Một số địa phương còn lúng túng triển khai quản lý dạy thêm, học thêm
Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm...

Ảnh minh họa.
Ngày 3/4/2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 1479/BGDĐT-GDPT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục tăng cường thực hiện Công điện số 10CĐ-TTg ngày 7/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Thực hiện Công điện số 10/CĐ-TTg (nêu trên), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản chỉ đạo, thành lập Đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 6 tỉnh.
Ngày 28/3/2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 (Thông tư số 29) và công tác tuyển sinh đầu cấp, tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025.
Tuy nhiên, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian báo cáo tình hình triển khai thực hiện Thông tư số 29. Cụ thể, có 7 tỉnh gửi báo cáo muộn so với quy định. Một số địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện do chưa ban hành văn bản quy định về quản lý dạy thêm, học thêm theo thẩm quyền.
Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tuyển sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm, tăng cường chỉ đạo thực hiện các nội dung trển, kịp thời báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Trên thực tế, sau hơn một tháng triển khai Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm trên toàn quốc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh các kết quả nổi bật.
Một là, công tác truyền thông, phổ biến Thông tư 29 được thực hiện từ các cấp trung ương, địa phương, các nhà trường nhằm giải thích cho nhân dân, tạo ra diễn đàn công khai, nhìn nhận một cách đa chiều, khách quan về nội dung Thông tư.
Hai là, tạo ra được một tinh thần đồng tâm, đồng thuận và tính hành động cao. “Bởi vì thấu hiểu thì đồng tâm, hiểu được Thông tư 29 mang lại những giá trị tốt đẹp, nhân văn cho giáo dục, đào tạo, cho học sinh, thầy cô giáo và nền giáo dục của chúng ta. Điều đó tạo ra tính hành động cao, tạo ra những mô hình, đa dạng hóa học nhóm và phát triển tự học. Tính hành động cao còn thể hiện ở việc kiểm tra và giám sát”, Thứ trưởng nói tại Hội nghị ngày 28/3/2025.
Ba là, Thông tư 29 tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và đủ mạnh theo đúng thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bốn là, qua phản ánh của các cơ quan báo chí, ý kiến của các chuyên gia, nhìn nhận về Thông tư một cách đa chiều, càng giúp hiểu rõ hơn những hệ lụy của việc dạy thêm, học thêm.
Năm là, để chấm dứt được tình trạng dạy thêm, học thêm, Thứ trưởng lưu ý phải thực hiện đồng bộ các giải pháp với khẳng định “một Thông tư chưa thể giải quyết được hết các vấn đề cụ thể”.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt Thông tư 29 cũng như nâng cao chất lượng giáo dục, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị cần đồng bộ các giải pháp, trong đó nhấn mạnh cần tiếp tục tuyên truyền về Thông tư.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổng hợp các ý kiến, tiếp thu và trong tháng 5 sẽ ban hành hướng dẫn thay thế văn bản cũ về dạy học buổi 2, nhằm thực hiện tốt quy định về học thêm, dạy thêm.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một kênh tiếp nhận phản ánh về những hình thức dạy học biến tướng của học thêm, dạy thêm để xác minh, xử lý.