Một số điểm mới cần lưu ý về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2020

Ngày 28/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2020/NÐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLÐ) về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BNN) bắt buộc (thay thế Nghị định số 37/2016/NÐ-CP, ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLÐ về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc). Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2020, có một số điểm mới đáng lưu ý cho người lao động (NLÐ) và người sử dụng lao động (NSDLÐ) cụ thể như sau:

1. Hỗ trợ chi phí chữa BNN cho NLÐ

Nghị định 88/2020/NÐ-CP quy định chế độ cho NLÐ phát hiện bị BNN khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị BNN.

Căn cứ khoản 3, Ðiều 5, Nghị định 88/2020/NÐ-CP, NLÐ bị BNN, thân nhân NLÐ bị BNN được Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) về tai nạn lao động (TNLÐ), BNN chi trả các chế độ sau:

- Các chế độ theo quy định tại Mục 3, Chương III, Luật ATVSLÐ đối với NLÐ tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: Chi phí giám định thương tật, bệnh tật; trợ cấp một lần hoặc hàng tháng; trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp khi NLÐ chết do BNN; đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm BNN hàng tháng.

- Hỗ trợ 100% chi phí khám BNN tính theo biểu giá khám BNN do Bộ trưởng Y tế ban hành tại thời điểm NLÐ khám BNN sau khi đã được BHYT chi trả.

- Hỗ trợ 100% chi phí chữa BNN tính theo biểu giá chữa BNN tại thời điểm NLÐ chữa BNN theo quy định của Bộ trưởng Y tế sau khi đã được BHYT chi trả.

Như vậy, so với Nghị định 37/2016/NÐ-CP, Nghị định 88/2020/NÐ-CP nâng mức hỗ trợ chi phí chữa BNN lên 100% thay vì 50% như trước đây. Mặt khác, bổ sung đối tượng được hưởng là “thân nhân NLÐ bị BNN” thay vì chỉ giới hạn là NLÐ bị BNN như trước.

2. Hỗ trợ kinh phí chữa BNN không quá 15 triệu đồng

Nghị định 88/2020/NÐ-CP quy định, NLÐ được hỗ trợ kinh phí chữa BNN theo quy định tại Luật ATVSLÐ 2015 khi có đủ các điều kiện: Ðã được chẩn đoán bị BNN tại cơ sở khám bệnh, chữa BNN; đã tham gia bảo hiểm TNLÐ, BNN đủ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa BNN; có tham gia BHXH bắt buộc trong thời gian làm các nghề, công việc gây BNN.

Ðiều 21, Nghị định 88/2020/NÐ-CP của Chính phủ quy định mức hỗ trợ kinh phí chữa BNN bằng 50% chi phí chữa BNN tính theo biểu giá chữa BNN tại thời điểm NLÐ chữa BNN theo quy định của Bộ trưởng Y tế sau khi đã được BHYT chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người.

So với quy định tại Nghị định 37/2016/NÐ-CP, mức hỗ trợ kinh phí chữa BNN cao nhất là 15 triệu đồng, thay cho quy định trước đây không quá 10 lần mức lương cơ sở/người.

Nghị định mới đã bỏ điều kiện NSDLÐ đã tổ chức khám, phát hiện BNN cho NLÐ theo quy định. Việc bỏ điều kiện này phù hợp với thực tế. Nếu giữ theo quy định cũ, nhiều NLÐ không được hưởng hỗ trợ kinh phí chữa BNN do nhiều đơn vị sử dụng lao động không tổ chức khám, phát hiện BNN cho NLÐ.

3. Không nghỉ việc không được hưởng chế độ dưỡng sức

Theo Ðiều 54, Luật ATVSLÐ 2015, sau khi điều trị ổn định thương tật do TNLÐ hoặc bệnh tật do BNN, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi, NLÐ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 - 10 ngày/lần bị TNLÐ, BNN.

Ðiều 9, Nghị định 88/2020/NÐ-CP của Chính phủ quy định số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hàng tuần theo quy định của pháp luật về lao động. Tuy nhiên, cũng theo Ðiều 9 của Nghị định này trường hợp NLÐ không nghỉ việc thì không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật.

4. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp

NSDLÐ được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho NLÐ theo quy định tại Ðiều 55, Luật ATVSLÐ khi NLÐ có đủ các điều kiện sau đây: Suy giảm khả năng lao động do bị TNLÐ, BNN từ 31% trở lên; được NSDLÐ sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý phù hợp với sức khỏe, nguyện vọng của NLÐ nhưng công việc đó cần phải đào tạo nghề để chuyển đổi; đang tham gia bảo hiểm TNLÐ, BNN theo quy định của pháp luật tại thời điểm bị TNLÐ, BNN. Bên cạnh đó, học phí quy định tại khoản 2, Ðiều 55, Luật ATVSLÐ được tính trên cơ sở giá dịch vụ đào tạo nghề theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định hỗ trợ cho từng đối tượng. Mức hỗ trợ tối đa là 50% mức học phí, nhưng không quá 15 lần mức lương cơ sở.

Minh Thùy (tổng hợp)

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/183284/mot-so-diem-moi-can-luu-y-ve-che-do-tai-nan-lao-dong-benh-nghe-nghiep-nam-2020