viên y tế và một số người có liên quan. Trường hợp mắc bệnh cuối cùng được ghi nhận vào ngày 8/4/2003. Tổng cộng có 63 người mắc bệnh, trong đó có 5 người tử vong...

Ngay sau khi phát hiện bệnh SARS, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp mạnh mẽ bao gồm: cách ly bệnh nhân, tất cả những người đã tiếp xúc với bệnh nhân và những người có biểu hiện hoặc nghi vấn nhiễm bệnh; tiến hành điều trị tích cực cho những người nhiễm bệnh; kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, ngăn chặn không cho bệnh dịch tái nhập Việt Nam. Các tin tức được phổ biến công khai và các biện pháp phòng ngừa cấp bách ngay lập tức được thực hiện. Trong quá trình này, Việt Nam đã nhận được sự hợp tác, giúp đỡ tích cực và quý báu của WHO và các nước.

Đầu tháng 3/2003, BS. Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, tham gia hội chẩn ở Bệnh viện Việt Pháp, tiếp xúc với các bệnh nhân SARS đầu tiên. Và 10 ngày sau, ông là người trực tiếp lãnh đạo khoa tiếp nhận điều trị bệnh nhân đầu tiên, rồi tiếp theo với tổng số 34 trường hợp (có 12 trường hợp nặng).

Dưới sự chỉ đạo và chi viện của ngành y tế, của nhiều cơ quan, của Bệnh viện Bạch Mai và của Viện, tập thể các thầy thuốc và y tá nhân viên Khoa Cấp cứu, trong 53 ngày đã làm việc quên mình, vượt qua nhiều khó khăn ban đầu: thiếu thốn phương tiện hồi sức, thiếu dụng cụ phòng hộ cho thầy thuốc. Họ không sợ lây nhiễm, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng, luôn ở bên cạnh người bệnh để theo dõi các biến diễn phức tạp để cứu chữa kịp thời. Để tránh sự lây lan bệnh ra ngoài cộng đồng, các y tá, điều dưỡng và bác sĩ phải lo việc chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân thay người nhà của họ. Khi cho một bệnh nhân nặng ăn uống, phải có 2 nhân viên y tế phục vụ hàng giờ, một người xúc cho ăn, một người chụp ống thở sau mỗi thìa cơm để giữ cho bệnh nhân được liên tục thở. Thỉnh thoảng phải cho bệnh nhân thay đổi tư thế, lúc nằm, lúc ngồi, lúc duỗi chân tay... Các bác sĩ còn phải động viên người bệnh không bi quan trước bệnh tật. Các bệnh nhân qua cơn hiểm nghèo được chuyển sang khoa khác trong Viện điều trị tiếp do BS. Trịnh Thị Ngọc phụ trách.

Sự nỗ lực của Viện, của Khoa đã có hiệu quả lớn, các bệnh nhân SARS đều khỏi bệnh. Không một bệnh nhân nào tử vong, cũng không có một bác sĩ, nhân viên nào của Khoa Cấp cứu cũng như của Viện bị lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm này. Đó là một chiến công vang dội cả ở trong nước và nước ngoài. Chiến công đó đã được WHO ghi nhận: “Việt Nam đã kiểm soát thành công bệnh SARS”. Tinh thần dũng cảm và xả thân của các thầy thuốc Việt Nam được thế giới biết đến, ngạc nhiên và khâm phục.

Khoa Cấp cứu của Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới đã lập được những kỳ tích. Sự cống hiến, sự tận tụy phục vụ của cán bộ Viện đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Năm 2004, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho tập thể cán bộ Viện. Nhiều cá nhân của Viện được nhận bằng khen...

TRẦN GIỮU

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mot-so-dau-an-trong-hanh-trinh-vi-suc-khoe-nhan-dan-n179675.html