Một số điểm mới của Pháp lệnh số 03/2022/ UBTVQH15

Theo đó, Pháp lệnh số 03 có một số điểm mới sau đây:

- Khoản 1 Điều 3 của pháp lệnh bổ sung thẩm quyền tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính là Tòa án Nhân dân (TAND) cấp huyện nơi người bị đề nghị có hành vi vi phạm trong trường hợp người đề nghị là Trưởng Công an cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 99, khoản 2 Điều 101, khoản 1 Điều 100, khoản 1 Điều 102 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, cụ thể khoản 1 Điều 3 quy định:

1. Thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là TAND cấp huyện) được quy định như sau:

a) TAND cấp huyện nơi có trụ sở cơ quan của người đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (sau đây gọi là người đề nghị), trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

b) TAND cấp huyện nơi người bị đề nghị có hành vi vi phạm trong trường hợp người đề nghị là Trưởng Công an cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 99, khoản 1 Điều 100, khoản 2 Điều 101, khoản 1 Điều 102 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, pháp lệnh cũng quy định về phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thể được tổ chức theo hình thức trực tuyến (khoản 1 Điều 21); quy định trình tự, thủ tục tranh luận tại phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, phiên họp xem xét giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của tòa án (điểm h khoản 3 Điều 21, điểm g khoản 3 Điều 35), cụ thể:

Khoản 1 Điều 21 quy định: Phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính được tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến.

Điểm h khoản 3 Điều 21 quy định: Người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có); cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị tranh luận các vấn đề có liên quan với người đề nghị hoặc người được ủy quyền. Việc tranh luận được tiến hành theo sự điều hành của thẩm phán. Người tham gia tranh luận có quyền đối đáp lại ý kiến của người khác. Thẩm phán tiến hành phiên họp không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho họ tranh luận, trình bày hết ý kiến; có quyền yêu cầu dừng những ý kiến không liên quan đến vụ việc hoặc ý kiến lặp lại.

Điểm g khoản 3 Điều 35 quy định: Người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của họ (nếu có) tranh luận các vấn đề có liên quan với người kiến nghị, kiểm sát viên trong trường hợp Viện Kiểm sát kháng nghị; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị đề nghị. Việc tranh luận được tiến hành theo sự điều hành của thẩm phán. Người tham gia tranh luận có quyền đối đáp lại ý kiến của người khác. Thẩm phán tiến hành phiên họp không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho họ tranh luận, trình bày hết ý kiến; có quyền yêu cầu dừng những ý kiến không liên quan đến vụ việc hoặc ý kiến lặp lại.

Ngoài ra Pháp lệnh số 03 còn mở rộng một số thời hạn giải quyết như thời hạn khiếu nại, kiến nghị kháng nghị; thời hạn khiếu nại sau khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (Điều 32, Điều 42), cụ thể:

Điều 32. Thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của tòa án.

1. Thời hạn khiếu nại là 5 ngày làm việc kể từ ngày tòa án công bố quyết định. Trường hợp người có quyền khiếu nại vắng mặt tại phiên họp hoặc trường hợp tòa án không mở phiên họp và ra quyết định mà pháp lệnh này quy định được quyền khiếu nại đối với quyết định đó thì thời hạn khiếu nại là 5 ngày làm việc kể từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được quyết định của tòa án.

Trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn thì thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn khiếu nại.

2. Thời hạn kiến nghị, kháng nghị là 5 ngày làm việc kể từ ngày tòa án công bố quyết định. Trường hợp tòa án không mở phiên họp và ra quyết định mà pháp lệnh này quy định được quyền kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định đó thì thời hạn kiến nghị, kháng nghị là 5 ngày làm việc kể từ ngày người có quyền kiến nghị, kháng nghị nhận được quyết định của tòa án.

Điều 42. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại.

1. Khiếu nại hành vi của Thẩm phán, Thư ký TAND cấp huyện do Chánh án TAND cấp huyện giải quyết trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại; nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án TAND cấp huyện, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến TAND cấp tỉnh có thẩm quyền. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án TAND cấp tỉnh phải xem xét, giải quyết. Quyết định của Chánh án TAND cấp tỉnh là quyết định cuối cùng.

Khiếu nại hành vi của Chánh án TAND cấp huyện do Chánh án TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định của Chánh án TAND cấp tỉnh là quyết định cuối cùng.

2. Khiếu nại hành vi của Thẩm phán, Thư ký TAND cấp tỉnh do Chánh án TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án TAND cấp tỉnh phải xem xét, giải quyết. Quyết định của Chánh án TAND cấp tỉnh là quyết định cuối cùng.

3. Khiếu nại hành vi của Chánh án TAND cấp tỉnh do Chánh án TAND cấp cao trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ xem xét, giải quyết trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định của Chánh án TAND cấp cao là quyết định cuối cùng.

4. Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định, tòa án phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã khiếu nại và viện kiểm sát cùng cấp.

Pháp lệnh số 03 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2023.

SỞ TƯ PHÁP

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/mot-so-diem-moi-cua-phap-lenh-so-03-2022-ubtvqh15-a292345.html